Kết nối để lan tỏa

14/06/2023 - 07:19

 - Trong khuôn khổ Hội chợ Công Thương vùng ĐBSCL - An Giang năm 2023, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh phối hợp Sở Công Thương tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp (DN) An Giang, ĐBSCL và tỉnh Hải Dương. Đây là cơ hội để tìm kiếm những đối tác, hợp đồng đầy tiềm năng, tạo “sân chơi” kết nối giữa nguồn cung hàng hóa, nguồn nguyên liệu giữa các DN ở khu vực miền Tây và miền Bắc.

Hội nghị thu hút sự tham gia của 55 DN các tỉnh An Giang, Hải Dương, Long An, Sóc Trăng. Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang Nguyễn Tâm Tuyết Trinh cho biết, An Giang là tỉnh tiếp giáp với Campuchia, cũng là cửa ngõ của trục Đông - Tây, thông thương hàng hóa giữa ĐBSCL và các nước Đông Nam Á. Do đó, có điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại, dịch vụ và kinh tế biên mậu. 

Ngoài ra, An Giang triển vọng phát triển kinh tế nhờ việc hoàn tất Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA). Tình hình xuất khẩu hàng hóa tiếp tục được tăng cường. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2022 của tỉnh đạt trên 1,155 tỷ USD (tăng 32% so cùng kỳ năm 2021). Ước tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2023 đạt 561 triệu USD (tăng 4,10% so cùng kỳ).

Cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh An Giang ngày càng cải thiện, tạo điều kiện cho phát triển thương mại, dịch vụ, giao thương giữa An Giang với các tỉnh trong và ngoài vùng. Ngoài ra, An Giang còn có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh, lễ hội… thu hút trên 7 triệu lượt du khách đến tham quan hàng năm.

Doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác

Thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, tỉnh An Giang có 88 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 2 sản phẩm đạt 5 sao, 16 sản phẩm đạt 4 sao và 70 sản phẩm đạt 3 sao.

 “Với những lợi thế trên, hội nghị kết nối giao thương là cơ hội để DN các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL và tỉnh Hải Dương tiếp cận thị trường An Giang, tạo bước đệm để mở rộng thị trường Campuchia. Đồng thời, là dịp để các sản phẩm An Giang kết nối, mở rộng thị trường sang tỉnh Hải Dương nói riêng và các tỉnh phía Bắc và ĐBSCL nói chung” - bà Tuyết Trinh nhấn mạnh.

Tham dự hội nghị, các DN An Giang giới thiệu các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của địa phương, như: Trà kim ngân hoa, trà xạ đen, lạp xưởng cá thát lát, rượu thốt nốt, các sản phẩm từ gạo lứt… DN các tỉnh ĐBSCL giới thiệu các sản phẩm thế mạnh của địa phương, như: Bánh pía, hành tím, yến sào, chanh leo ngọt, trà mãng cầu (tỉnh Sóc Trăng); tôm khô, cá khô, mực khô (tỉnh Bạc Liêu); các sản phẩm từ cá thát lát, rượu truyền thống, trà mãng cầu, mật ong hương tràm (tỉnh Hậu Giang); bánh tráng trộn, chanh muối, đá me, sản phẩm từ chùm ngây (tỉnh Long An)...

Mang đến hội nghị sản phẩm trà kim ngân hoa và các loại trà kết hợp kim ngân hoa chăm sóc sức khỏe, ông Lê Thái Thanh (Công ty TNHH MTV TM&DV Thái Minh Nguyên) cho biết, công ty mong muốn được kết nối với các DN ĐBCSL và khu vực miền Bắc để mở rộng thị trường, cung cấp sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

Cùng mục đích trên, ông Nguyễn Hữu Công (Cơ sở chanh leo ngọt Sáu Công, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, cơ sở sản xuất - kinh doanh sản phẩm chanh dây ngọt. Đây là giống cây trồng có nguồn gốc từ Nam Phi. Sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao, trồng không đủ cung ứng thị trường. Ông Công chia sẻ: “Nhân hội nghị xúc tiến lần này, tôi mong muốn hợp tác, kết hợp các DN, đơn vị để xây dựng và phát triển vùng trồng, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, đáp ứng nhu cầu, số lượng cung cấp cho thị trường”.

Các DN tỉnh Hải Dương giới thiệu, tìm cơ hội kết nối giao thương đối với các sản phẩm, như: Bánh kẹo, thực phẩm chế biến; các loại nông sản, sản phẩm chế biến từ nông sản, như: Ớt, cà rốt, long nhãn, hạt sen, nho sữa, dưa lưới; sản phẩm ngành da; máy phục vụ sấy, chế biến các loại… Công ty TNHH Xuất khẩu nông sản Việt Vinagri, chuyên sản xuất - kinh doanh các sản phẩm: Long nhãn, hạt sen; dịch vụ sấy nông sản; làm trà hoa cúc và trà sen.

Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu nông sản Việt Vinagri Đào Thị Đinh Hương cho biết, mục tiêu của công ty là sản xuất ra những sản phẩm sạch, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. “Tại buổi kết nối giao thương, công ty mong muốn được kết nối với các DN An Giang và các tỉnh, thành phố khu vực ĐBCSL để phát triển sản phẩm, đồng thời cùng nhau hướng ra thị trường toàn quốc và thế giới” - bà Hương mong muốn.

Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Hải Dương Ngô Bá Đức cho biết, đây là lần đầu tiên tỉnh Hải Dương và An Giang tổ chức kết nối giao thương. Hội nghị là cơ hội thuận lợi cho các DN, hợp tác xã của tỉnh Hải Dương và An Giang nói riêng, các tỉnh ĐBCSL nói chung có cơ hội quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường. “Đây là buổi gặp gỡ bước đầu, cơ bản của các DN. Mọi thứ phía sau có sự giúp đỡ của ngành chức năng thúc đẩy các DN An Giang, Hải Dương và các tỉnh ĐBSCL tạo sự gần gũi gắn bó hơn” - ông Đức chia sẻ.

Tại Hội nghị kết nối giao thương giữa DN tỉnh An Giang, ĐBSCL và tỉnh Hải Dương, các DN ký kết 22 biên bản ghi nhớ hợp tác. Đây là tiền đề để các DN, hợp tác xã tiếp tục trao đổi thông tin và tiến tới ký kết hợp đồng mua bán trong thời gian tới.

ĐỨC TOÀN