Họa tự hổ của ông đồ tay ngang

11/02/2022 - 08:18

Họa tự hổ năm 2022 với năm mẫu độc đáo là mảnh ghép cuối cùng trong bộ sưu tập họa tự 12 con giáp được Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín (giảng viên Trường đại học Tôn Đức Thắng) lên ý tưởng và nỗ lực hoàn thành sau 20 năm gắn bó với thư pháp. Những nét xước của thư pháp cùng với cách tạo hình con vật sáng tạo giúp các bức họa tự của “ông đồ” này bay bổng, gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa.

"Ông đồ" Nguyễn Hiếu Tín đang vẽ họa tự hổ để kỷ niệm năm Nhâm Dần 2022.(Ảnh do nhân vật cung cấp)

Kết hợp khéo léo giữa nét cọ thư pháp quen thuộc trên nền chữ Việt và cách tạo hình con vật mềm mại, Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín khiến nhiều người xem trầm trồ khi chiêm ngưỡng bộ sưu tập họa tự Ngũ hổ năm 2022 của mình. Tác giả dùng những ký tự chữ “Hổ”, "Nhâm Dần", "Cọp" hay số 2022 để tạo nên hình Hổ bằng đường nét uốn lượn đẹp mắt. Bức “Hổ chào xuân mới” là hình ảnh chú hổ trẻ trung, năng động trên nền sơn thủy hữu tình, cành đào tươi thắm được biến tấu khéo léo từ chữ "Nhâm Dần", "Cọp" và số 2022, thể hiện sự vui tươi và may mắn trong năm mới. Bốn bức còn lại gồm “Hổ mừng xuân”, “Hổ đón xuân”, “Hổ vui xuân” và “Hổ chúc tết” cũng có sự phá cách trong việc phối hợp hài hòa giữa thư pháp Việt và tạo hình linh vật ngày xuân.

Điều dễ bắt gặp nhất trong các bức họa tự của Nguyễn Hiếu Tín chính là tính uy nghi, oai linh của con vật, sự sống động, uyển chuyển trong nét chữ và niềm tin vào một năm mới may mắn, bình an. Anh Tín cho biết: Điểm khác biệt lớn nhất của loại hình này là họa tự đòi hỏi phải có ý tưởng sáng tạo thay vì mang tính ngẫu hứng như thư pháp.

Thư pháp viết tùy theo tâm trạng còn họa tự muốn thành hình phải mất mấy tháng tìm hiểu về nét, dáng vẽ của chủ đề dự định thực hiện. Sau đó, người viết phải lọc nét, phác họa thử bằng chì trước khi bắt đầu tác phẩm. Mà đâu phải vẽ viết một lần là xong, có bức cả mấy chục lần mới hài lòng. “Có lúc đang vẽ mà bí, chưa biết nên làm sao cho ưng ý nhất, tôi cất đi, hôm sau lại tiếp tục. Cứ vậy mấy tuần liền đến khi bức họa tự mềm mại, bay bổng và tự nhiên nhất mới thôi. Họa tự mang tính ý tưởng nhiều hơn thư pháp. Khi đã ra được hình thì mình sẽ viết lại nhiều lần cho nhuần nhuyễn. Nó gần như vẽ vì thư pháp không được đồ theo nét có sẵn. Nhưng vẽ kiểu này khác họa sĩ vẽ tranh. Ở họa tự, ta vẽ theo dáng thư pháp với các đường xước tự nhiên”, Thạc sĩ Tín phân tích thêm.

Không đơn thuần là mê mẩn vẻ đẹp hùng dũng của hổ mà với bộ sưu tập lần này, anh Tín muốn gửi đến mọi người thông điệp ý nghĩa sau thời gian dài TP Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung gồng mình chống dịch Covid-19. Đó là những ước mong về sự vươn lên, sự hồi sinh mạnh mẽ mỗi ngày. Bắt tay vào thực hiện bức họa tự hổ năm 2022 đầu tiên vào cuối năm 2021, nhưng trước đó ba tháng, anh Tín đã dành nhiều thời gian sưu tập hơn 100 tranh vẽ hổ từ nhiều nguồn và nghiên cứu các nét vẽ phù hợp nhất. Anh cho biết, mỗi bức như vậy phải phác thảo gần 20 lần mới ra. Có những bức vẽ rồi lại bỏ vì phần chữ trên tranh gò ép miễn cưỡng, không tự nhiên.

 Đáng lẽ, “ông đồ” Nguyễn Hiếu Tín phải hoàn thành bộ sưu tập họa tự hổ này cách đây 12 năm nhưng lúc đó chưa đủ duyên nên anh tạm ngưng. Giờ đây, khi sự thích thú với “ông 30” quay trở lại và cũng vì bản thân muốn làm điều gì đó thật sự ấn tượng sau một năm đầy sóng gió, anh bắt tay vào nét vẽ, đường cọ đầu tiên từ khá sớm. Vẽ hổ cho ra nét đã khó, lồng trên nền thư pháp còn phức tạp hơn. Vậy nên, ban đầu anh hơi ngại. Nhưng càng viết càng thích, càng vẽ càng say sưa.

Trước khi đặt cọ viết về hổ, anh Tín buộc bản thân phải đọc nhiều nhất có thể những thông tin chung quanh tính cách của con vật dũng mãnh này. Phải đọc những bài viết liên quan, dùng nội dung để cảm con vật. Anh Tín chia sẻ: “Hầu như 12 con giáp nếu không nghiên cứu kỹ chúng ta sẽ thấy nhiều con đáng sợ nhưng đọc kỹ sẽ hiểu về tính linh của từng con. Như hổ nếu không tìm hiểu sẽ nghĩ nó hung dữ. Thực ra đâu phải vậy. Con hổ được người xưa quý mến, thậm chí kính mến trong thờ tự. Tôi tìm hiểu về tính cách hổ và lấy cái uy dũng của nó để truyền tải vào từng nét vẽ. Phần nội dung bên trong sẽ là “cốt” tạo ra bức họa tự”.

Quen thuộc với thư pháp nhưng tự nhận mình còn phải mày mò thêm về họa tự, anh Tín luôn đặt ra cho bản thân nhiều quy tắc để có được các bức vẽ “độc quyền”, chẳng muốn giống ai. Anh nói, khó mấy cũng phải tạo ra nét vẽ phóng khoáng như viết thư pháp, không thể vì muốn gò vào khuôn hình mà phá đi nét chữ. Vậy nên, khi nghiên cứu các dáng vẽ hình con vật, anh luôn nghĩ trong đầu những nét thư pháp phù hợp.

Và đường cong chính trong tất cả các bức họa tự của anh đều phải là thư pháp. Với “ông đồ” Nguyễn Hiếu Tín, hình ảnh là cách giúp anh thăng hoa hơn trong nét cọ thư pháp chứ không phải cái khuôn để áp chữ vào. Hiện tại, Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín đang lên ý tưởng cho bộ sưu tập họa tự năm 2023. “Với họa tự, tôi thấy mình luôn tìm đến cái mới, đạt được sự hứng khởi trong nghệ thuật mà vẫn duy trì niềm đam mê thư pháp. Từ ngày thêm hình thức họa tự, tôi bắt đầu làm quen với việc sưu tầm tranh ảnh về các con giáp mà mình yêu thích, rồi lâu ngày thành kỹ năng nhận dạng hình, điều trước kia tôi tốn rất nhiều thời gian để thực hành”, anh Tín chia sẻ thêm.

Theo GIA MỸ (Nhân Dân)