Học Bác cho chính mình và cho mọi người

14/06/2023 - 07:10

 - “Các chú hãy nhìn xem, nếu 1 thanh củi thì bếp lửa kia có được rực rỡ và ấm áp như thế? Phải cần rất nhiều thanh củi chụm lại. Làm cách mạng cũng như vậy, cần sự trợ giúp, giúp sức của rất nhiều người… Phải gạt bỏ cái tôi cá nhân, lòng ích kỷ hẹp hòi; tập trung, nhiệt huyết, một lòng vì cách mạng, sẵn sàng bỏ qua, tha thứ cho nhau” - những lời thoại trong vở kịch ngắn “Đoàn kết là sức mạnh” (Nhà hát Kịch Việt Nam) mở đầu cho rất nhiều suy nghĩ của đại biểu tham dự hội nghị toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện Kết luận 01-KL/TW.

Đổi cách nghĩ, thay cách làm

Sân khấu hóa lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết là một cách làm mới, góp phần đa dạng hóa hoạt động lan tỏa học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, như Kết luận 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW) đang hướng đến. Mở rộng hơn, năm 2021, Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai Quy chế 13-QC/BTGTW về giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 - 2025.

Mô hình chào cờ sáng thứ hai tại Huyện ủy An Phú

Nhiều địa phương trong cả nước tập trung tuyên truyền, vận động giới văn nghệ sĩ, báo chí, cán bộ, đảng viên, quần chúng tích cực hưởng ứng, tham gia sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học - nghệ thuật, báo chí, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền về học tập và làm theo Bác; xây dựng đạo đức, nhân cách, tâm hồn con người Việt Nam; đề cao giá trị chân - thiện - mỹ; đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Tại An Giang, Cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học - nghệ thuật, báo chí chủ đề học tập Bác (do Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát động) đã hoàn tất mùa giải thứ 5, trở thành hoạt động quen thuộc, thường xuyên, thu hút đông đảo tác giả chuyên lẫn không chuyên tham dự.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn khẳng định: “Nhìn lại, kế thừa và phát huy kết quả đạt được của các giai đoạn trước, sau khi Kết luận 01-KL/TW được ban hành, công tác lãnh, chỉ đạo học tập và làm theo Bác được cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện nghiêm túc, bài bản và hệ thống. Nét mới là có sự xác định rõ nội dung công việc phải làm, phân công trách nhiệm thực hiện, thời gian hoàn thành, với tinh thần chủ động, sáng tạo, đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị”.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội trong toàn quốc xây dựng kế hoạch, tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Kết luận 01-KL/TW, chuyên đề toàn khóa, nội dung sinh hoạt chuyên đề hàng năm đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên. Tỉnh An Giang luôn nằm trong “tốp” tích cực. Điển hình như, tỉnh có số lượng hội nghị trực tuyến quán triệt Kết luận 01-KL/TW đứng thứ 3 cả nước, với 359 cuộc (chỉ sau TP. Hồ Chí Minh 1.418 cuộc; tỉnh Bắc Ninh 1.196 cuộc). Về quán triệt, học tập nội dung sinh hoạt chuyên đề năm 2023, tỉnh đứng trong “tốp 10” (651 cuộc hội nghị trực tiếp, 40 hội nghị trực tuyến).

Bốn chữ “tự”

Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, 4 hạn chế được chỉ ra trong quá trình thực hiện Kết luận 01-KL/TW. Đó là, công tác lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có lúc, có nơi còn hình thức. Việc xây dựng, thực hiện kế hoạch học tập và làm theo Bác gắn với thực hiện nghị quyết Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị ở một số ít tập thể, cá nhân còn lúng túng, chất lượng chưa cao.

Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, dẫn đến suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm. Công tác biểu dương, khen thưởng có lúc, có nơi chưa kịp thời, chưa thường xuyên; công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, đánh giá ở một số địa phương, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức.

Cũng từ đây, 5 bài học kinh nghiệm lớn được rút ra. Trong đó, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng, đòi hỏi phải luôn nhận thức sâu sắc, thấu đáo và nêu cao quyết tâm hành động của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên. Phải xác định đúng và trúng các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo thực hiện. Coi trọng và đầu tư đúng mức việc nghiên cứu, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, kịp thời phản ánh sinh động gương điển hình, mô hình, cách làm sáng tạo.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, phải xác định vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, người đứng đầu hệ thống chính trị; vai trò nòng cốt, tham mưu, hướng dẫn thực hiện của cơ quan tuyên giáo các cấp trong việc học tập và làm theo Bác. Đây là công việc thường xuyên, quan trọng, hàng ngày. Đồng chí nhấn mạnh tinh thần nêu gương, tinh thần tự giác, trách nhiệm trong học tập và làm theo Bác, theo tinh thần “tự thân - tự giác - tự nguyện - tự điều chỉnh hành vi”.

“Tin rằng, với tinh thần mới, quyết tâm mới, khí thế mới, mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân ý thức đầy đủ trách nhiệm của mình, tham gia học tập và làm theo Bác ngày càng tích cực, sẽ khơi dậy những yếu tố tích cực, tốt đẹp trong chính chúng ta; vì sự vững vàng của Đảng, sự trường tồn của dân tộc, vì ấm no, tự do, hạnh phúc của mỗi người Việt Nam” - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, nhiều cách làm chủ động, linh hoạt, sáng tạo, mô hình mới góp phần quan trọng thúc đẩy hoàn thành chỉ tiêu kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Toàn quốc có hơn 25.500 mô hình điển hình trong học tập và làm theo Bác (tính đến tháng 4/2023, thống kê từ 52 Tỉnh ủy, Thành ủy). Việc xây dựng kế hoạch, đăng ký thực hiện học tập và làm theo Bác gắn với kế hoạch thi đua của tập thể, cá nhân được nhiều địa phương chú trọng, thúc đẩy các phong trào thi đua.

GIA KHÁNH