Hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên

09/07/2020 - 04:33

 - Dự án đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên (gọi tắt là dự án) do Bộ Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư; Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Úc tài trợ, kinh phí hơn 2.100 tỷ đồng. Trong đó chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư của tỉnh An Giang là 528,77 tỷ đồng. Dự án đi qua địa bàn 8 phường, xã ở TP. Long Xuyên, ảnh hưởng trực tiếp đến 558 hộ dân; tổng diện tích đất thu hồi trên 460.000m2; tổng kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 430 tỷ đồng.

UBND tỉnh tặng bằng khen cho các tập thể

Sau khi dự án được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt, ngày 13-12-2018, UBND tỉnh An Giang thành lập ban chỉ đạo thực hiện dự án để chủ động giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc; đồng thời giao UBND TP. Long Xuyên làm chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng, thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án. Trong 13 tháng (từ 18-4-2019 đến 18-5-2020), TP. Long Xuyên đã thực hiện theo lộ trình 5 bước.

Cụ thể, 4 bước đầu gồm: lập bản trích đo thực hiện dự án; công bố thông báo thu hồi đất, chủ trương, chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; kiểm kê tài sản thiệt hại và xác định giá thay thế về đất; nhà ở, công trình vật kiến trúc; cây trồng vật nuôi; lập dự thảo phương án bồi thường, niêm yết lấy ý kiến hộ dân; đối thoại với các hộ chưa đồng thuận, cập nhật lại kế hoạch tái định cư trình Ngân hàng ADB xem xét).

Tại bước 4, qua công khai, niêm yết lấy ý kiến, có 344/558 hộ dân (62%) không đồng ý. Trên cơ sở tổng hợp phân loại các ý kiến chưa đồng thuận, UBND thành phố đã tổ chức đối thoại, trực tiếp vận động từng hộ dân; xem xét các kiến nghị đảm bảo nguyên tắc có lợi nhất cho người dân bị ảnh hưởng, nhưng đảm bảo đúng các quy định của nhà nước. Kết quả, đã nâng số hộ đồng thuận phương án lên 530/558 hộ (95%); còn lại 28 hộ chưa đồng thuận, chủ yếu là đề nghị nâng giá bồi thường đất nông nghiệp.

Tại bước 5, địa phương công bố quyết định thu hồi đất và quyết định bồi thường, hỗ trợ đến 547 hộ dân (11 hộ chưa ban hành quyết định do chưa xác định được nghĩa vụ tài chính, chưa cử được người đại diện…).Từ ngày 6-5-2020 đến nay, địa phương chi trả tiền bồi thường cho 520 hộ dân, với tổng số tiền gần 400 tỷ đồng. Đối với 11 hộ còn lại (đã đồng thuận phương án), chậm nhất đến ngày 15-7 sẽ ban hành quyết định.

Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Đào Văn Ngọc khẳng định: “Kết quả thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng dự án là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự quan tâm hỗ trợ của Tổng Công ty Cửu Long và các sở, ngành cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến thành phố, phường, xã. Đặc biệt là sự đồng thuận của người dân trong suốt quá trình triển khai thực hiện dự án. Bài học kinh nghiệm của địa phương cho thấy, trong quá trình triển khai dự án, phải chủ động, kịp thời, chuẩn bị chặt chẽ (từ khâu xây dựng kế hoạch, phân bổ lộ trình thời gian đến cách thức triển khai thực hiện), phải đảm bảo tính khoa học, sát hợp điều kiện, hoàn cảnh và phù hợp với tình hình thực tế giữa nhu cầu phát triển và quyền lợi chính đáng của người dân.

Chủ tịch UBND thành phố đã tổ chức trên 20 cuộc họp giao ban định kỳ (vào ngày 15 và 30 hàng tháng), với sự tham gia của các đơn vị, tổ chức, phường, xã có liên quan, nghe báo cáo về tiến độ giải phóng mặt bằng, các khó khăn, vướng mắc để có chỉ đạo xử lý kịp thời, hoặc báo cáo đề xuất về tỉnh.

Cả hệ thống chính trị của thành phố và phường, xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu rõ lợi ích của dự án mang lại đối với đời sống xã hội và phát triển kinh tế - xã hội cả trước mắt cũng như lâu dài; khơi gợi ý thức trách nhiệm của từng cá nhân để có sự dung hòa giữa quyền lợi của bản thân và xã hội, từ đó có sự đồng thuận cao. Để thực hiện tốt công tác này, trước hết các cơ quan chuyên môn và UBND phường, xã phải nắm vững quy định của nhà nước về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư”.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư, dự án là tâm huyết rất nhiều năm của TP. Long Xuyên và tỉnh An Giang. Địa phương đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong thời gian ngắn, bàn giao mặt bằng sạch cho Tổng Công ty Cửu Long để triển khai thi công dự án, tỉnh đánh giá rất cao sự nỗ lực này.

Thời gian tới, các đơn vị có liên quan cần tiếp tục vận động, đối thoại với 11 hộ dân chưa nhận quyết định và khiếu nại về giá bồi thường; tiếp nhận bàn giao mặt bằng đối với các hộ đã nhận đủ tiền bồi thường, sau đó giao cho UBND các phường, xã quản lý, không để tái lấn chiếm; tiếp nhận mốc giải phóng mặt bằng chính thức từ Tổng Công ty Cửu Long...

GIA KHÁNH

Việc đầu tư xây dựng dự án nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, đảm bảo giao thông đường bộ thông suốt, liên tục trên Quốc lộ 91 đoạn qua TP. Long Xuyên, từng bước kết nối hoàn chỉnh mạng lưới giao thông khu vực ĐBSCL theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, phát huy hiệu quả của các dự án đã và đang được triển khai thực hiện, như: cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống và tuyến Lộ tẻ - Rạch Sỏi…