Đại sứ Vũ Anh Quang (bên trái), Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại EU và Nghị sỹ EU Jan Zahradil, Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị EU-Việt Nam của Nghị viện châu Âu tại hội thảo. (Ảnh: Kim Chung/TTXVN)
Tham dự Hội thảo có Đại sứ Vũ Anh Quang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại EU; Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, Nghị sỹ EU Jan Zahradil, Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị EU-Việt Nam của Nghị viện châu Âu (EP) và Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của EP (INTA), cùng hơn 100 đại biểu đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu, Viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ và Ngoại giao đoàn đóng tại Brussels.
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Vũ Anh Quang hoan nghênh sự đóng góp và ủng hộ của INTA, Nhóm nghị sỹ hữu nghị EU-Việt Nam trong những năm qua đã tích cực thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam-EU.
Đại sứ đã phân tích và đánh giá tích cực kết quả hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư tốt đẹp giữa Việt Nam và EU thời gian qua; kêu gọi EU tăng cường hơn nữa hợp tác với Việt Nam và khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Đại sứ cho rằng EVFTA là văn kiện cân bằng, có lợi cho cả EU và Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng, tác động to lớn về kinh tế, thương mại, đầu tư cũng như ý nghĩa chính trị mà Hiệp định đem lại cho cả EU và Việt Nam, đặc biệt tạo thuận lợi cho các công ty EU kết nối, tiếp cận thị trường Việt Nam với trên 90 triệu người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy về chất quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện EU-Việt Nam.
Đại sứ nêu rõ, hiệp định sẽ tạo điều kiện để EU tăng cường vị trí và vai trò ở Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương thông qua cửa ngõ vào Việt Nam; khẳng định Việt Nam cam kết đảm bảo môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, minh bạch cũng như các quy định được nêu trong Hiệp định sau khi EVFTA được ký và phê chuẩn.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của Hiệp định EVFTA đối với cả hai phía Việt Nam và EU.
Nhiều ý kiến cho rằng EVFTA sẽ mang lại nhiều cơ hội thương mại và đầu tư cho các doanh nghiệp của cả hai bên thông qua việc thiết lập các cơ chế sáng tạo trong bảo vệ các nhà đầu tư.
Đặc biệt, hiệp định sẽ cung cấp các điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp vừa và nhỏ EU - động lực thúc đẩy sự sáng tạo và tăng trưởng - có thể đầu tư dễ dàng hơn vào thị trường Việt Nam nhờ các kinh nghiệm về giải pháp và công nghệ mũi nhọn, thông minh và thân thiện với môi trường.
Hơn nữa, đối với EU, hiệp định song phương này là hòn đá tảng cho một Hiệp định thương mại tự do với khu vực ASEAN trong tương lai.
Đại sứ Bruno Angelet chúc mừng Việt Nam về những thành tựu đạt được trong việc giảm nghèo và kinh tế trong những năm gần đây.
Ông nhấn mạnh những nội dung mà Việt Nam cần giải quyết để tận dụng tối đa những thuận lợi do FTA mang lại và gợi ý rằng Việt Nam cần quyết tâm cao hơn trong vấn đề đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ.
Quang cảnh buổi hội thảo. (Ảnh: Kim Chung/TTXVN)
Trưởng phái đoàn EU cho rằng để xuất khẩu nông sản, Việt Nam cần tuân thủ các tiêu chuẩn thực phẩm cao của châu Âu và Hiệp định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS).
Ông Pierre Groning, Giám đốc phụ trách chính sách thương mại của Hiệp hội Thương mại quốc tế, đánh giá Việt Nam đang đi đúng hướng cam kết với các tiêu chuẩn về lao động và phát triển bền vững trong thương mại và phát triển.
Nêu bật khía cạnh địa chính trị quan trọng của EVFTA, ông Groning khẳng định với việc xu hướng chủ nghĩa bảo hộ đang quay lại một cách đáng lo ngại và ngày càng mở rộng trên toàn cầu, việc tạo ra một mạng lưới cam kết thương mại tự do và công bằng cùng một hệ thống quốc tế mở, dựa trên các quy tắc cơ bản, FTA với Việt nam chắc chắn sẽ mang lại lợi ích to lớn cho EU.
Cuối cùng, Nghị sỹ Jan Zahradil bày tỏ tin tưởng Hiệp định được phê chuẩn ngay trong nhiệm kỳ hiện tại của Nghị viện châu Âu.
Đầu tuần tới, Bộ trưởng Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh sẽ đến Brussels để thương lượng giải quyết các khía cạnh kỹ thuật còn tồn tại, làm cơ sở để Hội đồng châu Âu thông qua việc ký Hiệp định và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn.
Nghị sỹ cũng cho biết Nghị viện khóa này sẽ họp đến giữa tháng 4-2019, vì vậy các bên sẽ có thời gian khoảng 10 tháng để hoàn tất việc ký và phê chuẩn hiệp định.
Theo TTXVN/VIETNAM+