Nhắc đến những món ngon ở An Giang, không thể không nhắc đến món bún cá Châu Đốc thơm lừng hương sả và ngải bún cùng vị ngọt tươi của thịt cá lóc ăn kèm rau muống bào, bông so đũa, bắp chuối non, giá, rau nhút và bông điên điển, chấm nước mắm me kết hợp cùng ớt tươi, chắc chắn sẽ lưu lại trong người ăn hương vị tuyệt vời.
Kế tiếp phải nói đến món gỏi sầu đâu với sự kết hợp tinh tế, hài hòa vị đắng đặc trưng của lá sầu đâu cùng những nguyên liệu dân dã miền sông nước An Giang đã làm nên món gỏi sầu đâu độc đáo, hấp dẫn với đầy đủ sắc, hương, vị. Gắp một miếng gỏi sầu đâu chấm với nước mắm me đậm đặc, bỏ vào miệng nhai chầm chậm người ăn sẽ cảm nhận vị đắng của sầu đâu hòa cùng vị béo của thịt ba rọi, ngọt thơm của thịt tôm và cá lóc nướng, vị mặn cá khô, vị chua của xoài và nước cốt me, giòn mát của dưa leo, cay cay của ớt. Tất cả hương vị như cùng bùng nổ, lan tỏa trong miệng. Điểm đặc biệt của món gỏi sầu đâu là không chỉ cảm nhận vị đắng lúc mới thưởng thức mà sau đó sẽ có hậu ngọt thanh đọng lại trong miệng, khiến người ăn phải nhớ mãi.
Bên cạnh đó, du khách cũng đừng quên bỏ qua món cơm tấm Long Xuyên được nấu bằng hạt tấm nhuyễn ăn cùng thịt heo khìa, trứng vịt kho, bì (chế biến từ da heo) kết hợp cùng hành lá phi, tóp mỡ chiên giòn, dưa rau muống, củ cải trắng, cà rốt ngâm chua ngọt. Tất cả được trộn đều trước khi thưởng thức, vị ngọt của cơm, bùi của trứng, dai của thịt, giòn của bì, chua ngọt của dưa chua, mằn mặn của nước mắm, cay cay của ớt… cùng hòa quyện vào nhau, lan tỏa trong miệng, khiến người ăn cứ vương vấn.
Ngoài ra, An Giang còn nổi tiếng với các món ăn được chế biến từ trái và nước cây thốt nốt ở vùng Bảy Núi, như: Nước thốt nốt, đường thốt nốt, mứt, chè, bánh bò, rượu, thạch thốt nốt… Trong đó, bánh bò thốt nốt được nhiều người biết đến với màu vàng ươm đặc trưng, nở phồng xốp giống như một bông hoa nhờ gạo ngon được ủ khéo. Bánh mềm xốp, vị ngọt béo của đường, dừa, hòa lẫn mùi thơm thoang thoảng đặc trưng của bột được mài từ trái thốt nốt mang lại hương vị đặc trưng khó quên.
Giống như thốt nốt, bánh xèo rau rừng từ lâu trở thành món ăn quen thuộc của nhiều du khách và người đam mê ẩm thực khi đến An Giang. Bánh xèo rau rừng có nguyên liệu và cách chế biến giống như những nơi khác, chỉ đặc biệt hơn nhờ 20 loại rau rừng ăn kèm cùng bánh. Đó là các loại rau sạch mọc tự nhiên trên các đồi núi cao, như: Lá sung, cát lồi, lá lụa, tàu bay, đinh lăng, ngành ngạnh, đọt bứa, kim thất, bằng lăng...
Gói đủ loại rau xanh bao quanh bánh xèo chấm chén nước mắm chua ngọt đưa vào miệng cắn một miếng, vừa nghe thấy tiếng rộp rộp giòn tan của vỏ bánh xèo, vừa cảm nhận được vị ngọt của nhân bánh, vị thơm béo của nước cốt dừa, vị chan chát của các loại lá rau, vị chua, cay, mặn của nước chấm đầy đủ sắc, hương, vị cùng hòa quyện vào nhau…
An Giang là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sinh sống, nên trong từng món ăn nơi đây có sự giao thoa, kết hợp với nhau tạo sự độc đáo riêng. Điển hình như món đu đủ đâm với rất nhiều nguyên liệu: Đu đủ và rau muống bào sợi, đậu đũa, rau thơm, chanh, cà chua, trộn cùng với đậu phộng, con ruốc, ớt cay, củ hành tím… được trộn lẫn vào nhau, tạo nên món ăn hấp dẫn. Hay món ếch nướng vàng ươm, mập ú được nhồi thịt bằm với sả rồi tẩm ướp gia vị, sau đó sử dụng cặp gắp bằng cây tre nướng trên than đỏ lửa.
