Đến nay, toàn tỉnh có 24 QTDND và 1 chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã ở 11 huyện, thị xã, thành phố, có 114.021 thành viên, với tổng nguồn vốn đạt hơn 3.499 tỷ đồng, tăng 176,18 lần so năm 1994, trong đó vốn điều lệ đạt hơn 164 tỷ đồng, chiếm 4,69% tổng nguồn vốn, so năm 1994 tăng 65,4 lần. Nguồn vốn huy động đạt hơn 2.876 tỷ đồng, chiếm 82,2% tổng nguồn vốn, so năm 1994 tăng 194,92 lần.
Theo đó, 30 năm qua, hệ thống QTDND An Giang đã cho khoảng 1 triệu lượt thành viên vay vốn, với doanh số cho vay khoảng 77 ngàn tỷ đồng. Dư nợ cho vay đến nay gần 2.697 tỷ đồng, so năm 1994 tăng 150 lần. Chất lượng tín dụng những năm qua, mặc dù có thời điểm ở một số QTDND có tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu trên 3% tổng dư nợ, nhưng tổng hợp toàn hệ thống tỷ lệ nợ quá hạn luôn ở mức thấp, dưới 2%.
Giao dịch với khách hàng thành viên tại Quỹ Tín dụng Nhân dân
“Trong 30 năm qua, kết quả kinh doanh hàng năm của QTDND trên địa bàn tỉnh đều có lãi, với tổng số tiền lãi hơn 751 tỷ đồng. Bên cạnh đóng góp vào ngân sách Nhà nước, QTDND có tích lũy và chia cổ tức cho thành viên góp vốn. So vốn điều lệ năm 1994, lợi nhuận trong 30 năm qua gấp 303,95 lần”- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng thông tin.
Đặc biệt, trong quá trình hoạt động, 24 QTDND trên địa bàn tỉnh đã tích lũy vốn và các quỹ (vốn đầu tư xây dựng cơ bản, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ đầu tư phát triển nghiệp vụ, quỹ dự phòng tài chính, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, lợi nhuận). Số dư nguồn vốn và các quỹ này đến nay gần 201 tỷ đồng; so vốn điều lệ năm 1994, nguồn tích lũy của các QTDND gấp 81,3 lần.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị QTDND Mỹ Phước Nguyễn Hiền Sĩ cho biết: Hiện, tổng nguồn vốn QTD 277 tỷ đồng, huy động 219 tỷ đồng, dư nợ hiện nay 178 tỷ, kết quả hoạt động kinh doanh, đến nay thu nhập lớn hơn chi phí 4,5 tỷ đồng. Ngoài việc góp phần hạn chế việc cho vay nặng lãi, xóa đói giảm nghèo và tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đơn vị còn trích một phần lợi nhuận để tham gia công tác an sinh xã hội, như: Xây nhà Tình nghĩa, đóng góp kinh phí xây cầu, làm đường nông thôn, giúp đỡ người nghèo, ủng hộ phong trào khuyến học…
Họp mặt kỷ niệm 30 năm thành lập hệ thống Quỹ Tín dụng Nhân dân tỉnh An Giang
Đối với QTDND Tri Tôn, sau 30 năm hình thành và phát triển, đã huy động nguồn vốn điều lệ trên 5,84 tỷ đồng, với 36 thành viên góp vốn; tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 209,69 tỷ đồng, với 8.582 thành viên. Riêng năm 2023, tổng doanh số cho vay đạt gần 297,18 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 3,9 tỷ đồng; giải quyết được nguồn vốn vay sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, mua sắm phương tiện, phát triển sản xuất - kinh doanh cho người dân, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở địa bàn nông thôn miền núi…
Để hoạt động hệ thống QTDND hoạt động hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng đề nghị các QTDND trên địa bàn tỉnh tiếp tục cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu; tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND; thực hiện các giải pháp chấm dứt dư nợ ở địa bàn không liền kề. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ tình hình tài chính của khách hàng, cân nhắc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ khách hàng khó khăn; tiết kiệm chi phí, hỗ trợ thành viên vay vốn trong bối cảnh khó khăn…
“Từ thực tế hoạt động hiệu quả của các QTDND cho thấy, đây là mô hình kinh tế tập thể hiệu quả, được đông đảo Nhân dân ủng hộ, góp phần giảm nghèo, đặc biệt là giúp hạn chế đáng kể tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn…”- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng chia sẻ.
HẠNH CHÂU