Học Bác thực hành tiết kiệm, chăm lo đời sống nhân dân

16/09/2019 - 07:30

 - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, Người là tấm gương lớn về lối sống giản dị, thực hành tiết kiệm. Năm 1927, trong cuốn Đường kách mệnh, phần mở đầu nói về tư cách của người cách mạng, Người viết: “Tự mình phải cần, kiệm”. Cần, kiệm phải là đức tính đầu tiên của người cách mạng…”. Thực hiện lời Bác dạy, năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 27 phát động đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức (ĐV, CB, CC, VC) thực hành tiết kiệm, góp phần chăm lo an sinh xã hội.

Việc làm nhân văn, sâu sắc

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Tất cả mọi người đều phải tiết kiệm. Trước nhất là các cơ quan, các bộ đội, các xí nghiệp”. Mục đích của tiết kiệm là để tích lũy tiền của, thời gian, công sức cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao mức sống của nhân dân. Tiết kiệm được thực hiện thông qua những hành vi trong thực tế của cán bộ, bộ đội và toàn dân ta và kết quả tiết kiệm của mọi người sẽ góp phần tích cực cho thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức thực hành tiết kiệm, góp phần thực hiện tốt an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân

Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức thực hành tiết kiệm, góp phần thực hiện tốt an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân

Theo Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Từ Thanh Khiết, để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị được cụ thể, thiết thực trong nội bộ ĐV, CB, CC, VC và lan tỏa sâu rộng trong quần chúng nhân dân, cách đây hơn 2 năm, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 27. Việc thực hành tiết kiệm, chăm lo cho người nghèo và an sinh xã hội theo Kế hoạch số 27 nhằm hạn chế việc nhiều lần vận động ĐV, CB, CC, VC đóng góp các loại quỹ. Theo đó, thay vì trước đây, mỗi ĐV, CB, CC, VC đóng góp 4 loại quỹ, gồm: “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xã hội công đoàn” và “Khuyến học”, thì nay chỉ gom lại thành 1 loại quỹ, với số tiền đóng góp ít nhất 1.000 đồng/người/ngày (tương đương 360.000 đồng/người/năm). Số tiền thu được sẽ phân bổ cho quỹ “Vì người nghèo” 50%, “Xã hội công đoàn” 30%, “Đền ơn đáp nghĩa” 10% và “Khuyến học” 10%. Trong quá trình triển khai thực hiện tùy khả năng, điều kiện, các cấp ủy có thể phát động các đồng chí ủy viên, lãnh đạo đơn vị đóng góp cao hơn, nhưng trên tinh thần tự giác, với mức đóng từ 500.000 đến 2.000.000 đồng. Kết quả, từ tháng 5-2017 đến tháng 5-2019, Ban Vận động quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận từ nguồn tiền tiết kiệm của ĐV, CB, CC, VC được trên 42 tỷ đồng.

Đoàn kết, “tương thân, tương ái”

Trong bản Di chúc lịch sử, Bác đã dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Thực hiện lời Bác, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, UBMTTQ và đoàn thể các cấp trong tỉnh luôn quan tâm, chăm lo đời sống nhân dân địa phương. Nhất là đổi mới phương thức vận động và giúp đỡ; kêu gọi cộng đồng xã hội đoàn kết, chung tay giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn được “An cư lạc nghiệp”; mở rộng hình thức hỗ trợ phát triển kinh tế để người dân thoát nghèo bền vững. Từ năm 2014 đến 2018, toàn tỉnh đã tiếp nhận tiền, hiện vật quy tiền với tổng trị giá trên 740 tỷ đồng. Qua đó, đã cất mới trên 9.800 căn, sửa chữa trên 2.000 căn nhà Đại đoàn kết; thăm hỏi, tặng quà Tết, hỗ trợ gia đình khó khăn, khám chữa bệnh, trợ giúp học hành… cho trên 1,4 triệu lượt hộ nghèo và nhiều chương trình an sinh xã hội trên địa bàn.

Đảm bảo an sinh xã hội là một chính sách lớn của Đảng, nhà nước, của tỉnh, thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc được các cấp, ngành, tổ chức thực hiện tốt. Qua đó, đã huy động sức mạnh đoàn kết, “tương thân, tương ái” của cộng đồng, toàn xã hội chung tay, chung sức cùng Đảng, nhà nước, chính quyền địa phương chăm lo cho đối tượng chính sách, gia đình nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Mặt khác, thông qua việc thực hiện Kế hoạch 27 của Tỉnh ủy nhằm phát huy vai trò nêu gương của ĐV, CB, CC, VC thực hành tiết kiệm, góp phần chăm lo an sinh xã hội.

Để phong trào lan tỏa sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng, cơ quan, nhất là người đứng đầu phải tiên phong, gương mẫu thực hiện và tuyên truyền, vận động. Từ đó, sẽ phát huy tinh thần tự giác, gương mẫu của ĐV, CB, CC, VC và các tầng lớp nhân dân tích cực thực hành tiết kiệm. Đây chính là việc làm cụ thể, thiết thực nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị trong việc “làm theo” Bác về thực hành tiết kiệm. Bởi, tiết kiệm chính là đạo đức cách mạng, là phẩm chất của mỗi con người trong thời đại mới, để tạo nên sức mạnh bền vững để xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

THU THẢO