Nói về tác dụng của hệ thống phòng họp trực tuyến đối với hoạt động hành chính địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Trần Bá Phước cho biết: “Thời gian qua, hoạt động chỉ đạo, điều hành từ UBND huyện đến các xã, thị trấn được đảm bảo, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND các xã, thị trấn còn gặp nhiều trở ngại do thời gian đi lại khá xa (có xã cách trung tâm huyện trên 20km) nên công việc tại cơ sở đôi lúc còn ùn tắc. Do đó, chúng tôi nỗ lực triển khai hệ thống phòng họp trực tuyến giữa huyện và xã, thị trấn nhằm hạn chế tối đa việc tổ chức họp tập trung, tiết kiệm chi phí, giảm thời gian đi lại cho các đại biểu”.
Việc triển khai hệ thống họp trực tuyến là bước đi phù hợp, khai thác hiệu quả hạ tầng công nghệ thông tin, đặc biệt có thể lưu lại diễn biến, hình ảnh, nội dung các cuộc họp khi cần thiết. Hệ thống phòng họp trực tuyến lắp đặt tại Huyện ủy, UBND huyện và UBND các xã, thị trấn. Hệ thống này sẽ được sử dụng để tổ chức các cuộc họp đối với cấp tỉnh, cấp huyện và mở rộng cho cả khối Đảng, UBMTTQVN, đoàn thể khi cần thiết…
Nhằm hỗ trợ các xã, thị trấn nhanh chóng làm quen với mô hình họp trực tuyến, UBND huyện đã phối hợp Viễn thông An Giang mở lớp tập huấn cho cán bộ địa phương để hướng dẫn những kiến thức cơ bản trong vận hành hệ thống. “Với điều kiện của huyện biên giới và địa bàn rộng như Tịnh Biên, việc triển khai hệ thống thực sự cần thiết. Qua triển khai và kiểm tra chất lượng đường truyền đã cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu về âm thanh, hình ảnh cho các cuộc họp trực tuyến” - ông Trần Bá Phước cho hay.
Lắp đặt các thiết bị cho hệ thống họp trực tuyến
Điểm đặc biệt của hệ thống hội nghị trực tuyến tại huyện Tịnh Biên là áp dụng công nghệ mới. Chỉ cần máy tính có kết nối Internet là các đại biểu có thể theo dõi hội nghị trực tuyến trên cơ sở bảo mật cao. Ngoài việc phục vụ cho hội nghị trực tuyến, hệ thống này có thể áp dụng cho việc tập huấn cán bộ địa phương và ban, ngành huyện bằng cách chia sẻ file trình chiếu hoặc hướng dẫn trực tiếp trên máy tại điểm cầu trung tâm cho các nơi khác theo dõi.
Với việc triển khai hệ thống phòng họp trực tuyến, Tịnh Biên là huyện đầu tiên trong tỉnh “phát pháo” mô hình này. Trước khi thực hiện mô hình, UBND huyện đã nghiên cứu kỹ những tác dụng của việc hội họp trực tuyến như làm việc với các đơn vị tư vấn. “Về lâu dài, các hội nghị trực tuyến có thể sẽ trở thành xu thế chung bởi giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho cán bộ cơ sở. Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thống nhất và xuyên suốt từ UBND huyện đến xã, thị trấn nhanh chóng, chính xác, kịp thời, hiệu quả. Khi hệ thống đi vào sử dụng sẽ tạo điều kiện cho địa phương hiện đại hóa một phần các hoạt động hành chính của mình” - ông Trần Bá Phước khẳng định.
Hệ thống phòng họp trực tuyến tại Tịnh Biên có kinh phí đầu tư trên 500 triệu đồng từ ngân sách huyện với 16 điểm cầu đặt tại Huyện ủy, UBND huyện và 14 xã, thị trấn. Hiện tại, địa phương đã hoàn tất việc lắp đặt hệ thống, tập huấn đội ngũ vận hành và triển khai vào đầu năm 2018. |
THANH TIẾN