Toàn cảnh một cuộc họp Hội đồng Bảo an LHQ tại New York, Mỹ, ngày 26-2-2020. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trúng cử và nắm giữ vị trí ủy viên không thường trực HĐBA LHQ là niềm vinh dự, tự hào cho bất kỳ nước nào được bầu bởi điều đó thể hiện rõ vai trò của nước đó trên bình diện thế giới, đồng thời thể hiện sự tin tưởng, tín nhiệm, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với các nước này, nhất là trong các lĩnh vực như gìn giữ và xây dựng hòa bình, bảo vệ quyền con người và thúc đẩy phát triển.
Để trúng cử, nước ứng cử phải có được ít nhất 2/3 số phiếu ủng hộ của các nước thành viên LHQ tham gia bỏ phiếu, tức là phải có được ít nhất 129 phiếu ủng hộ trên tổng số 193 nước thành viên LHQ hiện nay. Tuy nhiên, do Venezuela và Cộng hòa Trung Phi hiện đang bị tước quyền bỏ phiếu vì chưa hoàn thành nghĩa vụ đóng góp ngân sách LHQ, nên sẽ chỉ có nhiều nhất là 191 nước tham gia bỏ phiếu.
Năm ngoái, Việt Nam đã trúng cử trở thành ủy viên không thường trực HĐBA với số phiếu cao kỷ lục trong lịch sử bầu vị trí này tại LHQ: 192/193 phiếu.
Tuy nhiên, trúng cử mới chỉ là vượt qua thách thức đầu tiên. Đảm nhiệm thành công nhiệm kỳ của một nước ủy viên không thường trực HĐBA mới thực sự là thách thức to lớn hơn nhiều, không chỉ bởi những khó khăn, phức tạp đã bắt rễ sâu trong tổ chức này do sự khác biệt về quan điểm chính trị của 5 nước ủy viên thường trực (Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc), mà còn bởi các vấn đề mới nổi ngày càng gia tăng, chưa kể những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đang diễn ra hiện nay. Những căng thẳng, chia rẽ giữa các ủy viên thường trực HĐBA (gọi là nhóm P5) chưa bao giờ chấm dứt, bất chấp những nỗ lực hòa giải và hợp tác không mệt mỏi của các nước ủy viên không thường trực được bầu, trong đó có Việt Nam. Những bất đồng của P5 ngày càng bộc lộ rõ rệt trong thời gian qua, mà một minh chứng điển hình là HĐBA đã không thể đoàn kết và có phản ứng kịp thời ứng phó với cuộc khủng hoảng COVID-19 vào lúc cộng đồng quốc tế cần nhất tiếng nói của cơ quan quyền lực này.
Từ nhiều năm nay, hai ủy viên thường trực là Mỹ và Nga luôn ở hai đầu chiến tuyến, bất kỳ khi nào HĐBA bàn tới các vấn đề Trung Đông và châu Âu. Mỹ mấy năm gần đây cũng không còn mặn mà với những hoạt động đa phương mà thực chất đã quay sang theo đuổi các lợi ích đơn phương. Ngay cả mối quan hệ đồng minh thân thiết giữa 3 nước ủy viên thường trực Mỹ, Anh và Pháp giờ cũng bộc lộ những bất đồng trong các vấn đề như: đảm bảo an ninh cho khu vực Sahel châu Phi, vấn đề hạt nhân Iran hay vấn đề chống biến đổi khí hậu.
Chính vì tình trạng này mà từ lâu HĐBA rất khó đạt được sự đồng thuận để có thể ra được các nghị quyết chung. Năm 2019, HĐBA chỉ đồng thuận và thông qua được tất cả 67 quyết định, bao gồm các nghị quyết HĐBA và các thông cáo chung của nước chủ tịch luân phiên, và đây là con số thấp nhất kể từ năm 1991. Thông cáo chung của nước chủ tịch luân phiên là văn bản chỉ cần các nước ủy viên HĐBA nhất trí và không cần bỏ phiếu thông qua là được công bố, vậy mà năm ngoái, HĐBA chỉ nhất trí được 15 thông cáo, ít hơn hẳn so với 21 thông cáo chung cơ quan này đưa ra vào năm 2018.
Trong khi đó, đại dịch COVID-19 đang nổi lên là một trong những vấn đề có thể dẫn tới hàng loạt hậu quả trên diện rộng đối với tình hình hòa bình và an ninh quốc tế, cũng như ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động theo chương trình nghị sự của HĐBA. Ảnh hưởng đầu tiên chính là HĐBA đã không thể tiến hành các phiên họp trực tiếp như thường lệ kể từ giữa tháng Ba đến nay. Đại dịch cũng khiến mối bất hòa giữa các ủy viên P5 bộc lộ rõ thêm khi HĐBA không thể nhất trí ra một nghị quyết về ứng phó với COVID-19, được coi là cuộc khủng hoảng lớn nhất của thế kỷ 21.
