Hướng dòng vốn tín dụng vào người thu nhập thấp

18/09/2023 - 06:09

 - Trong bối cảnh chưa thể nâng cao mức sống của người lao động thu nhập thấp, công nhân, thì việc cho vay lãi suất thấp phục vụ nhu cầu tiêu dùng chính đáng, nhà ở của họ là giải pháp nhân văn, cần thiết.

Giảm lãi suất cho vay

Có ý kiến cho rằng, lãi suất dành cho nhà đầu tư 8,7%/năm, người vay tiền để kinh doanh 9%/năm, trong khi người mua nhà chịu mức 8,2%/năm - con số khá cao. Do vậy, cử tri tỉnh đề nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương nghiên cứu giảm lãi suất để nhà đầu tư thuận lợi kinh doanh, người thu nhập thấp cũng có thể mua nhà, góp phần giảm giá thị trường bất động sản.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, để tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Chính phủ ban hành Nghị quyết 33/NQ-CP, ngày 11/3/2023. Trong đó, NHNN Việt Nam có trách nhiệm chủ trì, triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư, lãi suất thấp hơn từ 1,5 - 2% so lãi suất cho vay bình quân của 4 ngân hàng thương mại nhà nước trong từng thời kỳ.

NHNN Việt Nam công bố lãi suất cho vay đến ngày 30/6/2023 đối với chủ đầu tư là 8,7%, người mua nhà là 8,2%/năm. Từ ngày 1/7 đến 31/12/2023, mức lãi suất này tiếp tục được giảm, lần lượt còn 8,2% và 7,7%/năm (giảm 0,5%/năm so thời điểm bắt đầu triển khai chương trình). Như vậy, lãi suất cho vay đối với người mua nhà ở xã hội thấp hơn 0,5% so chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

“Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng được thực hiện bằng nguồn lực của các ngân hàng thương mại, có tính chất dài hạn, được triển khai tối đa đến năm 2030. Đây là sự nỗ lực, cố gắng của ngành ngân hàng trong thực hiện mục tiêu đầu tư xây dựng đề án 1 triệu căn hộ; tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp tiếp cận nguồn vốn tín dụng lãi suất thấp hơn thông thường để mua nhà ở” - Phó Chánh Văn phòng NHNN Việt Nam Nguyễn Lê Nam khẳng định.

Cùng với đó, NHNN Việt Nam đã điều chỉnh giảm 4 lần liên tục mức lãi suất điều hành (0,5 - 2%/năm), trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng, neo ở mức cao; kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, làm việc trực tiếp với các tổ chức tín dụng, yêu cầu giảm lãi suất tiền gửi, tiết giảm chi phí, tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay. Trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số lĩnh vực ưu tiên (trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu) ở mức 4%/năm, thấp hơn mức trần quy định.

Đơn giản hóa thủ tục vay vốn

Về tín dụng tiêu dùng, NHNN Việt Nam hoàn thiện khung pháp lý, hướng dẫn cho vay; điều hành tín dụng đủ, kịp thời nhu cầu vốn sản xuất - kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp. Đến cuối tháng 5/2023, dư nợ cho vay phục vụ đời sống đạt 2.658.826 tỷ đồng (tăng gần 3% so cuối năm 2022, chiếm 22% tổng dư nợ nền kinh tế).

Các tổ chức tín dụng triển khai khoảng 30 sản phẩm phục vụ mục đích tiêu dùng về nhà ở, khám, chữa bệnh, học tập, mua sắm trang thiết bị, phương tiện đi lại… Điển hình như, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho vay tiêu dùng 5.000 tỷ đồng, giải ngân trong ngày, số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng, không cần tài sản thế chấp.

Công ty Tài chính TNHH HD Saison, Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng áp dụng gói tài chính tiêu dùng 20.000 tỷ đồng cho công nhân lao động vay, lãi suất ưu đãi. Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai nhiều chương trình tín dụng hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, đối tượng chính sách…

“Chúng tôi thực hiện đồng bộ giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến điều kiện, thủ tục vay vốn, theo hướng đơn giản, thông thoáng, giảm bớt phiền hà cho khách hàng, trên cơ sở đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp quy định pháp luật. Gần đây, NHNN Việt Nam ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN, ngày 28/6/2023, bổ sung quy định cho vay bằng phương tiện điện tử. Khách hàng vay không phải đến ngân hàng; quy trình, thủ tục vay nhanh hơn, thuận tiện hơn” - Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

Đến nay, các tổ chức tín dụng đổi mới quy trình cho vay, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay; đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, niêm yết công khai, minh bạch thủ tục, quy trình vay vốn; đẩy mạnh chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dịch vụ. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tổ chức tín dụng đẩy mạnh phát triển sản phẩm, hình thức cấp tín dụng (cho vay lưu vụ, thông qua tổ nhóm của tổ chức chính trị - xã hội…), quy trình thủ tục ngày càng đơn giản, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Tuy nhiên, theo Thống đốc NHNN Việt Nam, đối với các thủ tục liên quan đến hoạt động cho vay thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan khác, được điều chỉnh với quy định khác của pháp luật (việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gắn liền tài sản trên đất, đăng ký giao dịch bảo đảm, kiểm toán báo cáo tài chính…) cần có sự phối hợp chỉ đạo từ bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng rút ngắn thời gian xem xét, quyết định cho vay.

Đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của ngân hàng thương mại giảm khoảng 1%/năm so cuối năm 2022. Các ngân hàng chủ động điều chỉnh, triển khai chương trình, gói tín dụng ưu đãi, giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 3%/năm đối với khoản vay mới; cam kết giảm lãi suất 0,2 - 2,5%/năm trong 6 tháng cuối năm 2023. Với tác động của độ trễ chính sách và cam kết này, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế tiếp tục giảm trong thời gian tới.

 

AN KHANG