Hiệu quả chính sách tín dụng ở Thoại Sơn

25/08/2022 - 07:11

 - Sau 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP, ngày 4/10/2002 của Chính phủ, huyện Thoại Sơn đã có hàng chục ngàn lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn tạo việc làm, mở rộng sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế.

Tập thể, cá nhân được khen thưởng vì thành tích trong 20 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP

Theo Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Thoại Sơn, đơn vị thực hiện mô hình quản lý vốn thông qua ủy thác từng phần cho các tổ chức chính trị - xã hội. Từ đó, huy động nhiều nguồn lực cùng thực hiện tín dụng chính sách, đảm bảo an sinh xã hội, tạo sự công khai dân chủ trong việc bình xét đối tượng vay vốn. Hiện nay, dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội 354,9 tỷ đồng, chiếm 99,7% tổng dư nợ tín dụng chính sách, với 269 tổ tiết kiệm và vay vốn thành lập tại 76 ấp ở 17 xã, thị trấn.

Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác là cầu nối giữa nhà nước và nhân dân, thông qua việc tổ chức thành lập và chỉ đạo hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở. Từ đó, người nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện thuận lợi tiếp cận với chính sách tín dụng ưu đãi. Ngoài ra, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thoại Sơn phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng hướng dẫn hộ vay cách làm ăn, áp dụng chương trình khuyến nông, khuyến ngư vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, phát huy tối đa hiệu quả đồng vốn tín dụng chính sách.

Nhiều phương thức ủy thác cho vay đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên tiếp xúc với hội viên, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng, giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ đó, tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia vào hội, tăng số lượng hội viên, nâng cao chất lượng phong trào hoạt động, góp phần củng cố hệ thống chính trị tại cơ sở. Với vai trò là cầu nối từ chính quyền đến nhân dân, trưởng ấp đã và đang tham gia vào hoạt động tín dụng chính sách, như: Bình xét cho vay, giám sát hoạt động của các tổ chức hội nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn, tham gia tổ đôn đốc thu hồi nợ khó đòi, rà soát nhu cầu vay vốn... Từ đó, nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng. Hầu hết hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.

Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách, công cuộc giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội được bảo đảm. Trong 20 năm qua, có 22.453 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Thoại Sơn được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, phục vụ an sinh xã hội; 6.771 công trình vệ sinh tự hoại, nước sạch được xây dựng; 2.069 căn nhà được xây dựng, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 915 lao động; 1.669 học sinh, sinh viên được vay vốn để trang trải chi phí học tập; 143 lao động được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài, 1 doanh nghiệp được vay để trả lương phục hồi sản xuất… Tổng doanh số cho vay hơn 841 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 466 tỷ đồng, tổng dư nợ gần 356 tỷ đồng, tăng 337 tỷ đồng so năm 2003.

Kết quả trên là sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Quá trình đó, Huyện ủy, UBND huyện luôn xác định nhiệm vụ lãnh, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch, hoạt động thường xuyên của địa phương. Đảng ủy, UBND xã, thị trấn ngày càng quan tâm, chỉ đạo sâu sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Từ đó, nắm bắt tình hình và luôn có chỉ đạo kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn.

 “Tôi nhận được nguồn vốn vay 50 triệu đồng của NHCSXH. Cũng nhờ có nguồn vốn này mà gia đình tôi mạnh dạn đầu tư trồng trọt với mô hình đa canh, góp phần tăng thu nhập. Nguồn vốn này cũng giúp nhiều nông dân ở xã mạnh dạn hơn trong suy nghĩ, cách làm để nâng cao đời sống, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương” - anh Nguyễn Văn Thật (nông dân xã Bình Thành) chia sẻ. 

Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh An Giang Tô Văn Hoảnh biểu dương, đánh giá cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách đối với công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện Thoại Sơn trong 20 năm qua. Theo ông Hoảnh, thời gian tới, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thoại Sơn cần chủ động hơn nữa trong việc tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần, thái độ của đội ngũ cán bộ, viên chức tại đơn vị với phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”. Đồng thời, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để người dân tích cực tham gia hoạt động tín dụng chính sách, cũng như tham gia quản lý, giám sát nguồn vốn tín dụng chính sách…

PHƯƠNG LAN