Hợp tác quốc tế phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm

11/09/2024 - 07:49

 - Những năm qua, Việt Nam và Campuchia đã chủ động phối hợp và tích cực triển khai nhiều hoạt động hợp tác biên giới trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên cơ sở các hiệp định, thỏa thuận hợp tác giữa 2 Chính phủ và giữa các tỉnh biên giới 2 nước. Từ đó, đạt nhiều kết quả nhất định, góp phần bảo đảm an ninh y tế cho người dân di cư và cư dân sinh sống tại biên giới.

Các tổ chức quốc tế, chuyên gia và cán bộ cấp cao Bộ Y tế Việt Nam, Campuchia trao đổi về xu hướng dịch tễ học bệnh truyền nhiễm mới

Theo TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Việt Nam, Hiệp định kiểm dịch y tế biên giới ký kết giữa Việt Nam và Campuchia năm 2006 và nhiều thỏa thuận hợp tác song phương về chia sẻ thông tin, phối hợp hợp tác trong giám sát, phát hiện và đáp ứng dịch bệnh truyền nhiễm lan truyền qua biên giới giữa các tỉnh biên giới 2 nước thời gian qua đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa 2 nước trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm: Ebola, Mer Covi, COVID-19, sởi, sốt xuất huyết; các bệnh lây truyền từ động vật sang người: Cúm A (H5N1), cúm lợn, dại.

Tuy nhiên, sau gần 20 năm thực hiện Hiệp định kiểm dịch y tế giữa 2 nước, thực tế triển khai các hoạt động đáp ứng với các dịch bệnh mới nổi thời gian qua, đã có nhiều điều chỉnh trong công tác phòng, chống dịch. Do đó, cần rà soát, nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm giữa 2 quốc gia thời gian tới.

 Với ý nghĩa đó, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), với sự hỗ trợ của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), Cơ quan Di cư của Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc (FAO) tại Việt Nam vừa tổ chức hội thảo “Chia sẻ thông tin và xây dựng kế hoạch hợp tác trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm lan truyền qua biên giới các tỉnh biên giới 2 nước Việt Nam và Campuchia”.

Các tổ chức quốc tế, hơn 50 chuyên gia và cán bộ cấp cao từ Bộ Y tế Việt Nam, Bộ Y tế Campuchia, cùng 8 tỉnh biên giới của 2 nước đã tham gia trao đổi về xu hướng dịch tễ học của các bệnh truyền nhiễm mới. Đồng thời, tăng cường hợp tác xuyên biên giới, nhằm đảm bảo an ninh y tế công cộng ở cấp quốc gia và khu vực.

Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Lương Tâm nhấn mạnh: “Ngành y tế Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phối hợp liên ngành (đặc biệt giữa 2 ngành y tế và thú y), cũng như chia sẻ thông tin và phối hợp, hợp tác trong chuẩn bị sẵn sàng và đáp ứng với dịch bệnh truyền nhiễm và các tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng tại các cửa khẩu biên giới giữa 2 nước phù hợp các điều ước quốc tế (Điều lệ Y tế quốc tế 2005), Hiệp định kiểm dịch y tế biên giới và các quy định pháp luật riêng của mỗi nước.

Việt Nam cũng xác định rõ sự cần thiết tiếp tục tăng cường phối hợp liên ngành tại cửa khẩu và hợp tác quốc tế chia sẻ thông tin dịch bệnh; phòng, chống và điều tra, giám sát, đánh giá nguy cơ giữa các tỉnh chung biên giới Việt Nam và Campuchia, góp phần bảo đảm an toàn sức khỏe cho cư dân biên giới và an ninh y tế khu vực biên giới giữa hai quốc gia”.

TS Aiko Kaji, Giám đốc Chương trình Y tế cho người di cư của Tổ chức IOM Việt Nam chia sẻ, lần đầu tiên, các chuyên gia y tế về sức khỏe từ Việt Nam và Campuchia cùng tham gia hội thảo song phương để thảo luận về công tác chuẩn bị và ứng phó với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

Tháng 8 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) đang lan rộng tại một số quốc gia Châu Phi, là “tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu”. Trong khi đó, Việt Nam đã trải qua các đợt bùng phát cúm A (H5N1) tại 6 tỉnh trong quý đầu tiên của năm 2024. Vào tháng 3/2024, Việt Nam xác nhận ca tử vong đầu tiên ở người do cúm gia cầm H5N1 sau 10 năm, tiếp theo là ca nhiễm cúm gia cầm đầu tiên ở người do H9N2 vào tháng 4/2024. Các chủng bệnh mới, như: Cúm gia cầm H5N1 và đậu mùa khỉ, đã chỉ ra rằng an ninh y tế toàn cầu đòi hỏi cần có thêm nhiều nỗ lực hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia.

TS Aiko Kaji khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam và Campuchia nên áp dụng mô hình “Một sức khỏe” để triển khai các biện pháp can thiệp y tế công cộng đa ngành và phù hợp đặc thù của việc di cư. “Một sức khỏe” là cách tiếp cận hợp tác, đa ngành và liên ngành, nhằm tối ưu hóa sức khỏe của con người, động vật và môi trường; góp phần phát triển hiệu quả các giải pháp để giải quyết các vấn đề sức khỏe giữa con người, động vật và môi trường, bao gồm cả các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người.

TS Chea Moneth, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế Campuchia cho rằng, hội thảo có ý nghĩa quan trọng đối với việc lập kế hoạch 5 năm đã chuẩn bị (Kế hoạch hành động chung, JAP) giữa Campuchia và Việt Nam về hợp tác kiểm dịch y tế biên giới, để phòng ngừa và kiểm soát ứng phó với dịch bệnh dọc biên giới.

BS.CKII Dương Anh Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang cho biết, tỉnh đang triển khai dự án “Kiểm soát bệnh lao khu vực biên giới tỉnh An Giang (Việt Nam), tỉnh Takeo (Campuchia)” giai đoạn 2. Tỉnh tích cực phát hiện bệnh lao tại cơ sở y tế qua chiến lược 2X (X-quang - Xpert); phát hiện chủ động tại cộng đồng bằng chiến lược 1X (Xpert); khám sàng lọc lao bằng chiến dịch cộng đồng; bệnh nhân lao được điều trị thuốc nguồn bảo hiểm y tế.

HẠNH CHÂU