Hương vị dưa cải ngày xuân

23/01/2023 - 08:09

 - Các món ăn quen thuộc, như: Dưa rau muống, dưa kiệu, dưa cải... là món ăn truyền thống được sử dụng nhiều vào dịp Tết. Dù chỉ là món ăn kèm, nhưng các món dưa chua được làm từ các loại rau, củ, quả có hương vị đặc trưng riêng, làm cho các món được ăn kèm trở nên hấp dẫn, góp phần cho bữa cơm ngày Tết thêm thơm ngon, tròn vị.

Thời điểm Tết đến xuân về là khoảng thời gian để mọi người dọn dẹp và trang trí nhà cửa, mua sắm, bánh kẹo, thực phẩm… chuẩn bị tươm tất với mong muốn có một cái Tết trọn vẹn. Đặc biệt là khâu chuẩn bị thực phẩm trong ngày Tết. Không chỉ những món chính, mà những món ăn kèm, như: Dưa kiệu, dưa hành hay dưa cải… được chuẩn bị rất công phu. Riêng với món dưa cải, có nhiều cách làm khác nhau, tùy theo khẩu vị, sở thích sẽ làm ra hương vị khác nhau.

Cải bẹ sau khi cắt hết lá hư, có thể để nguyên cây cải hoặc chẻ đôi thân cải, rửa sạch, trụng sơ qua nước sôi hoặc phơi nắng, rồi đem ướp muối, đường, ủ lên men tự nhiên, sau 3-5 ngày thì cải “chín” thành dưa là dùng được. Năm nào cũng vậy, khoảng tháng 9-10 (âm lịch) nông dân bắt đầu trồng cải bẹ phục vụ thị trường Tết. Trồng cải  không khó, nhưng nhiều vất vả, bởi cực công chăm sóc.

Loại cải bẹ thích hợp trồng vào dịp cận Tết khí hậu mát mẻ, giúp cho cải mau lớn, bắp to và xanh. Tới đợt thu hoạch, cải được bó buộc gọn gàng và nâng niu như món đồ dễ vỡ, tránh bị gãy bẹ, dập lá rồi đem cân cho thương lái, vựa ở chợ. Đối với người nông dân thu hoạch cải vào những ngày cuối năm là niềm vui. Vừa có thu nhập chi tiêu trong ngày Tết, vừa hạnh phúc với thành quả của mình làm ra.

Là tiểu thương ở chợ Long Xuyên, bán nhiều mặt hàng, như: Rau, củ, quả, dưa cải… bà Trần Thị Lệ Thủy (56 tuổi) cho biết: “Những năm sau này, việc mua bán thuận tiện hơn so với trước đây, đối với món dưa cải chỉ cần mua về bán lại. Dưa cải bán quanh năm, chế biến được nhiều món ăn. Người bận rộn có thể mua cải muối sẵn, về tự chế biến ra các món mà mình thích. Riêng món dưa cải vào những ngày Tết, mỗi ngày tôi bán được 100kg. Nhờ vậy, gia đình tôi cũng đủ đầy, sung túc hơn”.

Bà Lê Thị Ngọc Lệ (64 tuổi, Phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) thường tự tay làm dưa cải cho cả gia đình cùng thưởng thức. Bà Lệ chia sẻ: “Lúc trước, tôi chưa biết cách làm, nên mua dưa cải muối sẵn về chế biến. Sau này, tôi tìm hiểu cách làm, rồi tự làm. Món ăn này được tôi bảo quản trong tủ lạnh và dùng dần, trong khoảng 1 - 2 tháng. Tôi thích nấu món canh ngót bằng dưa cải, dưa cải ăn với thịt kho, cá biển kho cà, dưa cải xào thịt... hoặc rửa sạch ăn chung với món cá lóc nướng cũng ngon”.

Đôi khi chỉ là những bữa cơm đạm bạc, bình dị, chén nước mắm, dĩa dưa cải ăn kèm với thịt kho trong ngày Tết, lại là những bữa cơm xa xỉ với những người con xa quê. Bà Lệ tâm sự: “Trong những lần gọi điện thăm gia đình, em tôi kể rất nhiều về cuộc sống của mình. Người Việt sinh sống ở nước ngoài duy trì văn hóa truyền thống trong dịp Tết cổ truyền. Không khí Tết được thấy rõ nhất là qua hình thức trang trí, trưng bày phố xá, nhà hàng, siêu thị do người Việt làm chủ.

Tại nhiều thành phố có phần lớn cư dân gốc Việt, các ngôi chợ đều đầy ắp những mặt hàng “Made in Vietnam”, gần như không thiếu một thứ gì. Dù vậy, không đâu đón Tết bằng “quê hương” đất mẹ. Chỉ mong mỏi được cùng gia đình đón cái Tết cổ truyền trọn vẹn. Thèm những bữa cơm sum vầy ngày Tết, nhớ nồi bánh tét, nồi thịt kho và nhất định phải ăn kèm món dưa cải mẹ làm” - bà Lệ kể thêm.

Với mỗi người Việt, dưa cải là món ăn dân dã, quen thuộc và không hiếm trong ngày thường. Chỉ cần nghe hương thơm béo ngậy của nồi thịt kho tàu ăn cùng với cơm trắng, dưa cải là đã thấy Tết. Không chỉ là món ăn kèm, dưa cải còn chế biến ra nhiều món ngon, giúp cho bữa cơm ngày Tết thêm phong phú và tròn đầy hương vị quê hương.

NGUYỄN XÊ