Hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới 26/9, nâng cao nhận thức người dân

24/09/2024 - 06:46

Ngày tránh thai thế giới 26/9/2024, nhằm cải thiện nhận thức của mọi tầng lớp Nhân dân, cộng đồng xã hội, đặc biệt là giới trẻ, nhóm vị thành niên/thanh niên, phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ về các biện pháp tránh thai, giúp họ có sự lựa chọn sáng suốt về sức khỏe giới tính và sinh sản.

Đến nay, Ngày tránh thai thế giới 26/9 có ý nghĩa như một chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai. Đồng thời, khuyến khích tất cả mọi người có thể chủ động hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng. Hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới, Chi cục Dân số (DS) - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể, nòng cốt là đội ngũ làm công tác dân số tăng cường các hoạt động truyền thông, vận động người dân sử dụng biện pháp tránh thai, để thực hiện KHHGĐ. Qua đó, nhận thức của người dân, đặc biệt là cặp vợ chồng, nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn, chủ động tránh thai, mang thai được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ người dân trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng tăng. Mô hình gia đình ít con, bình đẳng đã trở thành chuẩn mực và lan rộng trong cộng đồng dân cư. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết cho cộng đồng về ý nghĩa, trách nhiệm trong việc chủ động tránh thai, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Để hạn chế tình trạng nạo phá thai, sinh con ở lứa tuổi vị thành niên, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp các địa phương tăng cường truyền thông, giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) trong lứa tuổi thanh, thiếu niên. Các trường học lồng ghép nội dung giáo dục về SKSS, sức khỏe tình dục, giới, bình đẳng giới và giới tính cho học sinh. Đa dạng các hình thức giáo dục, như: Nói chuyện chuyên đề về sức khỏe vị thành niên, tư vấn khuyến khích học sinh đóng góp ý kiến về nội dung, chương trình, hoạt động giáo dục liên quan đến dân số, SKSS...

Trạm Y tế xã An Hòa tuyên truyền chính sách Dân số-Kế hoạch hóa gia đình cho người dân

Theo Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh, lứa tuổi vị thành niên có rất nhiều sự thay đổi về tâm sinh lý. Ở giai đoạn này, các em rất thích khám phá năng lực bản thân, mở rộng thêm nhiều mối quan hệ mới. Nếu không được tuyên truyền đúng cách, các em dễ có các nguy cơ: Quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, dễ bị xâm hại tình dục, dẫn đến mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (kể cả HIV/AIDS), mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn...

Tại huyện Châu Thành, Trung tâm Y tế huyện tăng cường các hoạt động truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/sức khỏe tình dục/KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số. Cùng với nhiều hoạt động tư vấn hộ gia đình; truyền thông tư vấn tại trạm y tế; truyền thông nhóm... Tăng cường hoạt động chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; thực hiện Chương trình kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ. Đến ngày 30/6/2024, tỷ lệ các biện pháp tránh thai hiện đại của huyện Châu Thành đạt 69,52/68,7%, cao hơn kế hoạch năm 2024 là 101,19%.

 BS. Võ Văn Hai, Trưởng trạm Y tế xã An Hòa (huyện Châu Thành) cho biết: “Xã An Hòa tăng cường cung cấp các dịch vụ, biện pháp tránh thai tại trạm y tế và tại địa bàn, như: Thuốc tiêm, thuốc viên, bao cao su... Trạm y tế tổ chức truyền thông, tuyên truyền lợi ích để người dân tiếp cận, thực hiện. Cộng tác viên dân số còn xuống địa bàn, hộ để tư vấn. Nhờ đó, người dân hiểu lợi ích, nên tăng tỷ lệ người sử dụng các biện pháp tránh thai trên địa bàn”.

“Để người dân chấp nhận biện pháp tránh thai có thu phí, ban đầu sẽ gặp trở ngại, do quen được Nhà nước hỗ trợ, người dân khó khăn về kinh tế ít tiếp cận. Trước tình trạng đó, đối với hộ khó khăn, trạm y tế lập danh sách, vận động hỗ trợ. Các đối tượng khác thì tư vấn, để người dân dần hiểu lợi ích, chấp nhận thu phí và sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, góp phần thực hiện tốt chính sác DS-KHHGĐ“- BS. Võ Văn Hai chia sẻ.

Chị Trương Thị Huỳnh Giao (cộng tác viên dân số Trạm Y tế xã An Hòa) chia sẻ: “Là cộng tác viên bám địa bàn, tôi quan tâm tuyên truyền đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, có 1 - 2 con, phụ nữ sau sinh... Tuyên truyền về tránh thai là vấn đề khá tế nhị. Tuy nhiên, là cộng tác viên phụ trách địa bàn nơi tôi ở, nên có điều kiện thuận lợi, quen biết, dễ tiếp cận chị em hơn, để vận động trực tiếp hoặc tư vấn qua điện thoại những trường hợp “ngại”... Qua đó, đạt nhiều kết quả, chị em đồng thuận thực hiện tốt các biện pháp tránh thai”.

Theo BS. CKI Nguyễn Hồng Nam, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, để nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc SKSS cho vị thành niên, thanh niên, cần tăng cường sự gắn kết giữa nhà trường, gia đình, đoàn thể, các tổ chức xã hội trong các hoạt động giáo dục về dân số, SKSS, bình đẳng giới. Đồng thời, nâng cao năng lực mạng lưới cung cấp dịch vụ KHHGĐ, phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra SKSS trước hôn nhân; tăng cường tuyên truyền xã hội, xã hội hóa phương tiện tránh thai. Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng thực hành cho nhân viên, nhằm tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS- KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên, để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông.

HẠNH CHÂU