Kết nối giao thông thủy, bộ cho ĐBSCL

20/12/2022 - 05:23

 - Đặc thù sông ngòi, kênh rạch chằng chịt tạo thuận lợi cho vùng ĐBSCL về sản xuất nông nghiệp, nhưng cũng cản trở phát triển khi phải “lụy đò”. Để tháo gỡ “điểm nghẽn”, tạo đà cho đất “Chín Rồng” cất cánh, Trung ương đang đẩy mạnh đầu tư hệ thống giao thông đường bộ, tạo kết nối trục ngang, trục dọc thông suốt. Đồng thời, nâng cấp hệ thống giao thông thủy, đầu tư hệ thống cảng, phát huy hiệu quả, đồng bộ các phương thức vận chuyển, thúc đẩy miền Tây bứt phá vươn lên cùng cả nước.

Vận chuyển lớn, giá rẻ

Khi đổ vào hạ lưu ĐBSCL, dòng Mekong được chia thành 2 nhánh: Sông Tiền và sông Hậu. Đây cũng là 2 con sông lớn nhất, cung cấp nước ngọt quanh năm cho ĐBSCL; giữ vai trò kết nối giao thông thủy trong vùng, kết nối tuyến thủy từ Vương quốc Campuchia ra Biển Đông qua ĐBSCL.

Nằm ở vị trí đầu nguồn sông Cửu Long, nơi ngã rẽ sông Tiền, sông Hậu, TX. Tân Châu từng là thương cảng tấp nập, nơi hàng hóa thông thương từ đất “Chín Rồng” lên Campuchia và các nước tiểu vùng sông Mekong. Ngày nay, Tân Châu vẫn là điểm dừng chân của tàu du lịch quốc tế cao cấp, chở khách từ Việt Nam qua Campuchia và ngược lại.

Tiềm năng của tuyến thủy dọc sông Tiền, sông Hậu và tuyến đường biển kết nối Campuchia là rất lớn, nhưng nhiều năm qua chưa được khai thác đúng mức. Do vậy, trong Quy hoạch ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đặc biệt lưu ý đến lợi thế giao thông thủy. Trung ương tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng; nâng cao thị phần vận tải container.

Trong đó, chú trọng kết nối các trung tâm đầu mối của vùng thông qua hành lang vận tải thủy chính: TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau (khối lượng vận tải từ 99-105 triệu tấn); TP. Hồ Chí Minh - An Giang - Kiên Giang (55,2-58,5 triệu tấn); hành lang vận tải thủy kết nối với Campuchia qua sông Tiền, sông Hậu (12,7-15,3 triệu tấn) và hành lang vận tải thủy ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang (62,5-70 triệu tấn). Các tuyến đường thủy nội địa chính trên hành lang vận tải trong vùng được quy hoạch đến năm 2030 đạt cấp IV trở lên.

Hệ thống kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa cũng được Chính phủ quan tâm. Trung ương sẽ tập trung phát triển 13 cụm cảng hàng hóa, đảm bảo tổng công suất hàng hóa đạt hơn 53 triệu tấn/năm; 11 cụm cảng hành khách đảm bảo tổng năng lực đáp ứng 31 triệu lượt hành khách/năm. Trong khi đó, cảng biển loại I của vùng (Cần Thơ, Trà Vinh, Long An), cảng biển loại II (Đồng Tháp, Hậu Giang), cảng biển loại III (Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau), khu bến Trần Đề (cảng biển Sóc Trăng) được định hướng quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL.

Trung ương còn nâng cấp, cải tạo, duy trì các tuyến luồng hàng hải trong vùng, để đảm bảo hoạt động ổn định, phù hợp với năng lực khai thác của hệ thống cảng biển. Trong đó, chú trọng cải tạo, nâng cấp luồng chính, bao gồm luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, luồng hàng hải Trần Đề…

Phát triển đại lộ

Nếu như suốt thời gian dài, toàn vùng ĐBSCL chỉ có được vài chục km đường cao tốc kết nối với TP. Hồ Chí Minh, thì gần đây, cao tốc được đẩy mạnh đầu tư. Theo quy hoạch của Chính phủ, hệ thống đường bộ cao tốc đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 của ĐBSCL có tổng chiều dài khoảng 1.166km, bao gồm 3 trục dọc kết nối vùng ĐBSCL với vùng Đông Nam Bộ; 3 trục ngang nhằm tăng cường kết nối với hệ thống cảng biển trong vùng với các cửa khẩu quốc tế.

Đây là định hướng rất quan trọng. Khi kết hợp với cầu bắc qua sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao, sông Cổ Chiên… cùng hệ thống giao thông thủy, luồng hàng hải, cảng biển, cảng nội địa sẽ tạo thành mạng lưới liên hoàn, kết nối thông suốt ĐBSCL với Campuchia, miền Đông Nam Bộ và động lực kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

Cùng với đầu tư cao tốc, Trung ương tập trung nâng cấp, cải tạo hệ thống quốc lộ chính yếu, đặc biệt ưu tiên một số tuyến quốc lộ kết nối với các địa phương chưa có đường cao tốc, tổng chiều dài dự kiến 1.815km, quy mô từ cấp IV đến cấp II, từ 2-6 làn xe. Duy trì khai thác ổn định các tuyến quốc lộ thứ yếu với tổng chiều dài 2.351km (cấp IV đến cấp III, từ 2-4 làn xe). Đồng thời, rà soát để đầu tư, cải tạo cầu trên các tuyến quốc lộ chính yếu và thứ yếu hiện có (đang bị hạn chế tải trọng, không đảm bảo tĩnh không), nhằm nâng cao hiệu quả vận tải trên toàn mạng lưới tại vùng.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, đơn vị đang nghiên cứu phát triển một số trục kết nối đến đầu mối vận tải lớn, khu công nghiệp, thúc đẩy giao lưu thương mại, đầu tư và phát triển giữa các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Đó là tuyến Khánh Bình - Chợ Mới (tỉnh An Giang) - Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp), dài 85km; tuyến An Giang - Kiên Giang - Hậu Giang (từ Quốc lộ N1 đến Quốc lộ 61C), dài khoảng 130km; tuyến Tiền Giang - Long An - kết nối vào Quốc lộ 50 về TP. Hồ Chí Minh, dài khoảng 30km; tuyến Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) - Ô Môn (TP. Cần Thơ) - Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang), dài khoảng 77km. Ngoài ra, còn có tuyến đường bộ ven biển đi qua tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang với tổng chiều dài khoảng 788km.

Chính phủ yêu cầu, trong quá trình quy hoạch, thiết kế, xây dựng các tuyến giao thông đường bộ, cần tính toán và bố trí cống, đập đảm bảo yêu cầu về thoát lũ, phòng, chống thiên tai; nghiên cứu phương án kết hợp đoạn tuyến của quốc lộ, đường bộ ven biển với hệ thống đê, cống kiểm soát mặn, ngọt trong quá trình lập quy hoạch từng tỉnh, đảm bảo phù hợp với phương hướng phát triển nông nghiệp tại các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp.

NGÔ CHUẨN