Hướng đến mục tiêu sớm bao phủ vaccine phòng COVID-19

28/11/2021 - 09:14

Với mục tiêu kiểm soát tốt dịch COVID-19, khôi phục, phát triển kinh tế, các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, phấn đấu mục tiêu sớm tiêm bao phủ vaccine, kiểm soát số bệnh nhân nặng, giảm số ca tử vong, từng bước đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới đã được triển khai.


Học sinh lớp 9 trường THCS Thanh Quan, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) được tiêm vaccine phòng COVID-19, chiều 27-11. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Nỗ lực trong sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 trong nước

Tại cuộc họp với các bộ, ngành, đơn vị nhằm rà soát lại tình hình; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 trong nước ngày 27-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng để thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 thì một trong những yếu tố quan trọng là phải thực hiện phòng, chống dịch theo đúng công thức “5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các giải pháp khác”. Trong đó vaccine, thuốc điều trị có ý nghĩa quan trọng trong phòng, chống dịch.

Thủ tướng nhấn mạnh, quan điểm của Đảng, Nhà nước là sản xuất bằng được vaccine, thuốc điều trị COVID-19 ở trong nước để chủ động phòng chống dịch bệnh, tiết kiệm ngân sách Nhà nước, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, trí tuệ, của con người Việt Nam, nhất là truyền thống sáng tạo của ngành dược, ngành y tế trong sản xuất vaccine, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân... Các bộ, ngành, đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cả về mặt nghiên cứu, hành chính, pháp lý... phấn đấu sản xuất bằng được vaccine, thuốc điều trị COVID-19 ở trong nước, đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả, kịp thời, công khai, minh bạch, trên cơ sở luật pháp, điều kiện thực tế của Việt Nam; chống mọi sách nhiễu, tiêu cực, chạy đua thiếu lành mạnh, lợi ích nhóm; phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát thể chế, trên tinh thần là vấn đề gì liên quan bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó chịu trách nhiệm tháo gỡ; những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét. Đối với việc phân bổ, tổ chức tiêm vaccine phải do Bộ Y tế thống nhất chỉ đạo, phân bổ, hướng dẫn; các địa phương không tự ý thực hiện.

Tại Thông báo số 318/TB-VPCP ngày 27-11-2021 truyền đạt kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế tổng kết, đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19 đợt dịch thứ 4 và tiếp tục hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19, báo cáo Chính phủ và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 30-11-2021. Đồng thời, Bộ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; có kế hoạch tiêm mũi 3 đối với các trường hợp đã tiêm 2 mũi đủ thời gian.

Bộ Y tế khẩn trương mở rộng điều trị thuốc kháng virus; phân bổ thuốc điều trị đến các địa phương, bảo đảm đủ thuốc điều trị (tự nguyện) cho tất cả người bị nhiễm; rút gọn tối đa các thủ tục hành chính trong phê duyệt, cấp phép nghiên cứu, sản xuất thuốc điều trị, vaccine phòng COVID-19, đồng thời bảo đảm tính khoa học, an toàn, hiệu quả; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.

Nâng cao chất lượng điều trị, giảm tỷ lệ tử vong

Bộ Y tế vừa có Quyết định thành lập đoàn kiểm tra, giám sát công tác điều trị, hồi sức tích cực, đánh giá nguyên nhân tử vong và công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Quyết định do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ký ban hành, giao Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê làm Trưởng đoàn.

Phó Trưởng đoàn là Thạc sỹ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế; Tiến sỹ Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế.

Theo Quyết định, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh chỉ đạo, chủ động trưng tập chuyên gia của các bệnh viện tham gia đoàn, phân công nhiệm vụ cho các thành viên và xếp lịch đi kiểm tra Thành phố Hồ Chí Minh, một số tỉnh phía nam và các tỉnh có số tử vong cao do COVID-19.

