Hấp dẫn với bánh truyền thống

29/06/2022 - 07:24

 - Văn hóa ẩm thực là niềm tự hào của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Chăm ở An Giang. Bên cạnh việc thêu thùa, dệt thổ cẩm, việc chế biến ra những món ăn ngon, các loại bánh hấp dẫn cũng chính là thước đo về sự đảm đang, khéo léo, tỉ mỉ của người con gái Chăm khi đến tuổi trưởng thành.

Chị Faty giới thiệu nhiều loại bánh Chăm truyền thống

Bánh truyền thống của đồng bào DTTS Chăm rất đa dạng và phong phú, tùy theo hình dạng và cách chế biến của từng loại mà có tên gọi tương ứng đi kèm. Từ các loại bánh thông dụng, như: Bánh bò, bánh Nampurang, cho đến bánh gừng, bánh ngôi sao, bánh ổ chim, với cách làm công phu nên thường chỉ xuất hiện trong các lễ cưới, hỏi hoặc dịp lễ, Tết quan trọng của đồng bào DTTS Chăm, như: Tháng Ramadan, Tết Royal…

Ngay từ khi mới 14, 15 tuổi, bà Rophyah (ấp Phũm Xoài, xã Châu Phong, TX. Tân Châu) đã được mẹ và bà của mình dạy làm các loại bánh truyền thống của dân tộc. Cũng nhờ học được nghề, biết làm nhiều loại bánh, bà Rophyah mở một gian hàng nhỏ trước nhà, mỗi ngày đều làm bánh bán cho người dân và khách du lịch đến địa phương. Chính nhờ có nghề làm bánh đã giúp bà Rophyah có được thu nhập chăm lo cho gia đình. Bánh bò và bánh Namparang là loại bánh mà bà Rophyah hay làm để bán.

Bánh Namparang có cách pha bột tương tự như bánh bông lan, hương vị có phần giống nên thường được gọi là bánh bông lan. Tuy nhiên, trong cách pha bột của bánh Namparang có thêm đường thốt nốt và được nướng trong một cái chảo tròn, nhỏ, phía trên đậy bằng chiếc nắp đất nhỏ đã được làm nóng từ trước. Bởi vậy, chỉ cần khoảng 4-5 phút nướng, đã cho ra một loại bánh hình tròn, ở giữa có chóp nhỏ nở bung xốp, trước khi chín còn được rắc thêm một ít mè rang. Bánh Namparang có lớp ngoài giòn, phía trong bông xốp, ngọt thanh, béo và đặc biệt rất thơm. Với bánh bò, bà Rophyah thường làm cả 3 loại: Bánh đường, bánh trứng, bánh lạt kèm nước chấm. Mỗi loại sẽ có hương vị, tùy theo khẩu vị của từng người mà có lựa chọn cho riêng mình.

Theo bà Rophyah, cách làm các loại bánh này nói đơn giản cũng đúng mà kỳ công, phức tạp cũng không sai. Đơn giản vì các nguyên liệu để làm bánh chủ yếu: Bột gạo, bột mì, đường, trứng gà và hầu như trong tất cả các loại bánh đều sử dụng nước cốt dừa vì sẽ làm tăng độ béo, thơm mà không ngậy của bánh ngọt. “Chẳng hạn như với bánh bò, muốn làm được bánh ngon, nhất thiết phải chọn được loại gạo sóc, ngâm qua đêm, đem xay, bồng bột, pha nước cốt dừa… Mới nghe tưởng dễ, nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy tốn nhiều thời gian, vì hầu như các công đoạn đều phải làm thủ công. Bởi vậy, người thợ phải có kinh nghiệm, chọn đúng thời điểm bột “dậy”, tỷ lệ pha trộn nguyên liệu vừa phải thì khi nướng mới ra được hình dáng, hương vị của bánh bò” - bà Rophyah chia sẻ.

Bà Hasanah (ngụ cùng ấp Phũm Xoài) cũng là một người thợ làm bánh khéo tay, với gần 20 năm kinh nghiệm làm các loại bánh truyền thống của đồng bào DTTS Chăm. Theo bà Hasanah, thường ngày sẽ làm bánh Namparang để bán, còn với các loại bánh khác thì phải có người đặt mới làm vì rất kỳ công, tốn nhiều thời gian chuẩn bị. “Chỉ riêng loại bánh Namparang mà phải chuẩn bị từ ngày hôm trước để đến sáng hôm sau mới có bánh bán cho bà con, có khi là khách du lịch đến trải nghiệm nướng bánh. Thực sự, làm được một chiếc bánh ngon rất cực, nhưng mà vẫn vui vì giữ được nghề truyền thống của dân tộc” - bà Hasanah bày tỏ.

Vì là bánh truyền thống nên hầu như người phụ nữ Chăm nào cũng biết làm. Trước đây, một cô gái Chăm làm được nhiều loại bánh truyền thống, ngon và đẹp mắt sẽ nhận được nhiều lời khen từ đàn trai khi đến tuổi dựng vợ, gả chồng. Đây được xem như là một thước đo của sự khéo léo, giỏi giang của người phụ nữ. Mỗi loại bánh Chăm đều mang một thông điệp riêng, có những loại bánh xuất hiện trong đám cưới mang ý nghĩa chúc mừng hạnh phúc của đôi trẻ, cũng có những loại bánh xuất hiện trong ngày Tết với mong muốn con cháu, gia đình sum vầy…

Có một tủ bánh ở trước nhà, chị Faty (ấp Châu Giang, xã Châu Phong, TX. Tân Châu) bày bán rất nhiều loại bánh truyền thống của dân tộc mình, nhìn rất hấp dẫn. Từ bánh ngọt, bánh mặn đều do chính tay chị Faty và những người em làm. Theo chị Faty, bánh được đánh giá ngon là phải đạt cả về hương vị và hình dáng, màu sắc, do vậy người thợ phải cố gắng rất nhiều, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Vì phải làm nhiều loại bánh nên chị Faty phải làm từ sáng sớm đến cuối giờ chiều mới hoàn thành rồi đẩy xe bánh ra trước nhà để bán. Bánh ngon, lại đa dạng nên xe bánh của chị Faty lúc nào cũng đắt hàng. Vừa lấy bánh bán cho khách, chị Faty vừa vui vẻ giải thích: “Bình thường, số lượng bánh sẽ không nhiều như vào Tháng Ramadan, thời điểm đó sẽ có nhiều loại nhất và có một số loại bánh chỉ làm lúc đó mà thôi. Mọi người ăn vào ban đêm nên vừa đến nhà mua, vừa gọi điện đặt hàng, bán bánh rất được”.

Mới đây, bà Rophyah đã đại diện cho An Giang mang món bánh Namparang đến với Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ năm 2022 được tổ chức ở TP. Cần Thơ và đạt huy chương vàng.

ÁNH NGUYÊN