Hội Nông dân giúp nông dân phát triển kinh tế

11/07/2022 - 06:52

 - Phát huy vai trò là cầu nối, nòng cốt trong việc giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, Hội Nông dân xã Mỹ An (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đã có nhiều đổi mới trong phương thức hoạt động, xây dựng kế hoạch và triển khai những việc làm cụ thể, thiết thực, gắn với tình hình thực tế tại địa phương. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của hội viên không ngừng được cải thiện, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

Không còn diện tích lúa

Mỹ An (huyện Chợ Mới) là xã nông nghiệp, với hơn 70% dân số sống bằng nghề nông. Các mô hình kinh tế chủ lực của địa phương, như: Trồng bắp thu trái non, trồng xoài; nuôi bò, heo, gà, vịt, cá điêu hồng…

3 năm qua (2019-2022), mặc dù còn nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch COVID-19, tuy nhiên, tình hình kinh tế của địa phương tiếp tục duy trì tăng trưởng, các ngành, lĩnh vực phát triển khá toàn diện, huy động được nhiều nguồn lực đầu tư. Thu nhập bình quân đầu người (năm 2021) đạt trên 50 triệu đồng (tăng 1,83 triệu đồng so năm 2019). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Xã không còn diện tích đất trồng lúa, thay vào đó là diện tích rau màu khoảng 545ha (chủ yếu là bắp non) và 349ha vườn cây ăn trái. Đặc biệt, mô hình 3B tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực trong việc phát triển kinh tế địa phương.

Lĩnh vực chăn nuôi có bước phát triển rõ rệt. Tổng đàn bò của xã hiện có khoảng 4.679 con, với 887 hộ nuôi. Địa phương hiện có 5 trang trại cung cấp bò giống với quy mô trên 100 con/trại, cùng nhiều hộ cung cấp bò giống nhỏ lẻ tại địa phương nên nguồn con giống được đảm bảo.

Về đầu ra, ngoài các thương lái trong và ngoài địa phương, trên địa bàn xã còn có công ty chuyên cung cấp thịt bò sạch, nên nông dân khá yên tâm. Đây còn là nơi được Hội Nông dân tỉnh xây dựng điểm dừng chân, cửa hàng nông sản an toàn, cung cấp hơn 40 loại sản phẩm do người dân làm ra. Qua đó, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chủ lực của huyện nói chung, xã Mỹ An nói riêng đến với du khách trong và ngoài tỉnh.

Trồng bắp - nuôi bò đang là mô hình kinh tế chủ lực của nông dân xã Mỹ An

Địa phương còn quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, gắn với thị trường, đồng thời hỗ trợ nông dân nâng cao trình độ sản xuất; đẩy mạnh cơ giới hóa, thủy lợi hóa và điện khí hóa; xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nông thôn… góp phần tăng năng suất, sản lượng nông sản. Từ đây, xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, trong đó có mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao của anh Nguyễn Hữu Bửu Lộc.

Mô hình trồng dưa lưới của anh Lộc được xây dựng trên diện tích 3.000m2, gồm: 2 nhà màng, mỗi nhà 1.000m2 và 1 nhà ươm cây giống, chứa vật tư, thay giá thể… tổng chi phí đầu tư khoảng 1 tỷ đồng. Theo anh Lộc, mỗi nhà màng trồng khoảng 2.700 dây dưa lưới, sau 75 ngày thu hoạch khoảng 1 tấn trái. Sản phẩm được bán cho thương lái ở TP. Hồ Chí Minh với giá từ 30.000 đồng/kg, tùy theo trái. Sau khi trừ chi phí, anh Lộc thu lợi nhuận trên 30 triệu đồng.

Phát triển kinh tế tập thể

Bên cạnh việc vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Hội Nông dân xã Mỹ An còn tích cực kêu gọi, vận động nông dân tham gia các loại hình kinh tế hợp tác.

Theo Hội Nông dân xã Mỹ An, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 04-NQ/HNDTW về đẩy mạnh xây dựng Chi hội nông dân nghề nghiệp, Tổ hội nông dân nghề nghiệp, Hướng dẫn 205-HD/HNDTW về quy trình thành lập và tổ chức hoạt động của Chi hội nông dân nghề nghiệp, Tổ hội nông dân nghề nghiệp, nghị quyết của Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện, Ban Chấp hành Hội Nông dân xã Mỹ An đã tuyên truyền, vận động, tập hợp nông dân thành lập các chi, tổ hội. Quá trình vận động dựa trên việc rà soát, khảo sát và thu thập thông tin từ lực lượng nòng cốt của hội, nhất là lực lượng nông dân sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi.

Đến nay, đã thành lập được 1 Chi hội nông dân nghề nghiệp trồng xoài 3 màu với 20 thành viên, 3 Tổ hội nông dân nghề nghiệp với 35 thành viên. Việc thành lập các chi, tổ hội đúng theo hướng dẫn và từng bước đi vào nền nếp, tạo sự gắn kết giữa các hội viên khi thực hiện đúng tiêu chí “5 tự - 5 cùng”. Đồng thời, tạo sự thuận lợi trong hoạt động SXKD, dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, xã có 3 câu lạc bộ nông dân với 57 thành viên, 14 tổ hợp tác với 495 thành viên, trong đó có 8 tổ hợp tác vay vốn theo Nghị định 55/NĐ-CP của Chính phủ...

Xã còn thành lập Hội quán nông sản an toàn xã Mỹ An với 19 thành viên, bước đầu hội quán đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu về thông tin thị trường, tiếp cận khoa học - kỹ thuật, nguồn vốn vay ưu đãi của nhà nước… Quan trọng hơn, hội quán là nơi để Hội Nông dân xã nắm bắt tư tưởng, tâm trạng của nông dân để làm cơ sở phản biện cũng như đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc thực hiện các chính sách có liên quan trực tiếp đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp của nông dân…

Từ việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; hỗ trợ khoa học - kỹ thuật; nâng cấp cơ sở hạ tầng… thời gian qua, các phong trào thi đua do hội phát động được đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân tham gia, hưởng ứng. Nổi bật nhất là phong trào nông dân SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Số cá nhân nông dân giỏi tăng theo từng năm, thu nhập người dân không ngừng nâng cao.

Thời gian tới, Hội Nông dân xã Mỹ An tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua, đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII) về xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh…

ĐỨC TOÀN