Ngày 25-11, tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác điều trị COVID-19 với sự tham dự của sở Y tế các tỉnh, thành phố, Y tế các bộ, ngành, cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, từ ngày 27-4 làn sóng thứ 4 bắt đầu bùng phát, sau đó lan rộng các địa phương. Đến ngày 30-9, Việt Nam về cơ bản kiểm soát được tình hình dịch của đợt dịch thứ 4. Bộ Y tế đã có nhiều thay đổi trong phác đồ điều trị. Đến nay đã xây dựng phiên bản thứ 7 về hướng dẫn điều trị COVID-19 với rất nhiều cập nhật, bổ sung cho phù hợp; đồng thời Bộ cũng đưa nhiều thuốc mới vào điều trị.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng về cơ bản, trong cuộc chiến chống dịch lần thứ 4, ba điểm quan trọng được đưa ra gồm: Xây dựng gói thuốc A- gồm những thuốc thông thường như hạ nhiệt, ho, thuốc bồi bổ sức khỏe; đưa thuốc kháng viêm-kháng đông vào sử dụng sớm theo hướng dẫn của bác sĩ trực tuyến, trực tiếp; áp dụng thuốc kháng virus Molnupiravir trong chương trình thí điểm quản lý, chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà và cộng đồng.

Đối với thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19, thời gian qua, thuốc kháng virus Molnupiravir đã được Bộ Y tế phân bổ đến các địa phương thực hiện thí điểm có kiểm soát chương trình thí điểm quản lý, chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà và cộng đồng với gần 250.000 liều được sử dụng. Kết quả đánh giá sơ bộ sử dụng thuốc này bước đầu hết sức khả quan, tỷ lệ âm tính sau khi sử dụng Molnupiravir sau 5 ngày là từ 72 đến 93%, tỷ lệ khác biệt có ý nghĩa so với nhóm chứng. Ngoài ra, thuốc đã giúp đã giảm tỷ lệ tử vong 50% so với nhóm không sử dụng. Đây là kết quả hứa hẹn với những bệnh nhân nhiễm ngay từ đầu. Các thuốc tốt, hứa hẹn trong điều trị bệnh nhân nặng cũng được sử dụng như các thuốc kháng thể đơn dòng, đã đem lại thành công. Bộ Y tế cũng chuẩn bị một số phương án về thuốc khác để phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19, như thuốc Favipiravir, thuốc Avigan…. Hiện, Bộ Y tế đã có kế hoạch phân bổ cho các địa phương. Ngoài ra, Bộ Y tế đã phân bổ cho một số tỉnh, thành phố 2.000 liều thuốc kháng thể kép vào điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Các cơ sở y tế sẽ đưa vào sử dụng sớm nhất cho người bệnh nhằm nâng cao chất lượng điều trị, giảm tỷ lệ tử vong.

Khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP, Bộ Y tế đã ban hành quyết định 4800, Việt Nam trở về tình trạng thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chia sẻ: Hiện nay xu hướng là không coi trọng con số mắc trên 100.000 dân/tuần, khuyến khích người dân tự phát hiện nếu mắc thì báo cơ quan y tế để được quản lý, khi có triệu chứng thì vào viện, thay vào đó là tập trung đánh giá tỷ lệ bệnh nhân nặng, nhập viện, tử vong nhiều hơn với các địa phương - thay đổi tiêu chí đánh giá dịch bệnh tại địa phương. Các địa phương khi đánh giá cấp độ dịch theo cấp tỉnh, huyện, xã… càng chia nhỏ đánh giá theo 4 cấp độ càng nhỏ càng tốt, một khu phố, một cụm dân cư, có biện pháp ngăn chăn kiểm soát nhỏ, gọn nhưng hiệu quả. Đảm bảo y tế đến được với mọi người dân khi nhiễm tại nhà, tại cộng đồng. Để làm được điều này cần nhiều nỗ lực trong cung ứng thuốc, đặc biệt là gói C - Thứ trưởng lưu ý.

Rà soát hệ thống sản xuất, cung ứng oxy, thu dung, điều trị


Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Yên Phong (Bắc Ninh). Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Tại hội nghị Phổ biến kết quả khảo sát thực trạng oxy y tế và trang thiết bị chăm sóc hô hấp và điều trị bệnh nhân COVID-19, Bộ Y tế đã yêu cầu các tỉnh, thành phố cần hoàn thiện ngay tổ công tác, rà soát ngay hệ thống sản xuất, cung ứng oxy trên địa bàn, lên kịch bản ứng phó phù hợp với diễn biến dịch tại địa phương gồm thuốc men, trang thiết bị và oxy. Yêu cầu là cần đảm bảo chủ động trong mọi tình huống để không thiếu trang thiết bị, thuốc, oxy, làm việc với các nhà cung ứng, sản xuất, làm việc với tỉnh lân cận để điều phối theo vùng...

Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng trên 60% các ca mắc COVID-19 diễn biến nặng đã phải sử dụng liệu pháp oxy để hỗ trợ hô hấp trong quá trình điều trị. Nhận định dịch bệnh còn có thể kéo dài với diễn biến có thể phức tạp, khó lường do các biến chủng mới của SARS-CoV-2, để chủ động chuẩn bị sẵn sàng oxy và các trang thiết bị y tế liên quan, Bộ Y tế đã thành lập Tổ công tác điều phối oxy y tế và Tổ công tác điều phối máy thở điều trị người bệnh COVID-19 để điều phối máy thở, máy thở oxy dòng cao và cung ứng oxy y tế để phục vụ công tác cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19. Tổ công tác đã rà soát, đưa ra các chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị để chuẩn bị sẵn sàng ô xy và các trang thiết bị liên quan để không bị động trong mọi tình huống, kể cả trong trường hợp dịch bệnh có thể kéo dài với nhiều ca diễn biến nặng dẫn đến nhu cầu oxy tăng cao.

Bộ Y tế cũng chủ động làm việc với các nhà cung cấp oxy, thiết bị thở để chuẩn bị nhu cầu cần thiết theo các cấp độ dịch có thể xảy ra trong thời gian tới; phối hợp với Tổ chức PATH tại Việt Nam tiến hành khảo sát thực trạng oxy y tế và trang thiết bị chăm sóc hô hấp, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện trên toàn quốc.

Hiện, các cơ sở sản xuất, cung ứng oxy trên cả nước tạm thời cung ứng đủ oxy y tế. Bộ Y tế lưu ý nếu dịch bùng phát mạnh sẽ thiếu oxy, vì thế các địa phương cần có các kế hoạch ứng phó cần thiết, đặc biệt chuẩn bị trước khả năng để chuyển từ sản xuất oxy công nghiệp sang oxy y tế.

Ngày 25-11, Bộ Y tế đã quyết định thành lập Đoàn kiểm tra việc triển khai công tác bảo đảm khả năng thu dung, điều trị, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo nội dung Công điện số 1695/CĐ-BYT của Bộ Y tế. Theo đó, có 3 đoàn kiểm tra của Bộ Y tế do lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm trưởng đoàn, sẽ tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm khả năng thu dung, điều trị, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và xét nghiệm SARS-CoV-2, tránh tình trạng lạm thu sau khi hết dịch tại các địa phương được Bộ trưởng Bộ Y tế phân công.

Trước đó, Bộ Y tế đã có Công điện số 1695/CĐ-BYT gửi UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo Sở Y tế rà soát, xây dựng kế hoạch củng cố hệ thống khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm đáp ứng công tác khám, chữa bệnh thường quy và điều trị COVID-19.

Theo đó, các địa phương phải xây dựng kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị người mắc COVID-19 và kế hoạch bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc tỉnh, thành phố (bao gồm cả y tế tư nhân) sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4, đồng thời bảo đảm trang bị đủ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực tương ứng với số giường ICU tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phưong đầu tư nguồn lực để bảo đảm triển khai hiệu quả kế hoạch củng cố hệ thống khám bệnh, chữa bệnh (đặc biệt là các khoa hồi sức tích cực) đáp ứng công tác khám, chữa bệnh thường quy và thu dung, điều trị COVID-19, giảm tỷ lệ vong do bệnh tật và COVID-19.

Tăng nhanh diện bao phủ tiêm chủng vaccine

Tính đến chiều 27-11, cập nhật thông tin trên Cổng tiêm chủng COVID-19, cả nước đã tiêm được 116.430.866 liều vaccine phòng COVID-19. 113.525.052 liều đã tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 66.493.063 liều mũi 1; 47.031.989 liều mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 92,2%; tiêm đủ 2 liều vaccine là 65,2% dân số từ 18 tuổi trở lên. Các địa phương, đơn vị đang nỗ lực triển khai tiêm chủng để nhanh chóng đạt được độ bao phủ mũi 1 và trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.

Theo khu vực, tỷ lệ này lần lượt ở miền Bắc là 86,1% và 58,0%; miền Trung là 90,0% và 51,3%; Tây Nguyên là 88,5% và 38,7%; miền Nam là 97,8% và 78,5%.

