Hội nghị tại điểm cầu An Giang
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, so 5 lần tổ chức trước đây, hội nghị ngoại giao kinh tế lần này có đổi mới về cách thức tổ chức, thành phần tham gia. Bên cạnh các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Chính phủ còn mời các doanh nghiệp ở nước ngoài, do người Việt Nam làm chủ, mời doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng trong lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp, chuyển đổi số. Hội nghị có sự tham dự đầy đủ của Bộ trưởng các bộ: Ngoại giao, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông... và kết nối trực tuyến với UBND các tỉnh, thành phố cả nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt quan điểm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy tối đa tiềm lực đất nước, truyền thống lịch sử, văn hóa, tạo động lực phát triển từ đổi mới tư duy, hành động. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực, sức mạnh Nhân dân, doanh nghiệp; phát triển nhanh, bền vững, nhưng không hy sinh môi trường, an sinh xã hội cho phát triển; kết hợp hoài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, môi trường, hài hòa lợi ích người dân, doanh nghiệp, các đối tác kinh tế của Việt Nam.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh ngoại giao kinh tế trên cơ sở “3 cùng”: Cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn, nhận thức và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển. Việt Nam phát triển dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, củng cố thị trường hiện có, mở ra thị trường mới, sản xuất những mặt hàng thế giới cần trên quan điểm nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, phát triển xanh, chuyển đổi số; tăng cường phối hợp trong và ngoài nước, phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, giữa Nhà nước với doanh nghiệp và Nhân dân để khắc phục những tồn tại, yếu kém trong chuỗi sản xuất, cung ứng.
Trước tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng, khó lường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần giữ sự cân bằng, không say sưa với thắng lợi và cần kiên định khi khó khăn, vận dụng sự sáng tạo của Việt Nam để thích ứng. Điển hình, khi các mặt hàng gạo, cà phê, hồ tiêu... có thị trường, giá bán tốt, cần tận dụng cơ hội để xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, không phát triển nóng, lợi dụng thị trường khan hiếm để tăng giá, gây mất niềm tin với đối tác.
Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải bám sát tình hình, chủ động xây dựng kế hoạch phát triển phù hợp thực tế, nguồn lực đất nước, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế để tạo động lực phát triển mới.
Tại hội nghị, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài đã thông tin về tình hình thị trường, nhu cầu tiêu dùng và cơ hội cho hàng hóa Việt Nam tại các thị trường: Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (EU), Châu Phi, Trung Đông, khả năng tiếp cận và mở rộng thị trường Halal (cộng đồng Hồi giáo)... Đồng thời, thông tin về các rào cản kỹ thuật mới, lưu ý tiêu chuẩn về xuất xứ, chất lượng hàng hóa khi xuất khẩu vào thị trường cao cấp.
NGÔ CHUẨN