Ai dè, đa số học viên trong lớp võ chỉ trạc tuổi cô bé. Tụi nhỏ ríu rít làm quen bạn mới, hoặc nhận ra bạn cũ. Vậy là, kể từ ngày học thứ 2 trở đi, con anh Trường hăng hái thay võ phục, mong chờ đến giờ vào lớp. Anh thở phào: “May mắn là cháu chịu học võ. Chứ lúc đầu, cháu nghĩ “chỉ có con trai mới học võ”, sợ học không vui, không có bạn quen trò chuyện. Tôi định cho cháu học các môn năng khiếu cho nhẹ nhàng. Tuy nhiên, nghĩ đến những câu chuyện về xâm hại tình dục, bạo lực học đường... tôi lại quyết tâm: không thể bảo vệ con trẻ hàng ngày, hàng giờ, thì nên giúp chúng rèn luyện, có kỹ năng phòng vệ, thoát thân. Trong lúc nguy cấp, thay vì chờ sự giúp đỡ từ bên ngoài, bản thân chúng có thể tự giải cứu cho mình”.
Các lớp võ ở Nhà Thiếu nhi thu hút đông đảo học viên tham gia
Chiều chiều, anh cùng cả trăm vị phụ huynh khác đưa, rước con đi học võ. Nhìn con cháu mình nghiêm chỉnh trong bộ võ phục, đang đổ mồ hôi, nhiệt tình huơ tay múa chân, ai nấy đều cảm thấy thú vị, tự hào. Trong lớp, nhiều “võ sinh” còn độ tuổi mẫu giáo, chưa biết cách tự mặc võ phục, có khi chưa biết phân biệt bên phải, bên trái... nhưng vẫn say sưa bắt chước theo người hướng dẫn. Có lẽ, đó là giờ phút hiếm hoi các bé được thỏa sức vận động, không lệ thuộc vào điện thoại di động, ti vi, không sợ vung tay, chân làm đổ bể đồ đạc như ở nhà, không phải chìm trong bài vở khô cứng. Ở lớp học ấy, các em được học nhiều thứ: tôn sư trọng đạo; tính kỷ luật, nghiêm túc nghe lệnh; vượt qua khó khăn, nỗ lực để hoàn thành phần rèn luyện; hỗ trợ nhau cùng luyện tập...
Trên 10 năm nay, anh Võ Đức Duy (sinh năm 1983) gắn bó với công việc dạy võ Taekwondo cho học sinh ở các trường và Nhà Thiếu nhi An Giang, nối nghiệp cha mình. Theo anh, từ 5-6 tuổi trở lên, trẻ đã có thể theo học võ. Thông qua các khóa học cơ bản, phát hiện trường hợp nào có năng khiếu, đam mê bộ môn này, huấn luyện viên sẽ cho các em tập riêng, hoặc giới thiệu đưa vào Trường Năng khiếu thể thao, tạo nguồn vận động viên chuyên nghiệp sau này. “Trước mắt, trong các khóa hè, các em được vận động, rèn luyện sức khỏe, học một số động tác tự vệ, phản xạ cơ bản. Kết thúc khóa học, các em được tham dự kỳ thi lên đai. Do các em còn rất nhỏ, nên việc dạy dỗ phải hết sức nhẫn nại. Chỉ cần hơi lớn tiếng, nghiêm khắc một chút, các em đâm sợ, không chịu vào học nữa. Tôi cố gắng tạo cho các em môi trường học vui vẻ, hòa đồng. Đặc biệt, buổi học nào cũng phải nhắc đi nhắc lại: học võ là để tự vệ, phòng thân, chứ không phải để đánh người khác” - anh Duy chia sẻ.
Rồi anh chỉ một cậu võ sinh hơn 20 tuổi, đang đi bộ vòng quanh sân, kể tôi nghe: trí óc cậu phát triển không bình thường, ngây ngô như đứa trẻ. Thấy vậy, người nhà đăng ký cho cậu học võ. Thật bất ngờ, cậu theo học liên tục 2 năm nay, đã lên đến đai đỏ. Quá trình tập, có khi cậu khóc cười bất ngờ, nhưng hầu như chịu khó rèn luyện, không làm ảnh hưởng người khác. Cậu luôn được đưa đến lớp sớm 30 phút, một mình hào hứng đi bộ vòng quanh sân. Dường như môn võ Taekwondo đã dịu dàng thắp sáng thế giới đơn giản của cậu, biến điều không thể thành có thể.
Phó Giám đốc Nhà Thiếu nhi An Giang Trương Thanh Thúy thông tin: Hiện nay, Nhà Thiếu nhi mở các lớp võ Taekwondo và Vovinam, khóa hè từ ngày 1-6 đến 25-8, học phí 400.000 đồng/khóa. Hàng năm, lớp võ luôn có đông học viên nhất tại đây (năm 2017, Vovinam có 228 em theo học; Taekwondo 154 em). “Võ là bộ môn rất cần thiết cho các em. Khi học võ, các em sẽ học được tinh thần chính trực, cao thượng, nghĩa hiệp, biết tương trợ cho người gặp khó khăn. Võ thuật rèn luyện thể lực rất tốt, giúp các em phát triển về thể chất (đều ở các nhóm cơ), tốt cho hệ hô hấp, tăng cường khả năng phản xạ; giúp các em tự vệ tốt, có nhiều kỹ năng để tự bảo vệ bản thân mình. Bên cạnh đó, các em sẽ được quen biết nhiều bạn có cùng sở thích, giúp các em có điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, có thêm động lực để cùng nhau rèn luyện sẽ nhanh tiến bộ hơn. Khi được rèn luyện, học tập tích cực, các em sẽ giảm thời gian tham gia vào các hoạt động không lành mạnh khác”- chị Thúy khẳng định.
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG