Hướng dẫn dạy học và kiểm tra cuối kỳ II

09/04/2024 - 06:43

 -  Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2023 - 2024 về tổ chức dạy học và kiểm tra cuối kỳ II (năm học 2023 - 2024) đối với các trường trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT), trường THCS và THPT, các cơ sở giáo dục thường xuyên.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Tuấn Khanh yêu cầu nhà trường tiếp tục phát huy nền nếp, kỷ cương, chất lượng và hiệu quả hoạt động dạy học; kế hoạch ôn tập thi tốt nghiệp THPT phù hợp điều kiện thực tế của đơn vị; kết hợp giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến để tăng cường khả năng tự học, giao nhiệm vụ học tập có sự hướng dẫn, tư vấn kiểm tra chặt chẽ của giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, của nhà trường và phụ huynh học sinh.

Đối với lớp 9 và 12, chủ động hoàn thành chương trình môn học và kiểm tra cuối kỳ II chậm nhất đến ngày 29/4. Các khối còn lại đảm bảo hoàn thành chương trình các môn học và tổ chức kiểm tra cuối kỳ II từ ngày 9/5 đến 18/5; chủ động dạy bù nếu chưa hoàn thành chương trình sau khi kiểm tra cuối kỳ II.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu trong giờ ôn tập

Về yêu cầu đề kiểm tra, căn cứ vào chuẩn kiến thức kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên hiện hành (đối với lớp 9, 12) và yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (đối với lớp 6, 7, 8, 10, 11), các văn bản về kiểm tra, đánh giá của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT đã ban hành.

Theo đó, các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá; tuân thủ việc xây dựng ma trận, bản đặc tả đề kiểm tra cuối kỳ, đảm bảo kết hợp một cách hợp lý giữa hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan gồm các câu hỏi, bài tập theo 4 mức độ yêu cầu: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao; đảm bảo khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của học sinh.

Đối với đề kiểm tra cuối kỳ lớp 9 và 12, nhà trường tổ chức ra đề theo hướng tiếp cận với đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của Sở GD&ĐT và đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT, tập trung chủ yếu là kiến thức của học kỳ II. Với lớp 9, môn Toán và Ngữ văn kiểm tra theo hình thức tự luận; môn tiếng Anh kết hợp giữa trắc nghiệm khách quan và tự luận. Lớp 12, môn Ngữ văn kiểm tra theo hình thức tự luận; các môn còn lại kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Đối với lớp 10 và 11, khuyến khích các cơ sở giáo dục xây dựng đề kiểm tra theo cấu trúc định dạng đề thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 (theo Quyết định 764/QĐ-BGDĐT, ngày 8/3/2024 của Bộ GD&ĐT). Thực hiện nghiêm túc, minh bạch việc kiểm tra đánh giá, tuyệt đối không lợi dụng việc kiểm tra đánh giá để tạo sức ép cho học sinh; nhất là việc tổ chức tăng tiết không phù hợp và thu tiền trái quy định; tăng cường các biện pháp quản lý tốt dạy thêm, học thêm.

Sở GD&ĐT yêu cầu, sau khi hoàn thành việc kiểm tra, đánh giá cuối kỳ II đối với học sinh lớp 9 và 12, các trường tiến hành phân tích kết quả, phân hóa đối tượng học sinh để xây dựng kế hoạch ôn tập, kế hoạch phụ đạo học sinh yếu, kém cụ thể, phù hợp từng đối tượng nhằm giúp học sinh đủ kiến thức, tự tin bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT đạt được chất lượng hiệu quả. Việc tổ chức ôn tập, giao cho thủ trưởng các đơn vị tự chủ xây dựng kế hoạch, tuy nhiên trên cơ sở đề xuất của tổ chuyên môn để cân đối số tiết phù hợp đối với từng môn học. Kinh phí tổ chức ôn tập, nhà trường cân đối từ nguồn ngân sách được giao hàng năm cho đơn vị hoặc thực hiện từ nguồn xã hội hóa nhưng đảm bảo trên tinh thần thỏa thuận và tự nguyện của phụ huynh học sinh và học sinh.

Sau tổng kết năm học, các trường vận động phụ huynh khuyến khích học sinh tham gia ôn tập thi tốt nghiệp THPT tại trường; có biện pháp phụ đạo cho học sinh có nguy cơ thi trượt tốt nghiệp. Kế hoạch ôn tập phải nêu rõ các tiêu chí phân hóa, dự kiến số lớp, số học sinh và thực hiện phân công giảng dạy cụ thể.

HỮU NGUYÊN