Hỗ trợ quốc tế trong ứng phó biến đổi khí hậu

16/12/2019 - 07:51

 - Dù là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, có lợi thế lớn về sản xuất nông nghiệp nhưng An Giang cũng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai. Để ứng phó hiệu quả, cùng với phát huy nội lực của tỉnh, cần có sự quan tâm của Trung ương, hỗ trợ của quốc tế, đặc biệt là Ngân hàng Thế giới.

Hiệu quả các dự án

Trong 2 ngày 11 và 12-12, đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) do ông Benoit Bosquet (Giám đốc về Phát triển bền vững khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB) dẫn đầu, đã có chuyến khảo sát và làm việc tại An Giang. Đoàn đã khảo sát thực tế tình hình sạt lở rạch Cái Sắn (phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên), đoạn sạt lở bờ sông Hậu “ăn” vào Quốc lộ 91 (xã Bình Mỹ, Châu Phú) và Nhà máy xử lý nước thải TP. Long Xuyên. Vấn đề ứng phó sạt lở, thiên tai, xử lý nước thải… là những nội dung mà WB quan tâm và đã có những hỗ trợ cho An Giang thời gian qua.

Chủ trì buổi làm việc với đoàn công tác WB, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, An Giang là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL (gồm: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau), là cửa ngõ giao thương với các nước khu vực ASEAN. Tỉnh có lợi thế nông nghiệp lớn, có dòng sông Tiền, sông Hậu chảy qua. Tuy nhiên, tỉnh cũng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt là sạt lở đất bờ sông ngày càng nghiêm trọng. Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó với BĐKH, trong đó đã thành lập Ban Chỉ đạo Ứng phó với BĐKH - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang.

Cùng với phát huy nội lực, An Giang thực hiện có hiệu quả những chương trình, dự án do WB hỗ trợ. Đối với dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) với tổng mức đầu tư 14,5 triệu USD (tương ứng 333,4 tỷ đồng, trong đó vốn WB 207 tỷ đồng), An Giang đã triển khai tích cực, góp phần giúp tỉnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua tăng cường năng lực thể chế của ngành, đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho ngành hàng lúa, gạo. Tỉnh đang triển khai tiểu dự án Tăng cường khả năng thích ứng và quản lý nước cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long (An Phú), thuộc dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững vùng ĐBSCL. Dự án giúp nâng cao khả năng thích ứng và quản lý vùng lũ, vùng thượng nguồn sông Cửu Long, góp phần ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập của dân cư vùng lũ, phù hợp với yêu cầu thoát lũ, trữ lũ của vùng đầu nguồn…

Ưu tiên xử lý nước thải, ứng phó sạt lở

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của WB, UBND tỉnh đề xuất hỗ trợ thêm 6 dự án, nhằm giúp tỉnh thực hiện tốt chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, từng bước thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ thiên tai theo Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ.

Trong số 6 dự án này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị ưu tiên cho dự án Hệ thống thu gom và xử lý nước thải TX. Tân Châu. Dự án có tổng mức đầu tư 47 triệu USD (1.050 tỷ đồng), công suất xử lý 12.000m3/ngày - đêm, phạm vi thực hiện tại 5 phường trung tâm của thị xã (Long Thạnh, Long Hưng, Long Châu, Long Sơn, Long Phú) với diện tích 1.500ha, dân số 65.000 người. “Dự án không chỉ giúp hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị để nâng cấp TX. Tân Châu đạt chuẩn đô thị loại III mà còn bảo vệ nguồn nước vùng đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu và có ý nghĩa lớn đối với mục tiêu phát triển bền vững của các tỉnh trong vùng ĐBSCL” - ông Bình nhấn mạnh.

Ưu tiên tiếp theo mà An Giang đề nghị là dự án Nâng cao khả năng chống chịu với BĐKH và phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào vùng miền núi và đồng bằng Bảy Núi. Dự án có tổng mức đầu tư 50 triệu USD (1.150 tỷ đồng). Mục tiêu của dự án là chuyển đổi cảnh quan, sinh kế vùng Bảy Núi theo hướng thích ứng với BĐKH, tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên đất nông nghiệp và nâng cao, đa dạng hóa cơ hội sinh kế cho các hộ gia đình, cộng đồng nghèo tại 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.

Để ứng phó hiệu quả hơn với sạt lở, cùng với các dự án đang được hỗ trợ đầu tư (kè chống sạt lở sông Hậu đoạn qua xã Châu Phong, TX. Tân Châu; kè chống sạt lở rạch Cái Sắn; kè chống sạt lở bờ sông bảo vệ TP. Long Xuyên, đoạn từ cầu Tôn Đức Thắng đến rạch Cái Dung), tỉnh kiến nghị WB hỗ trợ xử lý sạt lở khẩn cấp bờ sông Hậu (xã Bình Mỹ, Châu Phú) với tổng vốn đầu tư 14,3 triệu USD (330 tỷ đồng). Việc xử lý nhằm đảm bảo ổn định lâu dài cho tuyến Quốc lộ 91, ổn định bờ sông Hậu và bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của 1.600 hộ dân sống dọc tuyến Quốc lộ 91.

Hai dự án liên quan đến nông nghiệp được tỉnh chú trọng là dự án Thực phẩm nông nghiệp an toàn tỉnh An Giang (tổng mức đầu tư 31 triệu USD) và dự án Phát triển bền vững cây xoài tỉnh An Giang (tổng mức đầu tư 19,83 triệu USD). Khi được WB hỗ trợ triển khai, tỉnh sẽ xây dựng được những chuỗi giá trị an toàn (thịt, cá, rau màu, cây ăn trái...) từ sản xuất đến tiêu dùng. Đồng thời, nâng cao chuỗi giá trị cho cây xoài theo hướng hiện đại, đồng bộ, tạo ra những sản phẩm chất lượng, mang lại giá trị gia tăng cao cho nông dân các huyện: An Phú, Chợ Mới, Tri Tôn và Tịnh Biên.

Dự án còn lại cũng không kém phần quan trọng mà An Giang mong muốn hỗ trợ là dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL. Trong đó, An Giang có 2 hợp phần với tổng mức vốn đề xuất 10,5 triệu USD, gồm: đầu tư xây dựng 2 nhà máy nước Sông Hậu 2 (Châu Thành), Sông Hậu 3 (Châu Đốc) và tuyến ống truyền tải liên tỉnh (hợp phần 1); cải tạo, mở rộng mạng lưới cấp nước vùng tỉnh và triển khai chống thất thoát thất thu nước sạch (hợp phần 2). Trước mắt, tỉnh kiến nghị WB xem xét hỗ trợ vốn vay thực hiện hợp phần 2 để Công ty Cổ phần Điện Nước An Giang thực hiện, nhằm đáp ứng nhu cầu nước sạch (dự báo nhu cầu nước sạch đến năm 2030 là 17.000m3/ngày-đêm).

Tại buổi làm việc, đoàn công tác WB đánh giá cao hiệu quả triển khai những dự án do WB hỗ trợ vốn vay ở An Giang. Đối với những dự án mới do UBND tỉnh đề xuất, đoàn sẽ phối hợp thẩm định tính khả thi, quy trình thủ tục để hỗ trợ

 

NGÔ CHUẨN