Kênh Vĩnh Tế - món quà vô giá

13/11/2024 - 07:40

 - Bằng trí tuệ, tinh thần lao động bền bỉ, kiên gan nhưng đầy sáng tạo, ông cha ta đã tạo ra công trình kỳ vĩ trên vùng Tây Nam biên viễn vào đầu thế kỷ XIX. Kênh Vĩnh Tế đánh dấu thời kỳ phát triển mới cho công cuộc khai phá đất đai, lập nên đồn điền, làng xóm; như chiến hào khổng lồ bảo vệ, khẳng định chủ quyền quốc gia trên tuyến biên giới Tây Nam. Đúng như vua Minh Mạng đã nói: “Thực là quan yếu cho quốc kế biên trù”, “Đào con sông ấy để trọn công trước, thực là lợi ức muôn năm vô cùng về sau”.

Công sức của tiền nhân

Theo sử liệu triều Nguyễn, công trình đào kênh Vĩnh Tế dài gần 91km, qua 5 năm thi công (1819 - 1824), chia thành 3 đợt. Đợt đầu kéo dài 3 tháng (từ rằm tháng Chạp năm Kỷ Mão 1819 đến rằm tháng 3 năm Canh Thìn 1820), đào được hơn 20km, từ Châu Đốc đến đoạn Ca Âm (Tịnh Biên ngày nay). Có đến 5.000 nhân công được chiêu mộ trong thường dân, binh lính người Việt; 500 người khác đang phục vụ trong đồn Uy Viễn. Mỗi tháng, cấp cho mỗi người 6 quan tiền, 1 phương gạo. Điều bát Nguyễn Văn Tồn huy động 5.000 binh dân người Chân Lạp, mỗi tháng cấp cho mỗi người 6 quan tiền, mỗi khẩu phần là vuông gạo. Người xưa đào kênh trong điều kiện thiếu thốn về mọi mặt, từ vật dụng, công cụ, lương thực, đến thuốc men khi bị ốm đau hay gặp tai nạn.

Sau 2 năm tạm ngưng, kênh Vĩnh Tế được tiếp tục khởi công giai đoạn 2 (từ tháng 2 đến tháng 5 năm Quý Mùi 1823). Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt huy động hơn 39.000 binh dân ở thành và các trấn Vĩnh Thanh, Định Tường, đồn Uy Viễn; hơn 16.000 binh dân nước Chân Lạp. Dân binh chia làm 3 phiên để hoạt động. Qua 3 tháng thi công, con kênh dần “có hình có dạng” hơn 60km, phần còn lại khoảng 1.060 trượng (tương đương 3,5km). Đợt cuối cùng thực hiện vào tháng 2 năm Giáp Thân (1824), bề dài kênh còn lại chỉ 1.700 trượng (4.352m) kể từ cuối rạch Giang Thành trở vào. Việc đào kênh được tiến hành tích cực với sự hỗ trợ của Phó Tổng trấn Trần Văn Năng và 2.500 binh dân, đào bất kể ngày đêm, đến ngày 1/5/1824 hoàn thành.

Nhìn tổng thể, việc đào kênh là thành quả rất to lớn, quy tụ nhân công lên đến trên 80.000 người, suốt 5 năm ròng rã. Lợi ích lớn nhất của kênh không chỉ ở việc lưu thông bằng ghe thuyền đi lại, trao đổi buôn bán hay đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ cương thổ quốc gia, mà còn đóng vai trò quan trọng dẫn nước ngọt từ sông Cửu Long vào đồng ruộng, xả phèn, rửa mặn cho mùa màng tươi tốt.

Lưu truyền cho hậu thế

Cả cuộc đời ông Đinh Văn Dễ gắn bó với dòng Vĩnh Tế, với địa danh xã Vĩnh Tế (TP. Châu Đốc). Gần 70 tuổi, cũng là ngần ấy năm ông thấm thía sâu sắc nỗi niềm dòng kênh nuôi sống cả gia đình nhiều thế hệ. Họ miệt mài nối tiếp những chuyến giăng câu, chài cá, lớp già nghỉ tay thì lớp trẻ tấn lên. “Ở đây, hầu hết sống nhờ con kênh, nhờ nguồn thủy sản dồi dào. Sáng sớm, mạnh ai nấy chèo xuồng ra khúc kênh trước nhà, lặn lội đến trưa, thu hoạch được gì thì đem bán đổi cơm gạo” - ông chia sẻ.

Ngồi trò chuyện với chúng tôi hồi lâu, ông bật mí, mình là con cháu của tiền nhân tham gia đào kênh Vĩnh Tế. Dĩ nhiên, 200 năm trôi qua, mọi thứ chỉ còn là mang máng, được truyền kể qua nhiều đời. Cha của ông (Đinh Văn Sước) sống thọ gần 90 tuổi, hay nhắc về người ông Đinh Văn Cho thuở tham gia đào kênh. Công việc vô cùng nặng nhọc, vất vả, phải làm xuyên suốt cho kịp tiến độ. Vừa đào, họ vừa chú ý canh chừng thú dữ tấn công, chịu cảnh rắn rết cắn, “muỗi kêu như sáo thổi”… “Cực khổ dữ lắm” - người xưa kể cho con cháu hiểu rằng, mỗi tấc kênh, mỗi khoảnh nước trải dài biên viễn đã thấm biết bao mồ hôi, công sức. Người xưa đào kênh, chẳng phải chỉ cho chính mình hưởng thụ, mà phần lớn là dành tặng đời sau.

Ông Đỗ Văn Nhẫn (ngụ phường Nhơn Hưng, TX. Tịnh Biên) trải nghiệm hơn nửa đời người, thấm thía sâu sắc lợi ích của dòng kênh vĩ đại. “Năm 1891, ông cố tôi từ Cái Tàu (nay là địa phận huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ) xuôi về đây lập nghiệp. Lúc đó, kênh Vĩnh Tế đã được đào xong. Vùng đất biên giới này đang khai làng mở ấp, ông cố tôi là một trong những người đầu tiên sinh sống. Dần dần, nhiều đời trong gia đình tôi bám trụ, chưa từng rời khỏi quê hương, mưu sinh nhờ đánh bắt thủy sản, trồng lúa. Con kênh mang lại lợi ích mọi mặt cho người dân quanh năm suốt tháng, sao nỡ rời đi” - ông bày tỏ.

Là người có uy tín, gương điển hình tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực ở phường Nhơn Hưng, ông Nhẫn còn nặng lòng với dòng kênh, bằng cách thường xuyên bảo tồn nguồn lợi thủy sản. Ông cho biết, mỗi năm ông mua 5 - 7 tấn cá, ếch đủ loại để thả xuống kênh, xung quanh khu vực mình sinh sống. Ông gặp gỡ người dân, vận động họ đánh bắt thủy sản đúng cách, đừng dùng duyệt điện tận diệt chúng. Ông muốn dòng kênh này vẫn sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho những thế hệ tiếp nối, như cách dòng kênh đã được trao truyền từ người xưa.

Tròn 200 năm tuổi, kênh Vĩnh Tế vẫn mãi là món quà vô giá mà ông cha để lại cho con cháu hôm nay và mai sau. Trách nhiệm của hậu bối là tiếp tục gìn giữ, phát huy vai trò to lớn của kênh trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trên vùng biên viễn Tây Nam.

GIA KHÁNH