Nhiều tồn tại trong xử lý
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lữ Cẩm Khường: “7 nguyên nhân chính dẫn tới SL được các ngành: NN&PTNT, TN&MT, Giao thông - Vận tải (GTVT) phân tích, đó là do cấu tạo địa chất; tác động của dòng chảy; tác động của địa hình và hình thái dòng dẫn; tác động của biến đổi khí hậu; khai thác cát trên sông; do tu bổ gia cố bờ sông, kênh, rạch hay hoạt động con người gia tăng; trọng lượng bản thân khối đất gây trượt tăng.
Các giải pháp xử lý thời gian qua (giải pháp công trình và phi công trình) chủ yếu làm kè, gia cố vật liệu chống xoáy, di dời dân khẩn cấp, trồng cây chắn sóng, điều chỉnh dòng chảy... góp phần bảo vệ ổn định bờ sông, kênh, rạch và bảo vệ tính mạng, tài sản Nhân dân, sản xuất, bảo vệ các công trình hạ tầng, văn hóa, khu dân cư tập trung”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Quang Thi khảo sát, chỉ đạo khắc phục hậu quả sạt lở
Thực tế cho thấy, quá trình thực hiện, một số công trình xử lý SL chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chưa đảm bảo an toàn tạo SL, sụt, lún tiếp và phải gia cố lại như: tuyến đường liên xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên (đoạn rạch Cái Dung-cầu Câu Quảng); xử lý SL kênh Xáng (xã Tân An, TX. Tân Châu); SL đoạn kè trên kênh Cái Sao (TP. Long Xuyên), SL kênh km5, kênh 26-3...
Bên cạnh đó, các số liệu về khảo sát địa hình, địa chất, thủy lực, thủy văn... (thành phần, nội dung, khối lượng) không đảm bảo theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành trong việc thiết kế, thi công các công trình khắc phục.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Quang Thi chỉ rõ: “Trước tình trạng khẩn cấp SL do thiên tai, công tác ứng phó của các cơ quan, ban ngành, địa phương đang tồn tại nhiều hạn chế, lúng túng. Một số địa phương còn làm theo kiểu “đau đâu trị đó”, tư vấn, thiết kế, thi công có nơi làm chưa tốt, giải pháp thiết kế không phù hợp, tốn kém...”.
Thành lập “Tổ ứng phó thiên tai khẩn cấp” ứng phó sạt lở
Ông Lâm Quang Thi phân tích: “Tình hình SL nghiêm trọng thời gian qua do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, để xử lý, hạn chế SL cần tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước trong thời gian tới. Sớm chấm dứt tình trạng xử lý SL theo kiểu “đau đâu trị đó”.
Việc xử lý SL phải có bài bản để đảm bảo việc xử lý căn cơ. Các địa phương khi xảy ra SL xử lý theo phương châm “4 tại chỗ”. Khẩn trương thành lập “Tổ ứng phó thiên tai khẩn cấp” từ tỉnh đến huyện, với đủ các thành phần chuyên môn, làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tại chỗ, cũng như thông tin 2 chiều đến cơ quan, ban, ngành liên quan, đề xuất giải pháp xử lý hợp lý nhất trong ứng phó từng vụ SL theo cơ chế “4 tại chỗ”, an toàn, ổn định và hiệu quả cao”.
Về vốn xử lý SL, tỉnh cho cơ chế từ 4 nguồn: thủy lợi phí, Nghị định 35, quỹ phòng, chống lụt bão và nguồn dự phòng. UBND tỉnh thống nhất cho cơ chế địa phương sử dụng nguồn quỹ phòng, chống lụt bão xử lý SL trước, sau đó báo cáo UBND tỉnh.
Đối với điểm xử lý SL khẩn cấp ở kênh xáng Tân An (TX. Tân Châu) thống nhất phương án làm đường tránh; đoạn Long Giang - Kiến Thành giao UBND huyện Chợ Mới tạm thời gia cố khu vực chợ Kiến Thành, đồng thời mở rộng khu dân cư theo phương thức xã hội hóa để ổn định chỗ ở cho dân khi di dời.
Đoạn khu vực Cái Tàu Thượng (xã Hòa An) giáp ranh tỉnh Đồng Tháp đề nghị Tổ ứng phó thiên tai khẩn cấp, ngành chức năng đề xuất giải pháp xử lý hợp lý nhất trên cơ sở tiết kiệm, hiệu quả.
Theo ông Thi, dân cư, giao thông đang phát triển, trong khi đó công tác cảnh báo chưa đáp ứng được sự phát triển này chính là một trong những nguyên nhân khiến tình hình SL bờ sông, kênh, rạch ở An Giang tăng cao.
“Vì vậy hiệu quả nhất là phải phòng, chống từ xa thông qua việc thông báo, cảnh báo... và tăng cường vai trò quản lý Nhà nước trong việc quản lý xây dựng, cương quyết hạn chế tình trạng lấn chiếm, tác động tiêu cực đến bờ sông, kênh, rạch; tuyên truyền cho người dân không cất nhà trên sông, kênh, rạch.
Sở TN&MT kịp thời quan trắc, cảnh báo sớm, thông tin nhanh, dự báo SL; tăng cường quản lý khai thác cát trái phép và đề xuất phương án chỉnh trị dòng chảy. Sở GTVT, Sở NN&PTNT xử lý, chấn chỉnh việc neo đậu thuyền bè không đúng quy hoạch; rà soát gắn biển báo giảm tải trọng phương tiện thủy bộ; nghiên cứu đánh giá toàn diện mạng lưới đê bao dọc tuyến kênh, rạch, đề xuất các giải pháp gia cố xử lý phù hợp”- ông Thi lưu ý.
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU