Hiệu quả hòa giải cơ sở

06/10/2022 - 07:05

 - Thời gian qua, công tác hòa giải trên địa bàn xã Phú Thuận (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) luôn được quan tâm. Nhờ đó, những mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân kịp thời được giải quyết, góp phần giảm các vụ việc khiếu nại vượt cấp, kéo dài và ổn định tình hình an ninh trật tự địa phương.

Thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, công tác hòa giải trên địa bàn xã Phú Thuận ngày càng đi vào nền nếp. Mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân phần lớn có nội dung liên quan đến tranh chấp đất đai, hôn nhân và gia đình. Tùy theo tính chất, mức độ của vụ việc, tùy vào nội dung và thẩm quyền giải quyết, các tổ hòa giải đã kịp thời gặp gỡ các bên, hướng dẫn, động viên các bên thực hiện theo quy định của pháp luật. Đối với các vụ việc hòa giải không thành, đều được hòa giải viên hướng dẫn chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết để tránh tình trạng khiếu nại vượt cấp, khiếu kiện kéo dài trong nhân dân.

Địa bàn xã Phú Thuận có 4 tổ hòa giải với 7 thành viên/tổ. Trong đó, tổ trưởng tổ hòa giải do các trưởng ấp kiêm nhiệm. Tham gia công tác hòa giải ở cơ sở từ năm 2002, ông Nguyễn Trấn Giác (Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Phú Tây, xã Phú Thuận) chia sẻ: “Công tác hòa giải cơ sở có nhiều khó khăn nhưng cũng có nhiều niềm vui. Hòa giải không chỉ để giải quyết mâu thuẫn nhất thời mà còn hàn gắn tình làng nghĩa xóm, tình cảm gia đình. Làm việc này phải từ cái tâm, trách nhiệm mới bền lâu được. Chính vì suy nghĩ đó, mỗi khi tại địa phương có tranh chấp, mẫu thuẫn gì thì các thành viên trong tổ hòa giải đều ngồi lại, bàn cách làm, hướng giải quyết, thuyết phục để giải quyết mâu thuẫn một cách êm đẹp, vừa hợp lý, vừa giữ được tình làng, nghĩa xóm”.

Nhờ làm tốt công tác hòa giải cơ sở, người dân Phú Thuận luôn đồng thuận cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao

“Khi có tranh chấp đất đai xảy ra trên địa bàn xã, địa phương sẽ thẩm tra, xác minh, tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất. UBND xã thành lập Hội đồng hòa giải, do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã là Chủ tịch Hội đồng; thành viên là đại diện UBMTTQVN xã, trưởng ấp, cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp xã và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn xã.

Cuộc họp hòa giải được tổ chức có sự tham gia của các bên tranh chấp, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ 2 được coi là hòa giải không thành và chuyển lên cơ quan cấp trên có thẩm quyền giải quyết” - anh Trần Văn Đáo (công chức tư pháp xã Phú Thuận, thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai xã Phú thuận) thông tin.

Hàng năm, UBND huyện Thoại Sơn phối hợp với Sở Tư pháp thường xuyên tổ chức tập huấn về kỹ năng, bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải cơ sở cho các hòa giải viên, cung cấp các văn bản pháp luật, tài liệu liên quan đến công tác hòa giải cơ sở. Nhờ đó, hoạt động hòa giải cơ sở trên địa bàn huyện nói chung và xã Phú Thuận nói riêng đạt kết quả tốt.

Từ đầu năm đến nay, xã Phú Thuận đã hòa giải thành công tất cả 9 vụ việc (Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai xã tiếp nhận 5 vụ việc; các tổ hòa giải tiếp nhận 4 vụ việc), không có vụ việc tồn. Thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, đã giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, hạn chế chuyển vụ việc lên cấp trên hoặc phải nộp đơn đến tòa án giải quyết.

Anh Trần Văn Đáo cho biết, các thành viên của Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai xã Phú Thuận phải đảm bảo tính trung lập, độc lập, khách quan, công tư phân minh. Khi có tranh chấp đất đai phát sinh, các bên tranh chấp thường đưa ra lý lẽ cho rằng mình đúng để bảo vệ quyền, lợi ích của bản thân, mà không thấy được cái sai của mình.

Do đó, khi tiến hành hòa giải, các thành viên của Hội đồng hòa giải phải thật sự công minh, khách quan, đề cao công bằng, lẽ phải, tìm cách thuyết phục để mỗi bên hiểu rõ vấn đề, hài hòa lợi ích của cả 2 bên. Hiện nay, những tranh chấp đất đai phát sinh rất đa dạng và phức tạp, đòi hỏi những người làm công tác hòa giải phải nắm vững các nguyên tắc trên, đồng thời không ngừng cập nhật, nâng cao kiến thức pháp luật, xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ hòa giải.

Để công tác hòa giải cơ sở ngày càng đạt hiệu quả tốt, xã Phú Thuận xác định phải luôn nâng cao chất lượng tổ hòa giải, các hòa giải viên thông qua việc thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải cho các hòa giải viên.

PHƯƠNG LAN