Tình của biển
Trong chuyến hành trình 400 hải lý trên biển Tây Nam, tôi có dịp gặp gỡ với rất nhiều bạn bè, phóng viên báo chí Trung ương và địa phương trên con tàu 627 của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân. Có thể nói, đây là chuyến đi biển xa nhất và là lần đầu tiên tôi đặt chân đến những hòn đảo tiền tiêu trên biển Tây Nam của Tổ quốc. Cảm giác lênh đênh nhiều ngày trên biển thực sự không dễ chịu, nhưng tôi được đền bù bằng những cảm xúc rất đặc biệt trong suốt hành trình mà bản thân trước đây chưa từng trải nghiệm.
Ra biển. Bạn sẽ thấy biển mênh mông để tự hào thêm về đất nước của mình. Ra biển. Đó là cuộc hành trình của ngày và đêm, mà mỗi thời điểm biển lại mang đến cho tôi những cảm xúc rất khác nhau. Đêm, biển nhẹ nhàng và lặng lẽ. Ngày, biển mênh mông và dữ dội. Tàu 627 cứ hiên ngang cưỡi sóng, chẻ gió đưa đoàn công tác đến với những hòn đảo tiền tiêu mà biển chưa bao giờ thôi ca hát. Trên chuyến hải trình, thi thoảng tôi nhìn thấy những chiếc tàu cá tròng trành giữa muôn trùng sóng nước. Thấy tôi cứ nhìn chăm chăm, một chiến sĩ hải quân trong đoàn công tác giải thích rằng: “Ngư dân mình vươn khơi bám biển đấy anh ạ. Vừa để mưu sinh mà cũng để giữ biển quê mình!”.
Các lực lượng đứng chân trên đảo luôn đồng hành cùng ngư dân giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc
Tàu chúng tôi đi qua những vùng biển nông, sâu khác nhau và ở đó cũng có những trải nghiệm rất khác nhau. Đó là vùng biển Thổ Chu với những đoàn tàu đánh cá đậu san sát nhau cùng tận hưởng sự hào phóng của mẹ thiên nhiên. Đó là biển Hòn Khoai với màu phù sa của nước, là biển Hòn Chuối với 2 mùa gió rõ rệt trong năm hay biển Hòn Đốc với cái vẻ thơ mộng rất riêng. Càng đi, bạn sẽ càng cảm thấy vùng biển Tây Nam với bờ biển dài 450km và diện tích mặt nước 150km2 này luôn là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc.
Hành trình dài ngày trên biển dần mở ra cho các thành viên trong đoàn những cảm nhận rất rõ về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trên biển không chỉ là mặt nước mênh mông, mà còn có những con tàu với cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới ngang dọc khắp nơi tìm kiếm những mẻ lưới cá đầy. Trên biển còn có những con người đang ngày đêm hiên ngang giữa sóng, giữa gió để giữ gìn chủ quyền đất nước. Thiêng liêng hơn nữa, trên biển còn có những hòn đảo hiên ngang tồn tại với dấu chân của tiền nhân dày công khai phá, để lớp cháu con hôm nay giữ gìn từ đời này qua đời khác.
Tình người nơi đảo xa
Trong suốt chuyến đi, tôi đặc biệt ấn tượng với những con người chân phương ngoài đảo xa. Đến với đảo Thổ Chu (TP. Phú Quốc, Kiên Giang), bạn sẽ ngỡ ngàng với bàn tay xây dựng của con người nơi đây. Từ khi 17 hộ dân đầu tiên đến định cư trên hòn đảo xinh đẹp này vào năm 1993 đến nay, Thổ Chu đã hình thành xã Thổ Châu đầy sức sống. Lần đầu đến đảo, tôi không thể ngờ ở một nơi cách xa đất liền khoảng 200km lại có cuộc sống khá sôi động như thế.
Chị Lâm Thị Tố Nữ (ngư dân xã đảo Thổ Châu) vui vẻ: “Với sự quan tâm của địa phương, lực lượng hải quân và bộ đội biên phòng giúp ngư dân chúng tôi yên tâm bám biển mưu sinh. Đời sống ở đây dù chưa quá trù phú nhưng không còn cơ cực như trước. Được nhận quà từ lực lượng hải quân, tôi càng có thêm động lực để vươn khơi bám biển!”. Qua nụ cười của người phụ nữ ở đảo xa này, tôi biết chị muốn nói thật nhiều nhưng lời không đủ ý. Cầm trên tay lá cờ Tổ quốc do Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân trao tặng, tôi thấy mắt chị ánh lên niềm vui bởi luôn có sự đồng hành của những người lính cụ Hồ cùng ngư dân giữ gìn vùng biển quê hương.
Tặng quà cho học sinh đảo Hòn Chuối
Cũng tại đảo Thổ Chu, tôi gặp người lính biển xuất thân từ xứ núi Tịnh Biên ra tận đây làm nhiệm vụ. Trước mặt tôi, trung úy Lê Đức Anh, Phó Trạm trưởng Trạm Rada 610, với vóc dáng cao gầy nhưng đôi mắt lại đầy nghị lực của người chiến sĩ hải quân. Biết tôi là người An Giang, Lê Đức Anh không giấu được niềm vui, cứ nắm chặt tay với nụ cười rạng rỡ. Hai năm ăn Tết ở đảo xa, Lê Đức Anh rất nhớ cái Tết của quê nhà. Tình cờ được nắm tay “đồng hương”, người chiến sĩ ấy chia sẻ rằng anh đã có thêm niềm vui trong những ngày Tết đến, xuân về.
Trong chuyến hải trình của chúng tôi còn có đảo Hòn Khoai quanh năm chỉ có sóng biển với cây rừng, mà mấy chiến sĩ trẻ cứ nhìn chằm chằm người từ đất liền ra với ánh mắt rụt rè nhưng vui đến lạ! Đó là đảo Hòn Chuối với gương mặt thân thương của mấy chục cô, cậu học trò và những hàm răng sún cười toe toét khi nhận được quà của đoàn công tác. Quà chẳng mấy cao sang, mỗi em vài hộp bánh, mấy bộ quần áo, một chiếc cặp mà quý đến không ngờ! Bởi lẽ, đó là “hơi ấm” của đất liền mà mỗi năm các em chỉ vài lần được thấy.
Sau chuyến hải trình ấy, tôi trở lại đất liền mà trong lòng vẫn cảm thấy bâng khuâng bởi nghĩa tình của những con người nơi đảo xa ấy. Và có lẽ lời nhắn nhủ của trung úy Lê Đức Anh cứ làm tôi nhớ mãi: “Trước thềm năm mới, tôi xin chúc mọi người, mọi nhà trong đất liền hưởng một mùa xuân an lành, hạnh phúc. Chúng tôi ở đây sẽ luôn chắc tay súng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ canh trời, giữ biển quê hương!”.
THANH TIẾN