Hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới

22/09/2022 - 06:48

 - Ban Chỉ đạo công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh An Giang vừa triển khai kế hoạch hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới (26/9). Qua đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội.

Ngày tránh thai Thế giới là một chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai. Đồng thời, khuyến khích mọi người chủ động hành vi mang thai vì lợi ích của chính mình và cộng đồng. Mục tiêu nhằm cải thiện nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội (đặc biệt là giới trẻ, nhóm vị thành niên, thanh niên trong độ tuổi sinh đẻ), giúp họ lựa chọn sáng suốt về sức khỏe giới tính và sức khỏe sinh sản.

Ngày tránh thai thế giới năm 2022 có chủ đề “Thực hiện KHHGĐ vì sức khỏe, hạnh phúc của mỗi gia đình và sự phát triển bền vững của đất nước”. Theo Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, phòng tránh thai an toàn giúp phụ nữ chủ động trong việc sinh con; tránh các tai biến sản khoa và bệnh lây truyền qua đường tình dục. Phòng tránh thai giúp nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình: Giúp mỗi gia đình có đủ 2 con, không sinh quá nhiều. Từ đó, có điều kiện để chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn, nâng cao được đời sống, kinh tế của mỗi gia đình.

Truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình

Vì vậy, mỗi cá nhân chấp hành KHHGĐ sẽ giúp đất nước kiểm soát dân số hiệu quả. Mục tiêu của KHHGĐ là giảm mức sinh của người dân xuống còn “Mỗi gia đình chỉ nên có từ 1 đến 2 con”. Từ đó mang nhiều lợi ích: Giảm thiểu áp lực kinh tế của gia đình; ba mẹ có nhiều thời gian và tiền bạc để chăm sóc, đầu tư cho sự phát triển tương lai con cái; giảm thiểu gánh nặng của người mẹ; giúp ổn định dân số, tập trung phát triển nguồn nhân lực trong tương lai, phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Bên cạnh đó, cộng đồng cần nâng cao nhận thức về mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn, lợi ích của việc tránh thai. Phá thai không an toàn khiến phụ nữ gặp nhiều tai biến, hậu quả xấu về sức khỏe sinh sản, như: Vô sinh, chửa ngoài dạ con, băng huyết, thủng tử cung, nhiễm trùng, thậm chí tử vong.

Hưởng ứng Ngày tránh thai Thế giới, Ban Chỉ đạo công tác Dân số - KHHGĐ tỉnh An Giang đề nghị sở, ban, ngành, đoàn thể treo băng-rôn, biểu ngữ, khẩu hiệu tuyên truyền: "Hãy lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp để không mang thai ngoài ý muốn"; "Không mang thai ở tuổi vị thành niên vì tương lai, hạnh phúc của chính bạn"; "Chủ động tránh thai, trách nhiệm không của riêng ai"... Đồng thời, tổ chức truyền thông về chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước và của tỉnh về dân số và phát triển.

Đẩy mạnh truyền thông trên internet, mạng xã hội của Tổng cục Dân số - KHHGĐ và Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh An Giang. Phát động cuộc thi trên internet nhân Ngày tránh thai thế giới với tên gọi “Viết câu truyện cảm hứng” bằng các hình thức: Tiểu phẩm, vẽ tranh, video, hình ảnh… cho cán bộ dân số, y tế, ban, ngành đoàn thể và mọi người dân do Tổng cục Dân số - KHHGĐ tổ chức. Nhân bản và phân phối sản phẩm truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ, phòng tránh thai chủ động cho đơn vị y tế cơ sở. Giám sát các hoạt động hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới; tổ chức sự kiện truyền thông như mít-tinh, hội thảo, hội nghị, hội thi, hội diễn, tọa đàm... về chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ, phòng tránh thai cho vị thành niên, thành niên, nam, nữ, vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Tập huấn cung cấp thông tin về tránh thai chủ động cho đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên y tế, dân số.

Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch hưởng ứng; tham mưu UBND huyện chỉ đạo treo băng-rôn, khẩu hiệu tuyên truyền; tiếp tục các hoạt động truyền thông tư vấn, cung cấp dịch vụ dân số/KHHGĐ/chăm sóc sức khỏe sinh sản, sản phẩm truyền thông cho các nhóm đối tượng tại cộng đồng. Lồng ghép nội dung tuyên truyền trong sinh hoạt câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3, câu lạc bộ tiền hôn nhân.

HẠNH CHÂU