Hồn xuân qua bánh dân gian

13/01/2023 - 04:04

 - Những gian hàng bày bán đủ loại bánh dân gian, những góc trưng bày phảng phất chút hoài niệm của Tết xưa, những nụ cười vui vẻ, ấm cúng… tất cả đã tạo nên dấu ấn đặc biệt về Ngày hội bánh dân gian thị trấn Cái Dầu (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang).

Thế giới của bánh dân gian

Trong không gian thoáng đãng, 42 gian hàng của các hội, đoàn thể và xã, thị trấn tham gia Ngày hội bánh dân gian thị trấn Cái Dầu lần thứ 1/2023, bày bán đủ loại bánh dân gian đã gắn bó với tuổi thơ của nhiều người. Những cái bánh tiêu, bánh xèo, bánh bông lan, bánh rây… được trực tiếp chế biến tại gian hàng trở nên vô cùng hấp dẫn trong mắt du khách. Đặc biệt, bánh khoai mì nướng, bánh da lợn, xôi vị, bánh chuối… của làng xưa Mỹ Phó góp mặt trong ngày hội, giúp cho du khách có những trải nghiệm về hương vị đã lớn lên cùng bao thế hệ người dân Mỹ Đức.

Chị Phan Thị Hạnh Lan (Hội Nông dân huyện Châu Phú) thông tin: “Những loại bánh này thường xuất hiện trong đời sống của người dân Mỹ Đức từ xưa đến nay. Thông thường, các bà, các mẹ hay tổ chức làm bánh trong mỗi dịp Tết đến, hoặc các lễ giỗ trong gia đình để cúng tổ tiên, rồi cho con cháu thưởng thức. Hiện nay, một số gia đình ở ấp Mỹ Phó vẫn nhận đặt hàng để làm bánh nhưng số lượng hạn chế, bởi các mẹ, các chị không có nhiều thời gian như trước. Trong các loại bánh kể trên, có bánh khoai mì nướng được xem là đặc sản của làng xưa Mỹ Phó, bởi hương vị thơm ngon không lẫn với bất cứ nơi nào”.

Đông đảo người dân đến trải nghiệm Ngày hội bánh dân gian thị trấn Cái Dầu năm 2023

Đi qua các gian hàng, mới thấy thế giới của bánh dân gian rất phong phú. Có những bạn trẻ vô cùng hào hứng khi được khám phá, tìm hiểu và thưởng thức hương vị bánh dân gian. Có lẽ, bánh dân gian phần nhiều chỉ phổ biến với tuổi thơ thế hệ “8X”, “9X” trở về trước, bởi thế giới quà vặt cách đây vài chục năm không phong phú như bây giờ. Hơn nữa, bánh dân gian cứ như tên gọi, hương vị rất gần gũi và trở thành một phần không thể thiếu của quê hương. Với những bạn trẻ sinh sau năm 2000, bánh dân gian thực sự là một trải nghiệm đặc biệt.

Bạn Nguyễn Lê Ngọc Châu (thị trấn Cái Dầu) hào hứng: “Em có ăn bánh xèo, bánh bò và cũng không nghĩ là bánh dân gian phong phú như vậy. Đến với Ngày hội bánh dân gian, em biết thêm một số loại bánh của người Chăm. Em nghĩ, các loại bánh dân gian khá ngon, mang đến hương vị đặc biệt”.

Với tiêu chí đa dạng, chất lượng, hầu hết các gian hàng đều cố gắng mang đến ngày hội những loại bánh đặc sản của địa phương, với cách bày trí hấp dẫn, giúp cho du khách vừa “no mắt”, vừa no bụng. Một số bạn trẻ sẵn sàng chụp ảnh với các gian hàng bánh dân gian, như một cách giới thiệu, quảng bá những đặc sản của quê mình thông qua mạng xã hội.

Giá trị truyền thống

Có thể, các thứ quà vặt, các loại bánh thời hiện đại đã ít nhiều lấn át bánh dân gian. Tuy nhiên, bánh dân gian không chỉ đơn giản là món ăn, đó còn là dấu ấn, giá trị truyền thống. Do đó, những sự kiện như Ngày hội bánh dân gian thị trấn Cái Dầu đã giúp quảng bá, thu hút người dân, du khách đến trải nghiệm văn hóa ẩm thực địa phương. Đồng thời, cũng góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các loại bánh dân gian của người dân miền Tây nói chung, người dân Châu Phú nói riêng.

“Tôi tham gia ngày hội nhằm quảng bá các món bánh dân gian nổi tiếng của làng xưa Mỹ Phó đến với mọi người. Tôi nghĩ, bánh dân gian vẫn có chỗ đứng riêng trong thói quen ẩm thực của người dân, nhất là những ai đã sinh ra, lớn lên tại quê hương này. Hiện nay, vẫn có những gia đình bỏ thời gian ra làm bánh dân gian trong các dịp Tết hay sự kiện quan trọng trong gia đình. Nếu không có điều kiện, họ cũng đặt làm bánh tại những hộ có thâm niên trong nghề. Vì vậy, những sự kiện như Ngày hội bánh dân gian năm nay sẽ giúp người dân, nhất là các bạn trẻ, trở về với hương vị ẩm thực truyền thống” - chị Phan Thị Hạnh Lan chia sẻ.

 Đến với ngày hội cùng gian hàng đầy ắp bánh đúc lá dứa, bánh tét lá cẩm, rau câu lá dứa, chị Nguyễn Diễm Thúy (xã Thạnh Mỹ Tây) luôn nở nụ cười vui vẻ khi được mọi người ủng hộ. Chị cho biết, mỗi dịp Tết, gia đình chị cũng mang bánh dân gian cúng tổ tiên như một sự tri ân với người đi trước. Bên cạnh, nhiều người vẫn đặt hàng chị gói bánh tét lá cẩm để đón Xuân. Hương vị, màu sắc của từng đòn bánh thể hiện sự khéo léo, tâm huyết và mong muốn của chị gửi đến mọi người, đó là đừng quay lưng với bánh dân gian.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Cái Dầu Lê Hùng Minh cho biết: “Ngày hội bánh dân gian thị trấn Cái Dầu nhằm chào đón năm mới thật ý nghĩa và hướng mọi người về với bản sắc văn hóa địa phương. Đây là hoạt động chào mừng thị trấn Cái Dầu được công nhận đô thị loại IV, tiếp tục phát huy thế mạnh là trung tâm kinh tế - xã hội của huyện Châu Phú. Thông qua sự kiện này, địa phương khuyến khích sự sáng tạo của nghệ nhân làm bánh dân gian, tạo điều cho các cơ sở kinh doanh ẩm thực giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường trong thời gian tới”.

THANH TIẾN