Giờ học công nghệ thông tin giúp các em học sinh có điều kiện tiếp cận tốt với cách học trực tuyến
Có con ở lứa tuổi mầm non nhưng chị Võ Ngọc Trâm (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên, An Giang) ít dành thời gian học tập cùng con. Các chương trình học kỹ năng và ngoại ngữ chị để bé tự học tại trường.
Nay trong quãng thời gian nghỉ phòng tránh dịch bệnh Covid-19, chị lo ngại con vui chơi, xem ti-vi nhiều sẽ quên mất từ vựng, bài học trên lớp nên chị cập nhật lại những bài tập trước đây nhà trường đã gửi cho phụ huynh rồi cùng ôn tập với con.
Chị Trâm chia sẻ: “Ban ngày, tôi sưu tầm những mẫu tranh tô màu, tập đồ chữ cái cho con trên mạng rồi in ra để con tự học, tự vẽ tranh, khi rảnh rỗi tôi sẽ cùng con trò chuyện bằng tiếng Anh theo nội dung bài học trên lớp của bé. Nghỉ học phòng tránh dịch bệnh Covid-19 có điều bất tiện là vừa sắp xếp công việc, vừa chăm bé tại nhà nhưng đây là cơ hội để các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau hơn, có cơ hội học tập cùng con cũng chính là bản thân mình được học thêm một lần nữa”.
Các em học sinh khối tiểu học, THCS được một số phụ huynh hướng dẫn các phần mềm học tiếng Anh trực tuyến, các quyển sách phù hợp lứa tuổi, trò chơi trí tuệ để bổ sung thêm các kiến thức về khoa học tự nhiên, môi trường, kỹ năng sống… các lĩnh vực mà các em yêu thích. Riêng đối với học sinh khối THPT, nhất là học sinh khối 12, các em hầu như ý thức cần quý trọng thời gian chưa đến trường để ôn tập, củng cố kiến thức.
Thầy Nguyễn Phước Hòa (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ, phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên) cho biết: “Nhà trường đã tạo cho mỗi em một tài khoản để đăng nhập và tìm kiếm bài giảng, nội dung ôn tập được giáo viên đăng tải thông qua nền tảng Viettel Study. Có cả 2 hình thức học online và offline để các em tự lựa chọn ôn tập, giải bài tập được phần mềm chấm bài và báo cáo kết quả học tập. Nhìn chung, khoảng 70-80% học sinh háo hức với hình thức học trực tuyến, còn lại vẫn chưa yêu thích lắm.
Nhà trường đang phối hợp để phụ huynh có thể động viên, khuyến khích các em dành thời gian ôn tập nhiều hơn. Nhờ các nhóm kết nối trên mạng xã hội thời gian qua như: zalo, facebook, sổ liên lạc điện tử, nhà trường dễ dàng thông báo, đăng tải những hình ảnh, công văn chỉ đạo mới nhất về phòng tránh dịch bệnh, từ đó học sinh, phụ huynh nhanh chóng cập nhật và có sự phối hợp tốt với nhà trường”.
Ở khối sinh viên, việc tự học đã được các em ý thức hơn rất nhiều so với các em học sinh cấp học phổ thông. Em Trần Minh Đức (sinh viên năm thứ nhất ngành Sư phạm lịch sử, Trường Đại học An Giang) chia sẻ: “Những ngày không đến giảng đường, em đã tranh thủ lên mạng tìm những chuyên trang về bộ môn Lịch sử, sưu tầm tài liệu để nghiên cứu. Cùng với đó là tham gia các nhóm học tập, trao đổi cùng bạn bè về những nội dung, kiến thức chuyên ngành mà bấy lâu nay còn thắc mắc. Nhờ vậy, em đã hiểu hơn nhiều nội dung. Bên cạnh đó, em tranh thủ chuẩn bị ôn tập để thi lấy chứng chỉ Tin học và Ngoại ngữ, là điều kiện để tốt nghiệp ra trường”.
Trong thời gian chờ đợi các thông báo, công văn chỉ đạo về thời gian quay lại trường lớp, HSSV đã linh hoạt biến “kỳ nghỉ bất đắc dĩ” trở thành cơ hội học tập, bổ sung thêm kiến thức. Phụ huynh cần đồng hành hướng dẫn con ôn tập, tìm kiếm những kiến thức lành mạnh, bổ ích. Cùng với đó là tăng cường dinh dưỡng, các hoạt động thể dục - thể thao, vui chơi tại nhà, gần nhà, tránh đưa con đến chỗ đông người hay tham quan, du lịch xa. Bởi diễn biến dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, không thể chủ quan lơ là và không nên lo lắng thái quá làm cuộc sống của HSSV trở nên ngột ngạt quá mức.
Bài, ảnh: NGỌC GIANG