Italy cho các vùng tự dỡ bỏ phong tỏa, Đức kêu gọi tuân thủ giãn cách

12/05/2020 - 15:11

Theo Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio, chính quyền các vùng sẽ sớm nhận được hướng dẫn thực hiện việc mở cửa trở lại các quán bar, nhà hàng, hiệu làm tóc và cơ sở làm đẹp từ ngày 18-5.

Ngày 11-5, Chính phủ Italy cho biết sẽ trao cho chính quyền các vùng ở nước này quyền quyết định dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được áp đặt nhằm ngăn chặn đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan.

Tại cuộc họp với các bộ trưởng và lãnh đạo chính quyền vùng, liên minh cầm quyền tại Italy đã nhất trí cho phép 20 vùng ở nước này tự quyết về lộ trình dỡ bỏ các hạn chế do dịch COVID-19.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Milan, Italy ngày 18-4-2020. (Ảnh: THX-TTXVN)

Theo Ngoại trưởng Luigi Di Maio, chính quyền các vùng sẽ sớm nhận được hướng dẫn thực hiện việc mở cửa trở lại các quán bar, nhà hàng, hiệu làm tóc và cơ sở làm đẹp từ ngày 18-5.

Italy là quốc gia đầu tiên ở châu Âu áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc vào tháng Ba vừa qua.

Theo hướng dẫn hiện hành của Thủ tướng Giuseppe Conti, các cửa hàng được phép mở cửa trở lại từ ngày 11-5, song các quán bar, nhà hàng, hiệu làm tóc phải chờ đến ít nhất là ngày 1-6.

Tình hình dịch COVID-19 ở Italy đang có chiều hướng được cải thiện khi trong 24 giờ qua, nước này chỉ ghi nhận thêm 744 ca nhiễm mới, mức tăng thấp nhất trong ngày kể từ ngày 4-3.

Theo trang thống kê toàn cầu worldometers.info, tính đến nay Italy có 219.814 ca mắc bệnh COVID-19 và 30.739 ca tử vong.

Italy cho cac vung tu do bo phong toa, Duc keu goi tuan thu gian cach hinh anh 1

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Mulhouse, Pháp. (Ảnh: AFP-TTXVN)

Tại Pháp, "sức nóng" tại các khoa hồi sức tích cực của bệnh viện đã hạ nhiệt trong tháng qua.

Ngày 11-5, quân đội Pháp đã bắt đầu tháo dỡ bệnh viện dã chiến được xây dựng ở thành phố Mulhouse vào thời điểm đỉnh dịch COVID-19 ở nước này.

Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly cho biết việc tháo dỡ bệnh viện này đánh dấu "sự kết thúc một giai đoạn" của đại dịch COVID-19.

Từ ngày 11-5, Pháp bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa trong bối cảnh tốc độ lây lan của dịch COVID-19 có xu hướng chậm lại.

Nước Pháp hiện có 177.423 ca mắc COVID-19 và 26.643 ca tử vong. Hơn 2.700 người thuộc diện chăm sóc đặc biệt, giảm so với con số hơn 7.000 ở thời điểm dịch COVID-19 đạt đỉnh.

Trong khi đó, các số liệu công bố tại Đức cho thấy dịch COVID-19 đang lây lan nhanh trở lại, buộc Thủ tướng Angela Merkel phải lên tiếng kêu gọi người dân tuân thủ các quy định giãn cách xã hội.

Bà cảnh báo người dân Đức cần duy trì các biện pháp phòng dịch cơ bản như giữ khoảng cách và sử dụng khăn che mũi, miệng.

Italy cho cac vung tu do bo phong toa, Duc keu goi tuan thu gian cach hinh anh 2

Nhân viên an ninh gác tại Cologne, Đức ngày 16-4-2020 khi lệnh phong tỏa được ban bố nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan. (Ảnh: THX-TTXVN)

Đức được đánh giá là quốc gia lớn ở châu Âu thành công trong khống chế dịch bệnh COVID-19. Thủ tướng Merkel cho rằng tỷ lệ lây nhiễm (R0, tức tỷ lệ một người bệnh truyền bệnh cho người khác) luôn phải ở mức dưới 1 để tránh nguy cơ hệ thống y tế bị quá tải.

Tuy nhiên, Viện nghiên cứu Robert Koch cho biết tỷ lệ này đã tăng trong ngày thứ 3 liên tiếp, ở mức 1,07 trong ngày 11-5 sau khi tăng ở mức 1,13 trong ngày trước đó.

Tỷ lệ R0 ở mức 1,07 tức là 100 người mắc bệnh COVID-19 sẽ lây nhiễm cho 107 người khác, đồng nghĩa số ca nhiễm mới sẽ tăng nhanh trở lại và đây có thể là dấu hiệu cho thấy nguy cơ bùng phát làn sóng dịch bệnh thứ 2 tại quốc gia có nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu.

Bất chấp những lo ngại đang gia tăng, cuối tuần trước, hàng nghìn người dân Đức đã xuống đường ở nhiều thành phố để phản đối các biện pháp như bắt buộc đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng hay hạn chế tiếp xúc xã hội.

Tính đến thời điểm hiện tại, Đức có 172.576 ca mắc COVID-19, trong đó có 7.661 ca tử vong.

Theo PHAN AN (Vietnam+)