Những năm qua, huyện Chợ Mới đã nỗ lực triển khai thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững, với nhiều giải pháp cụ thể và thiết thực. Đặc biệt, dự án đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân, giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện. Chỉ riêng trong năm 2024 này, huyện tổ chức thực hiện 13 dự án giảm nghèo, với mô hình nuôi bò thịt, chằm nón lá, đan đát; hỗ trợ nguồn vốn cho 186 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tham gia. Mức hỗ trợ bình quân đối với hộ nghèo, cận nghèo là 25 triệu đồng/hộ; hộ mới thoát nghèo trong vòng 36 tháng là 20 triệu đồng/hộ. Huyện còn chú trọng khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống của địa phương như đan đát, chằm nón lá, nhằm tạo việc làm cho lao động nông thôn, nhất là phụ nữ và người cao tuổi. Theo đó, tổng số tiền giải ngân trên 4,88 tỷ đồng, đã góp phần thúc đẩy áp dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp, kết hợp các phương pháp canh tác hữu cơ và bảo vệ môi trường, tăng năng suất và tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Thông qua các dự án đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân
Nhờ sự phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành, cùng sự nỗ lực của người dân, huyện Chợ Mới đã đạt những kết quả đáng khích lệ trong công tác giảm nghèo. Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Chợ Mới Lê Thị Huyền Trân cho biết, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm mạnh, đạt chỉ tiêu đề ra. Trong đó, hộ nghèo 1.239/86.018 hộ, chiếm tỷ lệ 1,44%; hộ cận nghèo 1.944 hộ/86.018 hộ, chiếm tỷ lệ 2,26%. Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo bền vững, vươn lên ổn định cuộc sống. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao rõ rệt. “Sự tham gia chủ động của người dân là yếu tố quyết định thành công của các dự án giảm nghèo. Chính sự đồng lòng, nỗ lực của từng hộ gia đình đã tạo nên những thay đổi tích cực. Sự linh hoạt trong việc triển khai các mô hình sinh kế, kết hợp với hỗ trợ kịp thời về con giống, nguyên vật liệu sản xuất và kỹ thuật đã giúp người dân tự tin hơn trong việc phát triển kinh tế. Để có được kết quả trên, địa phương đã tiến hành khảo sát kỹ để hiểu rõ nhu cầu thực tế và tiềm năng của từng hộ gia đình. “Dựa trên kết quả khảo sát, chúng tôi đề xuất các mô hình sinh kế phù hợp đặc thù của địa phương và khả năng của người dân” - bà Lê Thị Huyền Trân thông tin.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc thay đổi tư duy sản xuất, huyện Chợ Mới đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về các cơ hội phát triển kinh tế từ việc đa dạng hóa sinh kế. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật để người dân có thể áp dụng hiệu quả các mô hình sinh kế mới. Huyện cũng chủ động phối hợp các cơ quan liên quan tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cần thiết. Điều này giúp người dân an tâm đầu tư vào các mô hình sinh kế, để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Thời gian tới, huyện Chợ Mới tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những mô hình mới phù hợp tình hình thực tế, nhằm giúp người dân giảm nghèo bền vững. “Chúng tôi tin tưởng, với sự chỉ đạo đúng đắn của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể, cùng những nỗ lực không ngừng của người dân, huyện Chợ Mới sẽ đạt nhiều thành tựu hơn trong công tác giảm nghèo, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển, giàu đẹp…” - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Chợ Mới Lê Thị Huyền Trân kỳ vọng.
ĐỨC TOÀN