Chỉ qua 2 - 3 lần trở tay, thịt ếch bắt đầu săn lại, mỡ từ thịt ếch tươm ra, chảy vào than nổ lách tách, mùi thơm tỏa ra cuốn hút với hương vị lạ miệng, vừa ngon, vừa hấp dẫn. Nổi tiếng không kém là món gà đốt lá chúc vừa được Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam trao chứng nhận là một trong số các món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam giai đoạn I - 2022.
Được chế biến từ gà nuôi thả tự nhiên, đem ướp cùng rất nhiều gia vị sau đó xếp thêm một lớp sả và lá chúc (một loại lá đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer) dưới đáy nồi rồi đem đốt đến khi da gà chuyển sang màu vàng, bốc lên mùi thơm hấp dẫn. Da gà đốt vàng giòn bao phủ thịt gà trắng ngọt dai, thấm đều gia vị làm người ăn không ngớt lời khen.
Ngoài ra, còn có các món: Cơm nị, cà púa, tung lò mò, cà ri dê, bánh ngọt truyền thống… là những món ngon đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm An Giang. Trong đó, món lạp xưởng bò (hay còn gọi là tung lò mò) được rất nhiều người yêu thích.
Những phần thịt ngon nhất của con bò được xắt nhuyễn, ướp gia vị với công thức riêng, rồi nhét trở vào ruột bò đã được làm sạch. Tung lò mò nướng trên bếp than hồng, lớp da căng bóng loáng tươm mỡ, tỏa làn khói trắng với mùi thơm phảng phất. Vị ngọt bùi của thịt và mỡ bò tươi hòa cùng nhiều gia vị đặc trưng khiến món ăn càng thêm hấp dẫn.
An Giang còn nổi tiếng với đặc sản khô và mắm được làm từ những loài cá nước ngọt, như: Cá lóc, cá lóc bông, cá rô, cá trèn, cá tra, cá chạch, cá chốt, cá sặc rằn… Qua bàn tay chế biến điêu luyện của cư dân làng nghề làm khô và mắm truyền thống lịch sử hàng trăm năm, làm nên hương vị đậm đà, độc đáo rất riêng của miền sông nước nơi đây. Và thật thiếu sót nếu không một lần nếm thử món lẩu mắm được kết hợp tinh tế những nguyên liệu dân dã, như: Cá basa, cá hú, cá linh, cá lóc, cá bông lau, cá điêu hồng, cá rô, cá chạch, ốc, lươn...
Ăn kèm cùng nhiều loại rau, như: Rau nhút, rau đắng, bông điên điển, bông bí, bông súng, bông lục bình, cù nèo, rau muống, mồng tơi, cà tím, đậu rồng, bông so đũa, khổ qua, bắp chuối, cải xanh, rau dừa… Vị béo, ngọt của cá tươi kết hợp với vị thanh mát của rau, hòa quyện vị mằn mặn, thơm nồng của mắm cá, cay cay của sả, ớt… bung tỏa trong miệng khiến người ăn không thể nào quên.
Ngoài các món kể trên, An Giang còn có rất nhiều món ngon, như: Bún cua, bún kèn, bánh canh tép, bánh phồng, gà hấp lá chúc, bọ cạp, bọ rầy, cua núi, ốc núi, cháo bò trái chúc, gỏi sầu đâu, dưa xoài, xôi xiêm, khô rắn, bò Bảy Núi… chắc chắn sẽ không làm du khách và người yêu ẩm thực thất vọng. Hãy đến An Giang để trải nghiệm, khám phá, thưởng thức hết các món ngon đặc trưng cực kỳ hấp dẫn và cảm nhận sự ấm áp, nhân hậu, chân chất, nghĩa tình của người dân nơi đây.
TRỌNG TÍN