Chương trình sẽ giới thiệu đến du khách tinh hoa nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm, tái hiện nghi thức cúng vợt sợi bông của đồng bào dân tộc Ba Na, tỉnh Gia Lai và nghi thức cúng dâng tấm zèng của đồng bào dân tộc Tà Ôi, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thổ cẩm là di sản độc đáo, có giá trị của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Mỗi dân tộc có nét hoa văn khác nhau, mang đặc trưng riêng về kiểu dáng, màu sắc. Những hoa văn trang trí tượng trưng cho nhân sinh quan, tôn giáo, tín ngưỡng và nền văn hóa của dân tộc đó. Qua hàng trăm năm, nghề dệt thổ cẩm vẫn được đồng bào các dân tộc gìn giữ như báu vật thiêng liêng.
Một hoạt động tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. (Ảnh: Khiếu Minh).
Đối với người Ba Na, nghề dệt thổ cẩm được xếp vào một trong các di sản văn hóa phi vật thể, nổi tiếng với hoa văn tinh xảo, mang ý nghĩa nhân sinh quan sâu sắc, có giá trị ý nghĩa vật chất và tinh thần.
Đối với đồng bào dân tộc Tà Ôi, tỉnh Thừa Thiên Huế, zèng không thể thiếu trong các hoạt động tín ngưỡng, thờ cúng, là vật đính ước của các cô gái với ý trung nhân hoặc thể hiện lòng hiếu thuận với ông bà, cha mẹ, những người có công với buôn làng.
Để làm ra những tấm zèng theo cách truyền thống, người dệt thực hiện nhiều công đoạn, phân loại từng sợi vải có kích thước, màu sắc đồng đều, phù hợp với mục đích sử dụng. Loại sợi vải mỏng, mịn để may trang phục. Loại sợi to và thô dùng để dệt thảm hay chăn. Tham gia trải nghiệm, du khách sẽ khám phá các quy trình tạo nên một sản phẩm dệt như kỹ thuật bật bông, cán bông, nhuộm màu, se sợi…
Một hoạt động ý nghĩa trong chương trình Chào năm mới 2022 là giới thiệu Mâm cơm sum họp ngày cuối năm của các dân tộc. Mỗi dân tộc lựa chọn một món ăn đặc trưng, góp cùng vào mâm cơm sum họp, giới thiệu về ẩm thực vùng miền, vừa giới thiệu sắc màu văn hóa các dân tộc đến du khách. Bên cạnh đó là chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh, trò chơi dân gian, hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm...
Theo NGỌC LIÊN (Báo Nhân Dân)