Hiệu quả đầu tư thiết bị, công nghệ mới vào sản xuất

13/10/2021 - 05:25

Trong thời buổi cạnh tranh và chuyển đổi công nghệ như hiện nay, việc đầu tư thiết bị, máy móc, công nghệ mới vào sản xuất là một trong những nhân tố quan trọng. Chính từ việc đầu tư này, không chỉ giúp nâng cao năng suất mà còn cải thiện được tính cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng với các tiêu chí tiết kiệm chi phí sản xuất, giải bài toán khó về thiếu lao động tham gia…

Đầu tư máy làm thức ăn giúp anh Khánh tự chủ được nguồn thức ăn cho mô hình chăn nuôi

Giải bài toán thiếu lao động nông thôn

Anh Trần Công Tạo là nông dân có nhiều kinh nghiệm với nghề trồng nấm rơm, nấm bào ngư ở xã Vĩnh Lợi (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang). Thời gian qua, việc sản xuất nấm rơm của gia đình anh Tạo trở nên nhẹ nhàng hơn vì có nhiều thay đổi trong cách lựa chọn mô hình để phát triển và đầu tư máy móc vào các công đoạn xử lý rơm để làm nấm. Thay vì làm thủ công như trước đây, anh Tạo đầu tư thêm máy băm rơm, máy phối trộn rơm cùng các nguyên liệu trước khi tiến hành trồng nấm. Theo anh Tạo, việc băm rơm không chỉ giúp thời gian ủ rơm nhanh, còn có thể tận dụng hết dưỡng chất trong rơm để nấm nhanh phát triển, năng suất cao hơn.

Bên cạnh đó, phụ phẩm từ rơm sau khi thu hoạch cũng dễ xử lý, vận chuyển, được các hộ trồng hoa màu trong và ngoài địa phương ưa chuộng hơn. “Thay vì cách làm truyền thống, thủ công như trước đây, đầu tư thêm máy móc, thiết bị nên hiệu quả cao hơn. Không chỉ tiết kiệm nhân công mà còn giúp cho năng suất cải thiện rõ rệt. Cái khó của việc sản xuất ở nông thôn là nhân công, nhất là trồng nấm rơm vì đa phần lao động đi làm ăn xa. Do vậy, khi đưa máy móc, thiết bị vào một vài công đoạn thôi cũng giúp người nông dân tiết kiệm được chi phí nhân công, mà hiệu quả mang lại khả quan hơn rất nhiều” - anh Tạo chia sẻ.

Khởi nghiệp với mô hình nuôi gà đông tảo, mới đây, anh Lê Quang Khánh (phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc) đã đầu tư máy làm thức ăn cho gia cầm, nhằm hướng đến xây dựng chuỗi chăn nuôi khép kín. Giá thức ăn tăng cao, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 ảnh hưởng càng khiến cho người chăn nuôi lao đao, khó khăn chồng chất. Trước tình hình đó, sau khi tìm hiểu nhiều thông tin, tài liệu, mô hình chăn nuôi từ các hội, nhóm trên mạng, anh Khánh quyết định đặt mua 1 máy làm thức ăn cho đàn gà đông tảo của mình. Theo anh Khánh, chỉ cần cho các nguyên liệu: cám, bắp, lúa… theo tỷ lệ hợp lý thì máy sẽ nhanh chóng xay nhuyễn rồi nén thành viên thức ăn. Kích cỡ thức ăn thì có thể điều chỉnh tùy theo độ tuổi của gà lớn hay nhỏ.

 “Khi có lượng thức ăn tự chế biến này, giúp người nuôi tiết kiệm được 20.000-30.000 đồng/ngày so với sử dụng nguồn thức ăn công nghiệp. Máy rất dễ sử dụng, tiền đầu tư cũng không nhiều. Khi mua và chuyển về đến tận nhà chưa đến 10 triệu đồng, nguồn nguyên liệu rất dễ tìm ở địa phương. Mấy tháng dịch vừa rồi, nhờ chiếc máy này mà tôi không bị ảnh hưởng nhiều trước những biến động của giá thức ăn” - anh Khánh giải thích.

Khi tự chủ được nguồn thức ăn, không bị ảnh hưởng bởi thời giá là động lực rất lớn giúp anh Khánh mở rộng mô hình, nuôi thêm gà vườn, vịt siêu thịt… tận dụng tối đa nguồn vốn đầu tư mua máy cũng như mau chóng lấy lại vốn đầu tư ban đầu.

Không ngừng sáng tạo

Bắt đầu khởi nghiệp từ 4 năm trước, anh Đặng Hoài Linh (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và phát triển thương hiệu các sản phẩm từ hoa của cây atiso đỏ (trà, atiso đỏ sấy dẻo, nước cốt atiso đỏ...), hoa đậu biếc và hiện nay là xây dựng vùng nguyên liệu từ cây chúc. Theo anh Linh, khi xây dựng vùng nguyên liệu, kết hợp với nông dân sẽ đảm bảo được nguồn cung để sản xuất, ngoài ra còn dễ dàng quản lý nguồn gốc sản phẩm.

Từ những định hướng đúng đắn, các sản phẩm đến từ công ty của anh Linh đều được đảm bảo chất lượng, đầu tư mẫu mã đẹp mắt, tham gia sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) của địa phương. Để phát triển các sản phẩm sấy khô, sấy dẻo, anh Linh đã chủ động tìm hiểu và đầu tư hệ thống sấy dẻo sử dụng năng lượng mặt trời với công suất lớn, đảm bảo nguồn cung theo nhu cầu của thị trường.

Theo anh Linh, khi các sản phẩm hoa, quả và trái cây được sử dụng phương pháp sấy lạnh ở nhiệt độ thấp (10-500C) sẽ giữ được màu sắc tốt hơn, bảo toàn chất dinh dưỡng vì có nhiều loại vitamin, protein rất nhạy cảm với nhiệt độ. Do vậy, các loại hoa, trái cây sấy khô ở nhiệt độ càng thấp càng tốt.

Một yếu tố quan trọng trong phương pháp sấy lạnh hoa, trái cây là sản phẩm luôn luôn thoát hơi nước dù ở nhiệt độ thấp, bởi không khí sấy trước khi đưa vào buồng sấy đã được làm khô hoàn toàn thông qua hệ thống tách ẩm. Đó chính là yếu tố quan trọng trong phương pháp sấy lạnh, mọi chất dinh dưỡng đều được bảo toàn, lượng đường trong sản phẩm hoàn toàn tự nhiên. Sau khi tìm hiểu tường tận, anh Linh đã không ngần ngại đầu tư ngay. “Với hệ thống sấy lạnh bằng năng lượng mặt trời, tuy vốn đầu tư ban đầu lớn, nhưng về lâu về dài sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều. Bên cạnh đó, sử dụng được nguồn năng lượng sạch để sản xuất sản phẩm cũng là một hướng đi của công ty” - anh Linh giải thích.

ÁNH NGUYÊN