Qua đánh giá chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương, sẽ xác định được những thực tiễn tốt, điển hình để nhân rộng (Ảnh minh họa)
Kết quả đánh giá chuyển đổi số hằng năm chỉ ra những điểm mạnh cần phát huy, những điểm yếu cần khắc phục và cung cấp thông tin hỗ trợ cho bộ, tỉnh và các cơ quan chức năng áp dụng giải pháp phù hợp để hoàn thành các mục tiêu.
Năm nay là lần thứ 2 Bộ TT&TT tổ chức xác định và công bố kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương. So với lần đánh giá đầu tiên, bộ tiêu chí đánh giá đã được cập nhật, bám sát hơn với chương trình chuyển đổi số quốc gia và các chiến lược phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Theo đó, DTI cấp bộ chia thành 2 nhóm DTI cấp bộ cung cấp dịch vụ công và DTI cấp bộ không cung cấp dịch vụ công, bao gồm 6 chỉ số chính với 70 chỉ số thành phần. DTI cấp tỉnh gồm 9 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần. 9 chỉ số chính được phân thành nhóm chỉ số nền tảng chung và nhóm chỉ số về hoạt động.
Trong lần đầu tiên Bộ TT&TT công bố kết quả đánh giá chuyển đổi số của các bộ, tỉnh, chỉ số DTI năm 2020 trung bình của cấp tỉnh là 0,3026; của các bộ cung cấp dịch vụ công trung bình là 0,3982 và của các bộ không cung cấp dịch vụ công trung bình là 0,2342.
Kết quả đánh giá chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương trong năm 2020 cũng cho thấy, ở nhóm 18 bộ, ngành cung cấp dịch vụ công, 3 cơ quan dẫn đầu là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ KH&ĐT. Với 7 bộ, ngành không có dịch vụ công, 3 vị trí đầu lần lượt thuộc về Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam.
Còn ở cấp tỉnh, thành phố, top 5 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số trong năm 2020 lần lượt là Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TP.HCM.
Theo VÂN ANH (ICT NEWS)