Chau Giàu được tình nguyện viên “Tiếp sức mùa thi” bế đến trường thi
Gặp lại em sau lễ tốt nghiệp tại ký túc xá Trường Đại học An Giang, hình ảnh làm tôi xúc động chính là em vẫn miệt mài bên chiếc máy vi tính. Em Giàu cho hay mình đang làm bài kiểm tra đầu vào cho một công ty tại TP. Long Xuyên, với mong muốn tìm kiếm cơ hội việc làm càng sớm càng tốt để đỡ đần cho gia đình. Bởi, 4 năm ăn học là quãng thời gian mẹ em vừa kề cận ở bên chăm sóc, vừa xin làm lao công cho ký túc xá trường. Khi được hỏi cảm xúc trong những ngày qua như thế nào khi nhận được danh hiệu thủ khoa ngành Công nghệ thông tin tại lễ tốt nghiệp, Giàu bộc bạch: “Đó là cả một hành trình gian nan không phải chỉ có sự nỗ lực của riêng em mà có thể làm được. Đó là sự tương trợ của gia đình, nhà trường và cộng đồng đã giúp đỡ em suốt thời gian qua. Em đã nợ cha mẹ cả tuổi thơ ẵm bồng, chăm sóc vì không thể chạy nhảy cùng bạn bè, những năm tháng ba em chở bằng xe đạp đến trường, sự giúp đỡ của bạn bè đưa đi học, đưa đến trường thi, giảng đường. Đó là những tình cảm của giáo viên, giảng viên các trường đã quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho việc học tập của em; là sự “nhường cơm sẻ áo” của những tấm lòng nhân ái, doanh nghiệp như: Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết An Giang, quỹ Tiếp sức tài năng, quỹ Giáo dục Fuji… đã dành tặng em những suất học bổng, chiếc máy vi tính, chiếc xe lăn để em có đủ điều kiện sinh hoạt, học tập và đạt được kết quả tốt nhất”.
Giàu được thầy hiệu trưởng Trường Đại học An Giang trao bằng tại lễ tốt nghiệp
Hoàn thành chương trình học với tổng điểm 3.54 trên thang điểm quy đổi 4, Chau Giàu đạt loại giỏi và đứng đầu danh sách thí sinh tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin. Giàu cho biết: “Em không ngờ mình đạt được kết quả như vậy. Bởi, em chỉ thầm cố gắng từng ngày, từng ngày. Mỗi ngày trôi qua là sự vất vả của mẹ, sự giúp đỡ của cả xã hội nên em luôn tâm niệm mình đến giảng đường phải học được điều gì và ứng dụng để làm tốt cho công việc chuyên môn của mình. Do vậy, năm thứ 3 trên giảng đường đại học em đã cùng các bạn trong lớp lãnh dự án web của công ty về làm tại nhà. Em xem đó vừa là cơ hội rèn luyện, cọ xát với thực tế, vừa để kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Nhớ lần đầu tiên nhận được thù lao 500.000 đồng, em không dám xài và đưa cho mẹ. Em vui lắm và thấu hiểu giá trị đồng tiền, càng hạnh phúc hơn khi em nhận thấy giá trị của bản thân, bớt cảm giác tự ti...”.
Có được tấm bằng đại học là điều khó và càng khó khăn hơn đối với người khuyết tật như Giàu, em thật thà chia sẻ: “Quả thật, lúc nhỏ em không nghĩ mình có thể đi học nhiều và đến được giảng đường đại học. Đến lúc ngẫm nghĩ bản thân không thể mãi là gánh nặng cho cha mẹ, tự nhủ rằng, mình còn khối óc phải tự nuôi sống bản thân và đóng góp cho xã hội nên từ đó luôn có suy nghĩ tích cực, lạc quan, không ngại khó khăn để hoàn thành từng chặng đường học tập. Còn nhớ, lúc em đi thi đại học nhiều người nhìn em ái ngại, thi đại học làm gì, ra trường liệu có xin được việc làm hay không. Nay em chứng minh được chỉ cần mình không từ bỏ thì cơ hội, may mắn sẽ mỉm cười và quan trọng hơn là minh chứng người khuyết tật vẫn sống hữu ích, tạo dựng được tương lai cho chính mình”.
Hoàn thành 4 năm đại học là một bước ngoặt quan trọng để thanh niên Chau Giàu có cơ hội tiếp tục cố gắng, nỗ lực đem tri thức của mình để phục vụ cộng đồng. “Em đã nợ biết bao chén cơm, manh áo, tấm lòng yêu thương của cha mẹ, thầy cô, bạn bè và cộng đồng. Em luôn tâm niệm sống tốt, làm nên những giá trị tốt đẹp để đền đáp lại những tấm lòng nhân ái ấy” - Chau Giàu tâm huyết.
Bài, ảnh: NGỌC GIANG