Luyện tập trên boong tàu
Tôi theo tàu 571 của Đoàn công tác số 13 đến thăm quân dân huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1/20 với tư cách là cựu chiến binh của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (thuộc Hội Cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam), Đội trưởng Đội văn nghệ xung kích.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm đoàn trưởng văn nghệ, tôi “chỉ đạo từ xa”, yêu cầu các tổ tự tập, trao đổi tiết mục, “ghép nhạc online”, khi gặp ở Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) sẽ hợp luyện. Tối 17/5, tàu 571 hú 3 hồi còi tạm biệt, vút đi trong màn đêm. Khi hơn 200 thành viên nghỉ ngơi sau một ngày tất bật thăm viếng, đội văn nghệ chúng tôi lên boong thượng luyện tập. Mặc cho gió đêm rát mặt, choáng váng vì say sóng, hơn 20 thành viên vẫn miệt mài luyện tập.
Thanh Nga (nữ hạt nhân văn nghệ đến từ nhà máy Đạm Phú Mỹ) chia sẻ: “Lần đầu đi Trường Sa hát cho bộ đội nghe, dù say sóng, mệt nhọc đến mấy, tôi vẫn cố gắng. Ngoài hát tập thể, tôi sẽ gửi tới chiến sĩ ca khúc “Gần lắm Trường Sa”, “Sao biển” và “Đời người rừng cây”. Hồng Thắm (Trường Đại học Dầu khí Vũng Tàu) cũng tự nguyện vào Đội văn nghệ xung kích để “đem tình cảm hơi ấm đất liền gửi tặng chiến sĩ Trường Sa, DK1 qua lời hát, bài ca”.
Theo yêu cầu của Cục Chính trị Hải quân, đội văn nghệ phải có 2 tiết mục tập thể múa minh họa, biểu diễn tại boong tàu nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (đêm 19/5) và tại sân khấu thị trấn Trường Sa (đêm 21/5). Làm cách nào để múa đây, khi thành viên chủ yếu lớn tuổi? Vốn được học bài bản dàn dựng và biên đạo múa, tôi gọi Phi Yến (diễn viên của Đoàn ca múa nhạc tỉnh Ninh Thuận), động viên: “Em chịu khó múa 1 bài đơn độc lập. Múa đôi, anh sẽ tập cho em”. Ngay sau đó, ghế phòng ăn được xếp gọn lại, bài múa “Sao biển” ra đời trong tiếng sóng ầm ầm vỗ. Tàu 571 vẫn thẳng hướng Trường Sa.
Bài ca vang xa
Điểm đầu tiên tàu 571 dừng chân là đảo Len Đao, sừng sững kiên trung giữa bạt ngàn sóng nước. Không ánh đèn sân khấu, âm thanh là “loa kẹo kéo” của đảo. Tôi cầm micro ra giữa triền đảo, gọi: “Cán bộ, chiến sĩ đảo Len Đao ơi. Hãy hát lên nào, hát những bài ca về tình yêu biển đảo, về quê hương, quân đội và Tổ quốc Việt Nam”. “Đời mình là một khúc quân hành, đời mình là bài ca chiến sĩ, ta ca vang, triền miên qua tháng ngày, lượn bay trên núi rừng biên cương tới nơi đảo xa”. Lời hát cất lên, cũng là lúc hàng trăm cánh tay đưa cao theo nhịp. Không phân biệt sĩ quan, chiến sĩ hay thành viên đoàn công tác, chúng tôi bám vai nhau đi thành vòng tròn trong tiếng nhạc rộn rã từ trái tim, truyền đi thông điệp “Trường Sa xa, nhưng lại không xa”, “Đất liền luôn bên cạnh các chiến sĩ Len Đao - điểm đảo nhạy cảm và kiên cường trong bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc”.
Giấu xúc động trong ánh mắt đỏ hoe, đảo trưởng Len Đao - đại úy Bùi Quỳnh Lâm bảo: “Mỗi lần có đoàn ra thăm đảo, chúng tôi rất ấm lòng. Cùng hát, múa với các anh chị, nỗi nhớ nhà vơi đi. Đây là buổi văn nghệ ấn tượng nhất từ ngày tôi ra đảo công tác”.
Đại úy Lâm chia sẻ thêm, xa đất liền, cán bộ, chiến sĩ thương yêu nhau như người thân trong gia đình. Ngày huấn luyện, đêm canh gác tuần tra. Người thân, ruộng vườn luôn trong tâm trí. Mùa này ở đảo Len Đao nóng trên 40oC. Mặc cho khí hậu khắc nghiệt, cán bộ, chiến sĩ vẫn đoàn kết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trường Sa Đông là đảo nổi trong 5 đảo chúng tôi đến thăm đợt này. Khi triển khai sân khấu biểu diễn, bỗng dưng cơn mưa “lạc loài” ở đâu dội tới. Nhạc công khẩn cấp di chuyển âm thanh “trốn mưa”. Mưa vừa ngớt, ca khúc “Mưa đảo xa” vút cao theo giọng hát chiến sĩ Hoàng Văn Thái. Ca từ “Mưa đi mưa đi đảo nhỏ cần mưa, mưa đi mưa đi chúng tôi cần mưa” làm đoàn công tác rất xúc động. Một lần nữa, chúng tôi bám vai thành vòng tròn, kết nối vòng tay đoàn kết. Những ca khúc “Vì nhân dân quên mình”, “Đời người rừng cây”, “Nối vòng tay lớn”, “Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây” như dòng chảy tiếp nối.
Điểm biểu diễn cuối trong chuyến hải trình là Nhà giàn DK1/20 (Ba Kè). Lần này, chúng tôi vẫn nắm chặt tay nhau, hát: “Sóng gió mặc sóng gió, lính nhà giàn bọn tôi ở đó. Chông chênh, và chênh chông lính nhà giàn chẳng sợ bão giông. Giữa biển khơi vẫn yêu đời, giữa biển trời vẫn sống yêu đời, lính nhà giàn là thế đó…”, lời hát như ngấm vào da thịt. Đại úy Hoàng Văn Tài (nhân viên radar, hơn 25 năm gắn bó với nhà giàn DK1) xúc động: “Hơn 1 năm tôi chưa về đất liền. Đêm qua, chúng tôi thấp thỏm chờ tàu đến. “Mùa xuân DK” là bài hát nói lên nỗi lòng, nhiệm vụ của lính nhà giàn chúng tôi”.
Cuộc vui nào cũng đến lúc chia tay. Bộ đội nhà giàn DK1/20 tiễn đoàn công tác xuống sàn cập tàu. Trước khi về tàu, tôi ôm vai Tài, hát: “Không xa đâu nhà giàn ơi, đến hẹn chúng tôi lại ra, để hát cùng các anh mùa xuân DK1, cho biển đảo Trường Sa, DK1 mãi mãi là của chúng ta”. Tàu 571 hú 3 hồi còi chào. Chúng tôi nghe rõ tiếng hô lớn của chiến sĩ: “Tạm biệt, tạm biệt nhé!”. Rồi họ đồng thanh hát: “Nhà giàn trông mây canh một hướng Tây Nam, khi nước triều lên nằm ngang mặt sóng, ngồi chờ trăng lên chung lá thư tình, biển sóng hát ca mơ về quê nhà”.
MAI THẮNG