Kế hoạch nhỏ - ý nghĩa lớn

11/10/2024 - 06:53

 - Tình trạng rác thải nhựa và sản phẩm nhựa sử dụng một lần đang gây “áp lực” lớn lên môi trường. Thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức trong hội viên, phụ nữ xã Vĩnh Phú (huyện Thoại Sơn) về thực hiện phong trào chống rác thải nhựa được triển khai hiệu quả với nhiều cách làm hay.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Phú Trần Thị Mân cho biết: “Hội luôn quan tâm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường; vận động hội viên, phụ nữ thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa thân thiện với môi trường; tự giác chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, khuyến khích người dân đầu tư chỉnh trang các khu dân cư tạo môi trường sống nông thôn khang trang, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hóa. Cụ thể, triển khai sâu rộng trong toàn thể cán bộ, hội viên được 62 cuộc, với hơn 2.480 hội viên tham dự. Qua triển khai, đa số các chị em đều nhận thức và tham gia cùng với hội, chính quyền địa phương chung tay xây dựng nông thôn và thực hiện phong trào chống rác thải nhựa”.

Bên cạnh thực hiện cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “5 có, 3 sạch”, hội còn tổ chức các hoạt động có sự tham gia trực tiếp của cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng, như: Ra quân làm vệ sinh môi trường, phân loại và xử lý chất thải, rác thải tại nơi ở, nhất là thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng, lồng ghép vào các cuộc sinh hoạt tổ, hội, khơi thông cống rãnh, thu gom rác, phát hoang bụi rậm ở các tuyến đường giao thông nông thôn, trồng hoa, treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền và phát thanh trên hệ thống truyền thanh của xã.

Hội viên phụ nữ xã Vĩnh Phú dần quan tâm việc phân loại rác tại nguồn

“Chúng tôi còn tích cực phối hợp ban nhân dân ấp đến từng hộ dân tuyên truyền, cung cấp bao bì phân loại chất thải và hướng dẫn người dân phân loại rác thải tại nguồn hiệu quả nhất. Đối với chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (gồm sản phẩm nhựa, kim loại, giấy, cao su), vận động người dân bỏ vào bao đựng rác tái chế, sau đó bán cho đơn vị thu mua phế liệu. Những chất thải rắn không tái sử dụng được, như: Nhóm rác hữu cơ dễ phân hủy (rau củ quả, thức ăn thừa), chúng tôi vận động người dân ủ phân compost, làm thức ăn cho gia súc, gia cầm hoặc thủy sản. Nếu không có điều kiện thì để riêng đưa vào thùng rác trên các tuyến đường cho Xí nghiệp Môi trường đô thị huyện Thoại Sơn thu gom. Nhóm rác còn lại là rác thải sinh hoạt thông thường và rác thải nguy hại phân loại riêng đưa vào thùng rác trên các tuyến đường để xe rác thu gom” - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Phú Trần Thị Mân cho hay.

Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Phú còn thành lập mô hình “Ngôi nhà xanh” ở 6 ấp và trung tâm văn hóa xã. Đó là nơi chứa và tái chế rác thải, liên kết với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch” để hỗ trợ chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đây là một trong những giải pháp nhằm nêu cao trách nhiệm của cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường. Mỗi “Ngôi nhà xanh” đựng rác thải tái chế đều có những thông điệp ngắn gọn để giới thiệu ý nghĩa của mô hình, như: “Hãy đóng góp rác thải nhựa, lon nước, giấy bìa cứng”, “Hãy phân loại rác thải để nâng cao nhận thức của chúng ta”, “Tận dụng rác thải tái chế để ủng hộ phụ nữ và trẻ em khó khăn”, “Hãy chung tay vì một môi trường không rác thải nhựa ”…

Phân loại rác ở "Ngôi nhà xanh"

Việc triển khai mô hình được tiến hành bằng các hoạt động cụ thể, hàng ngày bằng việc thu gom các loại rác thải, như: Chai, lon, túi ny-lon, giấy bìa cứng, sắt vụn... cho vào “Ngôi nhà xanh”. Khi “Ngôi nhà xanh” chứa đầy thì chị em trong chi hội và một số hội viên nòng cốt tiến hành phân loại, thu gom và bán để gây quỹ. Với phương châm “việc làm nhỏ, tác động lớn”, mô hình đang góp phần bảo vệ môi trường, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hội và “tiếp sức” những hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình thật sự lan tỏa mạnh mẽ trong hội viên, phụ nữ xã.

Có thể nói, các mô hình của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Phú đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, dù chỉ là “kế hoạch nhỏ”, nhưng mang thông điệp, ý nghĩa to lớn và đem lại lợi ích cộng đồng thiết thực. Từ đó, góp phần thay đổi nếp sống, cách làm của đại bộ phận chị em phụ nữ. Các phong trào đã trở thành thói quen thay đổi hành vi, cách sống bảo vệ môi trường, thân thiện với môi trường.  

PHƯƠNG LAN