Màn khái quát lịch sử hình thành vùng đất và văn hóa các dân tộc vùng quê Văn Yên tại lễ khai mạc.
Dự Lễ hội có ông Đỗ Đức Duy - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái cùng lãnh đạo đại diện của Ủy ban dân tộc, lãnh đạo các vụ, cục Bộ Khoa học và công nghệ, lãnh đạo các huyện: Văn Bàn - tỉnh Lào Cai; Nghĩa Hưng - tỉnh Nam Định; Lạc Thủy - tỉnh Hòa Bình; Thuận Châu - tỉnh Sơn La; Nam Trà My, Bắc Trà My - tỉnh Quảng Nam.
Phát biểu khai mạc Lễ hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Văn Yên ông Hà Đức Anh nhấn mạnh: Tiếp nối thành công qua 3 lần tổ chức Lễ hội, năm 2022, huyện Văn Yên tổ chức Lễ hội Quế lần thứ IV nhằm tiếp tục giới thiệu, quảng bá hình ảnh Quế Văn Yên đến với bạn bè trong và ngoài nước; thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu các sản phẩm Quế; thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm Quế Văn Yên. Đây cũng là dịp để quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch của huyện Văn Yên, đặc biệt là phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng, du lịch nông nghiệp.
Một tiết mục nghệ thuật tại lễ Khai mạc.
Lễ hội đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Quế Văn Yên - Thương hiệu vươn xa”. Đây cũng chính là điểm nhấn của Lễ hội năm nay. Màn nghệ thuật gồm 3 chương: Chương I – Văn Yên thuở ấy; Chương II – Hội tụ tinh hoa; Chương III – Khát vọng vươn xa với sự tham gia của trên 200 diễn viên chuyên và không chuyên, trong đó có sự góp mặt của các nghệ sỹ nổi tiếng như: Anh Thơ, Vũ Thắng Lợi, Sèn Hoàng Mỹ Lam và các nghệ sĩ đến từ Đoàn Văn công Quân khu II.
Trong đó, chương I, khán giả được thưởng thức màn khái quát lịch sử hình thành vùng đất và văn hóa các dân tộc vùng quê Văn Yên, khắc họa nét văn hóa bản địa Văn Yên thông qua Lễ hầu đồng Đền Đông Cuông; khắc họa sự phát triển của mảnh đất và con người Văn Yên qua các tiết mục đặc sắc như: Nhạc trích từ tác phẩm: Sương sớm Tây Bắc; Tình đất; Lễ hầu đồng Đền Đông Cuông; Những điều chưa thấy trong văn tự người Dao.
Chương II khắc họa sự tích và quá trình phát triển, trải qua thăng trầm của cây Quế gắn bó với đời sống lao động của nhân dân các dân tộc Văn Yên; ngợi ca vẻ đẹp của rừng Quế, hòa quyện với những bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số. Từ người Dao đến nay Quế đã lan tỏa trở thành một trong những sản phẩm chính của các dân tộc cùng sinh sống trên quê hương Văn Yên qua các ca khúc như: Trăng sáng trên rừng Quế; Người Dao ơn Đảng, ơn Bác Hồ; Nồng nàn hương Quế...
Một tiết mục nghệ thuật tại lễ Khai mạc.
Chương III khắc họa sự phát triển mạnh mẽ của đời sống gắn với cây Quế và thành quả xây dựng nông thôn mới trên quê hương Văn Yên; Khắc họa vùng đất Văn Yên tươi đẹp, phong cảnh hữu tình, con người thân thiện có tiềm năng du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh, là điểm đến đầy hứa hẹn. Khát quát sự phát triển toàn diện của công cuộc đổi mới gắn liền với cây Quế là sản phẩm chủ lực trong phát triển kinh tế, văn hóa và đời sống nhân dân các dân tộc Văn Yên, là động lực của khát vọng vươn xa qua các ca khúc đặc sắc như: Sắc màu Văn Yên; Văn Yên khát vọng vươn xa...
Văn Yên hiện là địa phương có diện tích quế lớn nhất cả nước, với trên 52.000 ha và trên 50 sản phẩm Quế các loại. Chất lượng, thương hiệu quế Văn Yên ngày càng vươn xa, có mặt ở nhiều thị trường trong nước và quốc tế. Quế Văn Yên đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong nước và ở Thái Lan, được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa về hình. Cây Quế không chỉ giúp người dân Văn Yên xóa đói, làm giàu, mà còn là biểu tượng kinh tế, văn hóa của cộng đồng người Dao đỏ và nhiều dân tộc khác của Văn Yên.
Một tiết mục nghệ thuật tại lễ Khai mạc.
Cũng tại Lễ khai mạc Lễ hội Quế Văn Yên lần thứ IV, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao Quyết định và Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Sản phẩm chế biến từ Quế của huyện Văn Yên được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận hình" cho lãnh đạo huyện Văn Yên. Qua đây góp phần khẳng định thương hiệu quế Văn Yên ngày càng có uy tín trên thị trường để đưa thương hiệu quế Văn Yên ngày một vươn xa.
Theo ĐỨC TƯỞNG (TTXVN)