2 tuyến cáp quang biển quốc tế đang gặp sự cố
Bên cạnh 2 tuyến cáp đất liền kết nối tới Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore có tổng dung lượng 5 Tbps, kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế hiện đi qua 5 tuyến cáp quang biển quốc tế với tổng dung lượng đang sử dụng hơn 20 Tbps, tổng dung lượng khả dụng 34 Tbps, bao gồm: Asia America Gateway (AAG), APG (Asia Pacific Gateway), SMW3 (còn gọi là SEA - ME - WE3), Intra Asia (IA, còn gọi là Liên Á) và Asia - Africa - Euro 1 (AAE-1).
Trong năm nay, lần lượt vào các ngày 15/3, 23/5 và 13/6, 3 trong 5 tuyến cáp quang biển quốc tế các nhà mạng Việt Nam đang khai thác, đã gặp sự cố, gây gián đoạn dịch vụ trên tuyến.
Cụ thể, tuyến cáp APG gặp sự cố trên 4 nhánh S1.9, S3, S8 và S9; tuyến cáp AAE-1 bị lỗi trên 2 nhánh S1H3 và S1H5; S1 và S5 là 2 nhánh của tuyến cáp biển IA gặp sự cố.
Thời gian qua, trong bối cảnh 3/5 tuyến cáp quang biển gặp sự cố, các nhà mạng đều đã có phương án điều chuyển dung lượng sang các hướng cáp khác để đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho các khách hàng. Tuy vậy, một số người dùng dịch vụ Internet cáp quang FTTH có tình trạng truy cập chậm hướng quốc tế trong giờ cao điểm.
Thông tin cập nhật về tình hình sửa chữa, khắc phục sự cố xảy ra với 3 tuyến cáp quang biển quốc tế kể trên vừa được đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet – ISP tại Việt Nam chia sẻ với phóng viên VietNamNet ngày 2/10.
Theo vị đại diện ISP, tuyến cáp quang biển IA hiện tại đã khôi phục hoàn toàn dung lượng kết nối trên tuyến. Thời gian sự cố trên 2 nhánh S1 và S5 của tuyến cáp biển này được khắc phục lần lượt vào trung tuần tháng 7 và cuối tháng 9 vừa qua.
Với hướng kết nối qua tuyến cáp quang biển APG, trong thời gian từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 8, sự cố trên các nhánh cáp S3, S8 và S9 đã được khắc phục; hiện chỉ còn nhánh cáp S1.9 gần trạm cập bờ tại Malaysia đang được sửa chữa và dự kiến sẽ hoàn thành trong tuần đầu tháng 10.
Tương tự như APG, một phần dung lượng kết nối Internet đi quốc tế trên tuyến cáp quang biển AAE-1 đã được khôi phục, do khắc phục xong sự cố trên nhánh S1H3 hướng HongKong (Trung Quốc) vào ngày 23/9. Tuy nhiên, theo kế hoạch, phải đến ngày 26/10, lỗi rò nguồn xảy ra trên nhánh S1H5 của tuyến cáp mới được sửa xong.
Như vậy, theo tiến độ khắc phục sự cố trên những tuyến cáp quang biển mới cập nhật, dự kiến toàn bộ dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế sẽ được khôi phục hoàn toàn ngay trong tháng 10/2024 này.
Đưa Việt Nam vào nhóm dẫn đầu khu vực về cáp quang quốc tế
Thống kê của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho thấy, trung bình mỗi năm các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam phải hứng chịu khoảng 15 sự cố cáp quang biển, với thời gian sửa chữa trước năm 2022 là khoảng từ 1 - 2 tháng/sự cố, và giai đoạn sau năm 2022 là từ 1 - 3 tháng mỗi sự cố.
Cũng vì thế, từng có thời điểm Việt Nam gặp sự cố trên cả 5 tuyến cáp quang biển đang sử dụng, gây mất khoảng 60% dung lượng kết nối Internet quốc tế trong gần 2 tháng.
Từ việc nhận thức rõ hệ thống cáp quang biển quốc tế vẫn là hạ tầng thiết yếu cần được tập trung đầu tư mở rộng trong tương lai và trên cơ sở thực tế tại Việt Nam, ngày 14/6, Bộ TT&TT đã ra “Chiến lược phát triển hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”.
Với định hướng đưa Việt Nam vào nhóm dẫn đầu khu vực về hệ thống cáp quang quốc tế, bản chiến lược đã đề ra hàng loạt mục tiêu cụ thể, trong đó có việc đưa vào hoạt động tối thiểu thêm 10 tuyến cáp quang biển mới với công nghệ hiện đại, nâng tổng số tuyến cáp quang biển của Việt Nam lên tối thiểu 15 tuyến với dung lượng tối thiểu 350 Tbps, gấp khoảng 10 lần so với hiện nay; có tối thiểu 2 tuyến cáp quang biển do Việt Nam làm chủ kết nối trực tiếp tới các Digital Hub trong khu vực.
Theo chiến lược được Bộ TT&TT ban hành tháng 6/2024, các doanh nghiệp nhà nước sẽ tiên phong triển khai cáp quang quốc tế. Ảnh minh họa: M.H
Cùng với đó, thay vì đều kết nối ra phía Đông như hiện nay, hệ thống cáp quang trên biển của Việt Nam trong 10 năm tới sẽ được triển khai phân bổ hài hòa theo tất cả các hướng khả thi về mặt kỹ thuật như kết nối ra biển Đông lên phía Bắc; kết nối ra biển Đông xuống phía Nam và kết nối ra vùng biển phía Nam.
Trong trao đổi với VietNamNet tại thời điểm chiến lược phát triển hệ thống cáp quang quốc tế được ban hành, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Thế Bình đánh giá cao việc Bộ TT&TT ban hành chiến lược và nhận xét bản chiến lược đã cho thấy tầm nhìn, mục đích, mục tiêu và một số giải pháp trong phạm vi cụ thể về hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam trong 5 - 10 năm tới.
“Các nội dung của chiến lược là nguồn thông tin quý cho các công ty đa quốc gia, các nhà viễn thông lớn trong nước và trong khu vực, cũng như những ‘tay chơi’ khác trong hệ sinh thái Internet tại Việt Nam. Và cũng giống như hệ thống đường bộ cao tốc, để xây dựng thì rất tốn kém và cần nhiều thời gian, vì thế việc có chiến lược sẽ giúp định hướng cho công tác thực thi”, đại diện VIA nhận định.
Theo Cục Viễn thông, dự kiến trong quý 1/2025, hai tuyến cáp quang biển mới có doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư là SJC2 và ADC sẽ được đưa vào hoạt động. Ngoài ra, việc chuẩn bị để triển khai tuyến cáp quang biển do Việt Nam làm chủ cũng đang được thực hiện.
Theo Vietnamnet