52/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine cho trên 80% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 23 tỉnh, thành phố đạt trên 95% là: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Hậu Giang.

11/63 tỉnh, thành phố còn lại có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine dưới 80% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó 5 tỉnh có tỷ lệ bao phủ thấp nhất là: Sơn La (65,8%), Thanh Hóa (66,2%), Nghệ An (66,4%), Yên Bái (73,2%), Hà Giang (75,9%). Bộ Y tế đã phân bổ vaccine cho các địa phương này để tăng nhanh diện bao phủ tiêm chủng.

Hiện đã có 42/63 tỉnh, thành phố bao phủ đủ 2 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%; trong đó có 24 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ trên 70%. Các tỉnh có tỷ lệ bao phủ trên 90% là: Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng.

Về triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, hiện đã tiêm được 2.905.814 liều, trong đó có 2.543.695 liều mũi 1; 362.119 liều mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 27,9%; bao phủ đủ 2 liều là 4,0% dân số từ 12 -17 tuổi.

Tiêm đủ liều vaccine vẫn có thể mắc COVID-19

Thời gian gần đây, một số địa phương có thông tin cho biết có những người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 nhưng vẫn mắc bệnh với tỷ lệ khá cao và có cả trường hợp tử vong.

Lý giải về việc này, nhiều chuyên gia và Bộ Y tế đều có ý kiến cho rằng: Khi cả nước điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch theo tình hình mới, cho phép nhiều hoạt động trở lại bình thường, việc giao lưu qua lại giữa các địa phương sẽ tăng lên, người dân cũng tăng tiếp xúc trong cộng đồng. Trong khi đó, nhiều người dân đi từ vùng có tỷ lệ lây nhiễm cao, bùng phát dịch mạnh như ở các tỉnh, thành phố phía Nam về các địa phương khác và trở thành nguồn lây cho địa phương, trong đó có cả những địa phương từ trước tới giờ chưa từng xuất hiện ca bệnh nào.

Đáng lưu ý, trong số những người mắc bệnh có khá nhiều ca không triệu chứng nên dịch có thể âm thầm lây lan rất khó nhận biết, gây nguy hiểm cho cộng đồng, nhất là ở những vùng có tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh còn thấp. Ngay cả với vùng đã tiêm đầy đủ vaccine, các chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo: Vaccine phòng COVID-19 không phải là lá chắn tuyệt đối, người dân dù đã được tiêm chủng đầy đủ vẫn cần tuân thủ nghiêm túc biện pháp phòng bệnh.

Theo nhiều chuyên gia y tế, những người đã tiêm chủng vaccine vẫn có thể mắc bệnh nhưng thường là không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, rất nhẹ, ít có biểu hiện trở nặng. Những người tiêm vaccine, khi mắc bệnh có xu hướng phục hồi tốt hơn nhóm chưa nên có thể nói giá trị lớn nhất của vaccine phòng COVID-19 chính là ở điểm này. Những trường hợp đã tiêm vaccine khi mắc bệnh chuyển nặng, đa số là người cao tuổi, có bệnh nền hoặc người mới tiêm 1 mũi vaccine. Tuy vậy, những người tiêm vaccine rồi khi mắc bệnh vẫn sẽ là nguồn lây bệnh cho gia đình, cho cộng đồng, từ đó làm lây lan dịch bệnh, nhất là ở những vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp, đặc biệt dễ lây cho người lớn tuổi, người mắc bệnh nền, sức đề kháng kém và trẻ em. Mặt khác, khi đã tiêm chủng đủ liều vaccine phòng COVID-19, khả năng miễn dịch cũng sẽ giảm dần theo thời gian và cần được tiêm tăng cường.

Tổ chức Y tế thế giới cũng đưa ra khuyến cáo: Không nên chỉ dựa vào vaccine mà lơ là trong phòng dịch COVID-19, đồng thời cảnh báo mọi người không nên quá phụ thuộc vào việc tiêm phòng mà lơ là các biện pháp bảo vệ khác. Việc tiêm phòng giúp giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong nhưng vẫn còn nguy cơ nhiễm bệnh, lây bệnh cho người khác.

Theo TTXVN/Báo Tin tức