Bánh ú sắn
Trong những năm công tác trong ngành lâm nghiệp tại huyện Trà My cũ, hàng tháng với tiêu chuẩn 19kg lương thực, trong đó chiếm tới 70% chất độn (mỗi tháng tôi được hưởng 5,3kg gạo và 13,7kg độn). Chất độn chủ yếu là sắn lát phơi khô, họa hoằn lắm mới được một vài ký hạt bo bo hay mỳ sợi.
Sắn lát phơi khô thời bấy giờ thường là xắt dày để cân đổi công cho hợp tác xã nông nghiệp nên hấp cơm rất khó. Để cải thiện bữa ăn cho cán bộ, công nhân viên, các chị nuôi có sáng kiến là giã mịn ray bột làm bánh “chẹp bẹp” để ăn điểm tâm. Được hưởng ít hay nhiều bánh thì tùy theo tiêu chuẩn lương thực tương ứng của mỗi người, trong đó mỗi bữa ăn sáng người ít nhất là 4 chiếc, người nhiều nhất 6 chiếc.
Tầm 6 giờ sáng sau khi nghe hiệu lệnh kẻng thì tất cả cán bộ, công nhân viên mang chén đũa đến quày phân phát thức ăn đưa chén cho các chị nuôi gắp bánh bỏ vào chén chan một chút nước mắm rồi bưng ra bàn ngồi hoặc muốn hóng mát thì ngồi ở một góc sân nào đó trong khuôn viên nhà ăn tùy theo sở thích của mỗi người. Ăn bánh xong, uống nước qua loa, trò chuyện khiêm tốn mọi người vội vã trở về phòng người nào việc ấy.
Chế độ ăn uống thiếu thốn, kham khổ nên nhiều người phải tranh thủ ngày nghỉ vào rừng hái ngọn cây sắn về luộc, vắt khô trộn muối mè hoặc đậu phụng rang giã bột. Nếu có điều kiện thì nhổ cây lấy củ về lột bỏ vỏ, chẻ đôi móc bỏ tim, cắt khúc, rửa sạch cho vào nồi nấu đến khi sắn nhuyễn thì nem ném, cho lá lót xắt mỏng vào trộn đều, múc ra tô để nguội trước khi ăn. Gọi là cà ri cho oách chứ thật ra là sắn củ nấu với nước lạnh, kèm lá lốt, gia vị nem ném chủ yếu là muối hạt!
Bánh sắn chập
Trong những ngày nghỉ phép hoặc tranh thủ lúc rảnh rỗi về thăm nhà cũng không hơn gì ở cơ quan nhưng được cái là mẹ tôi nhổ sắn củ về lột vỏ rửa sạch, bỏ vào nồi nấu chín vớt ra rổ để nguội. Bắt chảo dầu lên bếp khử nén thơm và rang đậu phụng chín giã nhỏ, gói từng củ sắn cuộn tròn vào lá chuối, lấy chày đâm tiêu đập dập. Sau đó lấy muỗng múc dầu rưới đều và rắc đậu phụng lên hai bên mặt củ sắn đã đập dập. Với cách làm này sẽ đánh lừa vị giác cho chúng tôi ăn được nhiều để thay cơm.
Còn nếu là sắn lát xắt mỏng thì mẹ tôi thường bẻ nhỏ, rửa sạch bụi bặm để ráo nước. Sau khi bắt nồi cơm lên bếp là lúc bỏ sắn lát vào nồi, đến khi cơm sôi được một lúc thì mẹ tôi bắt xuống chắt nước thừa để cơm không bị nhão, sau đó lấy đũa xới đều, đậy nắp kín đến khi cơm chín. Nói là cơm nhưng thật ra sắn cõng cơm nên lúc bấy giờ có người nói đùa “Cơm thấy ta chứ ta không thấy cơm”.
Ngày nay chẳng còn nhiều người mặn mà với củ sắn nếu như không cải thiện trong khâu chế biến. Nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng, một số hộ ở vùng nông thôn đã sử dụng củ sắn, mài lấy bột gói nhưn mặn bằng thịt heo và đậu đen hoặc nhưn ngọt. Bánh bột sắn được gói thành bánh ú hoặc bánh chập, cả hai loại đều được gói bằng lá chuối đảm bảo vệ sinh và thân thiện với môi trường.
Các nhà khoa học khuyến cáo sử dụng củ sắn có lợi cho sức khỏe bởi củ sắn là nguồn cung cấp calo và carbohydrate dồi dào, thường được dùng làm thực phẩm của người dân ở những quốc gia nghèo. Chúng ta có thể chế biến củ sắn bằng nhiều cách như hấp chín, nấu chè, nấu xôi hoặc cũng có thể nghiền thành bột để làm bánh… Ngoài ra củ sắn còn là nguyên liệu chính để sản xuất bột năng dùng trong ẩm thực. Chính vì vậy mà củ sắn đã có chỗ đứng trên thị trường giúp bà con nông dân đổi đời.
Theo Báo Quảng Nam