Để góp phần thu hẹp khoảng cách bất đồng, trong thời gian qua, các nước ủy viên không thường trực (gọi là E10) đã họp thường xuyên với nhau và với sự góp mặt của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhằm tìm kiếm giải pháp để tổ chức này có thể hoạt động hiệu quả hơn. Và khi HĐBA không thể đạt được tiếng nói chung về những vấn đề quan trọng thì các nước E10 đã cùng nhau đưa ra thông cáo chung bày tỏ quan điểm. Ví dụ, E10 ra thông cáo chung hồi tháng 11/2019 về các hoạt động của Israel chiếm đóng khu tái định cư ở Bờ Tây hay ra thông cáo chung về cải tiến phương thức làm việc của HĐBA trong 5/2020 vừa qua.
Tuy nhiên, những tháng sắp tới, sau khi 5 ủy viên không thường trực mới được bầu xong, có lẽ thách thức mới nhất mà các ủy viên mới phải chung tay cùng HĐBA giải quyết là hậu quả do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ cũng như các hoạt động cứu trợ nhân đạo của LHQ tại những điểm nóng trên thế giới.
Nắm bắt được xu hướng này, hiện 7 nước tranh cử (Canada, Djibouti, Ấn Độ, Ireland, Kenya, Mexico và Na Uy) đều đã đưa ra chương trình nghị sự hướng tới tập trung giải quyết những thách thức mới nổi của HĐBA nếu trúng cử vào ngày 17/6.
Hai ứng cử viên cạnh tranh giành ghế đại diện cho châu Phi là Kenya và Djibouti đã tuyên bố sẽ tập trung thúc đẩy hòa bình và an ninh cho khu vực này, nhất là đối với tình hình Somalia. Cả Kenya và Djibouti đều rất cương quyết trong việc chống khủng bố và bạo lực cực đoan ở châu Phi, nhất là khu vực Sừng châu Phi.
Trong số 7 ứng cử viên, 4 nước Djibouti, Kenya, Ấn Độ và Ireland đã đóng góp đáng kể quân số cho lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ ở nhiều nơi trên thế giới và chắc chắn sự góp mặt của những nước này, nếu trúng cử vào HĐBA, sẽ tạo điều kiện nâng cao chất lượng của một trong những mảng công tác quan trọng nhất của LHQ.
Với ứng cử viên Canada, một trong 10 nước tài trợ lớn nhất cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, thì hoạt động này luôn là mối quan tâm hàng đầu.
Nhìn chung, tất cả các ứng cử viên hiện nay đều quan tâm tới việc nâng cao vai trò của HĐBA trong tổ chức và giám sát các hoạt động gìn giữ hòa bình để đạt được hiệu quả cao nhất, đồng thời chú trọng vấn đề xây dựng hòa bình hậu xung đột, một vấn đề cốt lõi trong chương trình nghị sự của HĐBA. Ngoài ra, các nước đều đã công khai cam kết nếu trúng cử sẽ nỗ lực thúc đẩy để các hoạt động của HĐBA ngày càng minh bạch và bao trùm hơn, nhất là sau khi chứng kiến tình trạng bất đồng, mập mờ không rõ quan điểm của HĐBA trong việc ứng phó với dịch COVID-19.
Một vấn đề quan trọng mà hầu như tất cả các nước tranh cử lần này đều hướng tới là giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Bốn ứng cử viên Canada, Kenya, Mexico và Na Uy đặt vấn đề chống biến đổi khí hậu lên ưu tiên hàng đầu. Hiện 3 nước ủy viên thường trực HĐBA là Mỹ, Trung Quốc và Nga vẫn còn băn khoăn về việc liệu HĐBA có nên đưa vấn đề chống biến đổi khí hậu vào chương trình nghị sự hay không, song 2 nước ủy viên thường trực còn lại là Anh và Pháp, cùng với 10 nước ủy viên không thường trực, đều đã công khai bày tỏ quan điểm cần phải giải quyết vấn đề này tại HĐBA. Hồi tháng 1/2019, dưới sự chủ trì của nước chủ tịch luân phiên Dominicana, ĐHBA đã tổ chức một phiên họp mở về chủ đề này với sự tham gia và đóng góp ý kiến của hơn 70 nước, một con số cho thấy rõ biến đổi khí hậu thực sự là vấn đề quan tâm hàng đầu của rất nhiều nước thành viên LHQ.
Nhiều thách thức to lớn đang chờ đợi, nhưng cả 7 nước ứng cử vào HĐBA năm nay đều đã chuẩn bị sẵn sàng về mọi phương diện để đón nhận và vượt qua những thử thách đó. Tất cả 7 nước đều từng nắm giữ vị trí ủy viên không thường trực HĐBA, nên đều có thế mạnh và những kinh nghiệm quý báu về hoạt động của HĐBA. Ấn Độ thậm chí đã là ủy viên không thường trực HĐBA tới 7 nhiệm kỳ và Canada cũng đã nắm giữ vị trí này trong 6 nhiệm kỳ.
HĐBA là cơ quan duy nhất của LHQ có quyền quyết định đánh giá thực tại các mối đe dọa đối với hòa bình hoặc phá hoại hòa bình, đồng thời đưa ra khuyến nghị hoặc quyết định các biện pháp cần được tiến hành để duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh. Bởi vậy, cộng đồng quốc tế hoàn toàn có quyền kỳ vọng 5 ủy viên mới sẽ mang tới luồng năng lượng mới cùng các nước ủy viên tại nhiệm nắm bắt cơ hội và đóng góp tích cực cho một thế giới hòa bình, và ổn định lâu dài.
Theo HẢI VÂN (Báo Tin Tức)