Dấu hiệu tích cực trở lại
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, 4 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp nhất trong những năm gần đây, thậm chí nửa đầu tháng 4, tín dụng còn tăng trưởng âm.
Đến nửa cuối tháng 4, tín dụng có dấu hiệu tích cực trở lại khi tăng nhanh từ con số 0,78% vào giữa tháng lên 1,32% vào cuối tháng.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng, sự bùng phát của Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đình trệ hoạt động là nguyên nhân chính gây ra sự sụt giảm về nhu cầu tín dụng.
Do đó, để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và cá nhân chịu ảnh hưởng từ đại dịch, các ngân hàng đã tung ra nhiều gói hỗ trợ.Tính đến cuối tháng 4, các gói tín dụng được các ngân hàng công bố là hơn 650.000 tỷ đồng.
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, đến nay đã triển khai đến 170.000 khách hàng với tổng dư nợ xấp xỉ 130.000 tỷ đồng, đã miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho trên 14.000 khách hàng với dư nợ xấp xỉ 29.000 tỷ đồng. Hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho khoảng 318.000 khách hàng với dư nợ trên 980.000 tỷ đồng (mức hạ lãi suất phổ biến từ 0,5 - 2%, thậm chí có một số tổ chức tín dụng đã hạ lãi suất từ 2,5 - 4%).
Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng đã cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch từ 1 - 2% cho khoảng 150.000 khách hàng với doanh số cho vay mới lũy kế kể từ 23-1 tới nay là trên 500.000 tỷ đồng.
Vì thế, tính đến ngày 28-4-2020, tín dụng tăng 1,32% so với cuối năm 2019, cao hơn nhiều với con số 0,78% được NHNN công bố ngày 16-4.
“Nút thắt” tín dụng
Dù mức tăng trưởng tín dụng trong 4 tháng đầu năm chậm, nhưng theo nhiều chuyên gia, tín dụng sẽ có nhiều dư địa tăng trở lại trong quý III và quý IV tới.
Các chuyên gia Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ như cắt giảm lãi suất, cho phép hoãn thời hạn nộp thuế, yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch đã giúp tăng trưởng tín dụng có chút khởi sắc.
Ngành ngân hàng vẫn đặt mục tiêu khá khả quan cho tăng trưởng tín dụng
Ngoài ra, theo quy luật thông thường, tín dụng thường tăng chậm trong các tháng đầu năm, rồi bật mạnh vào những tháng cuối năm khi nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp tăng mạnh.
Do đó, với kịch bản dịch Covid-19 được kiểm soát trong quý II, các chuyên gia VNDirect cho rằng, tín dụng sẽ tăng trở lại trong quý III, IV, dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 sẽ đạt 11%.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực cũng dự báo, tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức thấp hơn cùng kỳ các năm trước, cả năm khoảng 9-11%.
Còn theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, dự kiến tín dụng trong năm 2020 sẽ tăng thêm cho nền kinh tế khoảng 900 nghìn tỷ đồng đến 1,1 triệu tỉ đồng, tức là mức tăng dự báo khoảng 11-14%.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng khó khăn của ngành ngân hàng vẫn còn ở trước mắt khi doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên thế giới, vẫn làm chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.
Ngoài ra, 2020 cũng là năm các ngân hàng phải thắt chặt tài chính để đáp ứng các tỷ lệ an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, nên tăng trưởng tín dụng phải phụ thuộc vào chất lượng tài sản cũng như mức độ đáp ứng yêu cầu về an toàn hoạt động. Những ngân hàng nào chưa đáp ứng được chuẩn Basel II sẽ phải tiếp tục duy trì tỷ lệ an toàn vốn, phải tìm cách đáp ứng vốn tự có.
Kết quả kinh doanh của một số ngân hàng trong quý I cho thấy mức tăng trưởng tín dụng âm. Đơn cử như VietinBank cho vay khách hàng giảm 1,25% so với đầu năm; MBBank giảm 0,94%; tại Saigonbank giảm tới 2,3%...
Mức tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy tín dụng đang gặp khó, một phần do khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp kém, một phần vì các ngân hàng cũng phải thận trọng, hạn chế rủi ro tín dụng trong tương lai.
Trên thực tế, dù nhu cầu vốn của các doanh nghiệp đang rất lớn nhưng các ngân hàng cũng rất thận trọng trong giải ngân. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã khẳng định ngành ngân hàng sẽ hỗ trợ tín dụng nền kinh tế nhưng không nới lỏng các điều kiện vay.
"Hệ thống ngân hàng thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng là đảm bảo cung ứng đầy đủ tín dụng cho nền kinh tế. Nhưng nguồn vốn tín dụng này, các chương trình hỗ trợ này đều đến từ tiền gửi của người dân và chính doanh nghiệp, nên trách nhiệm đầu tiên của các tổ chức tín dụng là phải đảm bảo an toàn hệ thống, đảm bảo an toàn nguồn vốn để đảm bảo an toàn nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô" - người đứng đầu NHNN nói.
Theo LINH NHẬT (An ninh thủ đô)