Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nguyễn Minh Hưng cho biết, doanh số cho vay 5 năm qua đạt 3.456 tỷ đồng, với 186.450 lượt khách hàng được vay vốn. Nguồn vốn tập trung chủ yếu vào chương trình cho vay hộ cận nghèo 883 tỷ đồng, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 594 tỷ đồng, hộ nghèo 580 tỷ đồng, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 538 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo 326 tỷ đồng, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 202 tỷ đồng, hộ sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn 197 tỷ đồng, nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL 53 tỷ đồng, nhà ở hộ nghèo 41 tỷ đồng, xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài 20 tỷ đồng, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi 12 tỷ đồng, thương nhân vùng khó khăn 8 tỷ đồng, nhà ở xã hội 3,2 tỷ đồng… Doanh số thu nợ trong 5 năm đạt 1.994 tỷ đồng.
Hiện, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt hơn 3.069 tỷ đồng, với 159.867 khách hàng còn dư nợ, dư nợ tăng 909 tỷ đồng so cuối năm 2014, tỷ lệ tăng 41,98%, bình quân mỗi năm tăng trưởng trên 9%. Dư nợ bình quân tăng từ 12,499 triệu đồng/hộ năm 2014 lên 19,19 triệu đồng/hộ năm 2019. Nhiều chủ trương, chính sách tín dụng chính sách được Chính phủ triển khai, nâng mức vay, điều chỉnh mức cho vay, lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng được kịp thời, phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân…
Tín dụng chính sách giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, dạy nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững
Ông Nguyễn Hữu Có (xã Tân An, TX. Tân Châu) chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc diện khó khăn, 8 nhân khẩu, không đất canh tác. Qua sự giúp đỡ của cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi được vay 3 chương trình: học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 48,7 triệu đồng và xuất khẩu lao động đi Nhật Bản 80 triệu đồng cho con tôi có điệu kiện đi học và làm việc ở nước ngoài và vay vốn 6 triệu đồng chương trình nước sạch vệ sinh môi trường, không phải thế chấp tài sản. Năm 2019, tôi được vay thêm 80 triệu đồng. Nhờ vốn vay giúp gia đình tôi nuôi con ăn học thành đạt, hiện lương con tôi xuất khẩu lao động gửi về ổn định 34 triệu đồng/tháng, đến năm 2021 tôi sẽ trả hết nợ”. Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, từ năm 2015 đến nay toàn tỉnh có trên 1.530 lao động được vay vốn xuất khẩu lao động. Một số lao động về nước với kinh nghiệm, tay nghề và vốn tích lũy đã đầu tư mở cơ sở, mua đất đai, phát triển sản xuất, tăng thu nhập.
Nói về hiệu quả vốn vay ưu đãi với sản xuất - kinh doanh, nâng cao đời sống người dân, ông Trần Quang Kết, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Bình Thành, xã Phú Bình (Phú Tân) chia sẻ: “Trong tổ đã có nhiều mô hình làm ăn hiệu quả từ nguồn vốn vay. Điển hình như chị Nguyễn Thị Điệp trước đây đi làm thuê không đủ nuôi 5 nhân khẩu, sau đó chuyển sang bó chổi bán. Thông qua Hội Nông dân xã Phú Bình, chị được vay vốn chính sách 50 triệu đồng đầu tư mở rộng sản xuất, nuôi bò, thuê đất trồng rau muống... nay cuộc sống khá ổn định, là tấm gương tiêu biểu thoát nghèo”.
Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Nguyễn Phú nhấn mạnh: “Nguồn vốn tín dụng chính sách những năm qua là giải pháp không thể thiếu trong quá trình thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2018 còn 0,19%, giảm rất nhiều so năm 2015”. Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Huỳnh Thị Nguyệt Hồng cho biết: “Cùng với nguồn vốn ngân sách nhà nước, từ năm 2011 đến nay, UBND huyện dành một phần vốn từ ngân sách địa phương trên 7,5 tỷ đồng để bổ sung vốn vay cho các đối tượng chính sách xã hội. Đến nay, doanh số cho vay toàn huyện đạt 379 tỷ đồng, với trên 21.000 lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn, góp phần cùng địa phương giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới”.
Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Nguyễn Thị Tuyết Minh cho biết: “Hội Cựu chiến binh, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đã nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ gần 3.100 tỷ đồng, 3.703 tổ tiết kiệm vay vốn, 159.724 hộ được vay vốn sản xuất, chăn nuôi, tạo việc làm. Ngoài đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân còn góp phần ngăn chặn, hạn chế “tín dụng đen”.
Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm ở địa phương, giai đoạn 2011-2015 từ 9,28% xuống còn 2,5%, giai đoạn 2016-2020 giảm từ 8,45% xuống còn 3,67% cuối năm 2018.
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU