Hành trình trở thành nghệ nhân ưu tú

27/06/2019 - 07:59

 - “Lem mù” hay “Tư Lem” là tên gọi thân thương của bà con lối xóm dành cho nghệ nhân khiếm thị Trần Văn Hùng (sinh năm 1959, ngụ ấp Trung Bình Tiến, xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn). Số phận đã “cướp” đi ánh sáng của chú Tư Lem từ lúc 5 tuổi, nhưng chính nghị lực phi thường và niềm đam mê đờn ca bất tận, thấm tận xương tủy, chú Tư Lem đã từng bước vượt qua nghịch cảnh, trở thành người “truyền lửa” cho nhiều người.

Bác sĩ Kim Sơn (bìa phải) là người bạn tri kỷ của nghệ nhân ưu tú Tư Lem

Vươn lên từ nghịch cảnh

Thăm người nghệ nhân tài hoa Tư Lem giữa lúc bạn bè thân hữu đang chung vui vì người anh em của mình đã được phong tặng “Nghệ nhân ưu tú”, cả xóm nhỏ ngập trong tiếng cười vui, đờn ca như ngày hội. Chú Tư Lem điềm đạm, từ tốn dạo khúc đờn ca ngọt ngào trong sự thích thú của nhiều người. Chia sẻ cái duyên đến với đờn ca tài tử, chú Tư Lem bồi hồi nhớ lại: “Tôi vẫn nhìn thấy ánh sáng như bao người cho đến khi lên 5 tuổi. Cơn sốt phát ban ập đến như nỗi ám ảnh kinh hoàng của tôi và gia đình. Nhờ chạy chữa kịp thời nên tôi giữ được mạng sống, nhưng đôi mắt không thấy gì từ đó. Từ cậu bé hiếu động, chạy nhảy khắp nơi, tôi hụt hẫng, tuyệt vọng vì không còn nhìn thấy ánh sáng, không được cùng chúng bạn vui đùa. tôi khóc rất nhiều vì mặc cảm quá lớn. Tôi ở suốt trong nhà không màng nói cười. Sự kiên nhẫn, động viên, yêu thương của gia đình, ba mẹ đã dần tiếp thêm sức mạnh để tôi thoát khỏi bóng đêm u tối. tôi mê đờn nên ba đã mời thầy về dạy nhịp phách cho tôi. Chưa đầy 1 tháng, tôi đã thành thạo ngón đờn mà thầy đã truyền dạy. Sau 1 năm, tôi trở thành “tay đờn” có tiếng ở xóm nhỏ này. Khi ấy, tôi chỉ mới 15 tuổi, từ đó tôi không còn tâm lý mặc cảm, lo sợ nữa. Chính đờn ca là người bạn thân thiết, là nguồn lực to lớn để tôi vươn lên, vượt qua nghịch cảnh và có được cuộc sống như hôm nay”.

Điều chúng tôi khâm phục nhất ở chú Tư Lem là tinh thần học hỏi rất cao và nghị lực hơn người. Bởi, không chỉ bị khiếm thị đôi mắt, chú còn bị mù chữ. Vậy mà, chú Tư Lem là tác giả của cả trăm bài ca cổ của câu lạc bộ đờn ca tài tử ở xã Vĩnh Trạch. Qua lời kể của nhiều người, các sáng tác của người nghệ nhân mù ấy rất sâu sắc, ca từ ý nghĩa, thấm sâu vào lòng người. Trong câu lạc bộ, mỗi thành viên hầu như đều được chú Tư Lem viết cho những bài khác nhau, phù hợp với chất giọng và phong cách từng người. Đó là điểm đặc biệt khiến nhiều người khâm phục, yêu mến. Với đủ các loại đề tài, từ tình yêu đôi lứa, ca ngợi quê hương đất nước đến chuyện lịch sử, chú Tư Lem đều có những sáng tác riêng, mang đậm dấu ấn bản thân. “Tôi bị khiếm thị, không biết chữ nhưng có chiếc radio làm bầu bạn. Hầu như tối nào tôi cũng bật radio để nghe tin tức thời sự, nhờ vậy tôi biết được tình hình thời sự trong nước và quốc tế, đặc biệt tôi rất thích nghe kể chuyện lịch sử dân tộc. Chiếc radio là bạn nhưng cũng là thầy làm nên những sáng tác của tôi” - nghệ nhân Tư Lem chia sẻ.

Tình bạn đẹp với bác sĩ Kim Sơn

BSCKI, Giám đốc Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình huyện Thoại Sơn Trần Kim Sơn là người bạn tri kỷ nhiều năm qua của nghệ nhân Tư Lem. Từ tình bạn này mà các ca khúc của chú Tư đa dạng thêm với đề tài dân số, kế hoạch hóa gia đình. “Biết anh Tư Lem qua người cộng tác viên dân số. Khi đó, anh đã có 1 sáng tác rất ấn tượng về việc tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch. Thấy được tài hoa của anh, tôi tìm đến giao lưu, kết bạn. Anh dạy tôi đờn hát, tôi chia sẻ với anh về công việc, về chính sách dân số và đường lối của Đảng, nhà nước. Qua chia sẻ của tôi, kết hợp với nghe radio, anh có thêm cảm hứng sáng tác những bài ca cổ tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình và chính sách dân số. Những khi xong công việc, tôi thường đến nhà chở anh đi đây đi đó và nói cho anh nghe về những điều tốt đẹp xung quanh mình, giúp anh giải khuây và có thêm cảm hứng sáng tác mới, lâu dần chúng tôi thành tri kỷ” - BS Kim Sơn cho hay.

Từ ngày có bài hát của nghệ nhân Tư Lem, những buổi tuyên truyền dân số, kế hoạch hóa gia đình, bạo lực gia đình, khám sức khỏe tiền hôn nhân… BS Sơn đều song hành cùng người bạn Tư Lem. Theo BS Sơn, bên cạnh tuyên truyền bằng các hình thức trực quan hay thuyết minh, anh còn hát những ca khúc của bạn mình sáng tác. Lời bài hát làm mọi người dễ hiểu và “chịu nghe” hơn so với những hình thức tuyên truyền khác. “Không ít người thốt lên, phải nghe bài hát này từ lâu thì đã hiểu về triệt sản, kế hoạch hóa gia đình. Có người thích thú, muốn nghe hát nhiều hơn trong những buổi tuyên truyền lưu động. Sau 1 thời gian, tôi nhận thấy sự hiểu biết của bà con được nâng lên rất nhiều, nhất là trong lĩnh vực kế hoạch hóa, bạo lực gia đình” - BS Sơn thông tin.

Với nghệ nhân ưu tú Tư Lem, niềm vui lớn nhất trong đời chính là có được những người bạn tri kỷ có thể giúp ông khỏa lấp nỗi cô đơn, xua tan bóng tối đeo bám suốt 55 năm ròng. Danh hiệu nghệ nhân ưu tú là vinh dự và là động lực to lớn giúp người nghệ nhân già này vững bước với sự nghiệp đờn ca, tiếp thêm ngọn lửa đam mê với môn nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN