Để phòng dịch tả lợn Châu Phi, hàng tuần, ông Đinh Thế Lương, ngụ ấp Nghi Lộc, xã Bình Giã, huyện Châu Đức đều tiến hành phun xịt sát khuẩn.
Gia đình ông Đinh Thế Lương, ngụ ấp Nghi Lộc, xã Bình Giã, huyện Châu Đức đang nuôi 70 con lợn, là nghề mà gia đình ông cũng gắn bó gần 40 năm nay, nên phòng dịch luôn được gia đình ông đặt lên hàng đầu. Khi không có dịch tả lợn châu Phi gia đình ông cũng thường xuyên phun khử khuẩn chuồng trại khoảng tháng 3 lần, nay có thông tin dịch xuất hiện trở lại gia đình ông tăng cường hơn công tác phòng dịch. Hàng tuần đều đặn ông đều mua hóa chất về phun khử khuẩn, mua vôi về rắc xung quanh chuồng trại, thực hiện tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ cho đàn lợn.
“Tuy chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng phòng dịch nhiều năm nay gia đình tôi luôn chú trọng, trong thời điểm dịch bệnh bùng phát ngoài khử trùng, khử khuẩn, tiêm vaccine phòng bệnh, gia đình tôi cũng hạn chế người ra vào chuồng trại để giảm thiểu mức thấp nhất việc lây lan dịch bệnh”, ông Lương chia sẻ.
Không chỉ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các trang trại lợn lớn việc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi càng được đặc biệt chú trọng, nhất là thời điểm các trang trại đang tái đàn lợn chuẩn bị cho vụ Tết Nguyên đán sắp tới.
Trang trại nuôi lợn tại ấp Sơn Tân, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức đang nuôi khoảng 400 lợn thịt, 100 lợn nái và 200 lợn cai sữa. Trung bình mỗi tháng trang trại xuất bán từ 150-200 lợn thịt. Ông Phan Công Luận, kỹ sư của trang trại cho biết, trang trại nuôi theo quy mô tự cung tự cấp con giống nên quanh năm đều có lợn xuất bán, với quy trình này trang trại không lo việc nhập giống từ nơi khác không rõ nguồn gốc về nuôi. Việc tiêm phòng vaccine cho lợn được trang trại thực hiện đầy đủ và liên tục cho từng lứa.
Ngoài ra, hệ thống chuồng trại luôn được phun khử trùng, sát khuẩn thường xuyên tuần từ 2 đến 3 lần, vôi bột được rắc xung quanh chuồng trại, lối ra vào, không cho người lạ ra vào chuồng trại. Khi có người vào trang trại sẽ phải thực hiện phun xịt khử trùng toàn thân, mặc đồ bảo hộ mới được vào trang trại…
Huyện Châu Đức là địa phương có tổng đàn lợn nuôi lớn nhất của tỉnh, với hơn 160.000 con. Đây cũng là địa phương đầu tiên xuất hiện trở lại dịch tả lợn châu Phi vào tháng 9/2023.
Ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Đức cho biết, đối với ổ dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại địa phương, đơn vị đã phối hợp với thú y huyện tiến hành phun xịt, sát trùng đối với khu vực chuồng trại chăn nuôi nơi ổ dịch và cả khu vực thôn, ấp có ổ dịch. Bên cạnh đó, đối với hộ chăn nuôi có lợn bệnh, cơ quan chức năng đã hướng dẫn người chăn nuôi tách riêng đàn, theo dõi sức khỏe đàn lợn, khi xuất hiện thêm lợn bị bệnh phải báo ngay cho thú y và địa phương để tiến hành xử lý và kiểm soát kịp thời.
“Địa phương cũng như ngành nông nghiệp huyện đã chỉ đạo tăng cường, kiểm soát dịch tả lợn trên địa bàn huyện, trong đó chú trọng tăng cường kiểm soát giết mổ, đặc biệt là kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với lợn nhập từ ngoài vào tỉnh. Địa phương cũng khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, khi nhập lợn giống từ nơi khác về phải đảm bảo lợn phải có nguồn gốc rõ ràng, có giấy kiểm dịch động vật của cơ quan chức năng”, ông Khởi nói.
Ông Lê Thanh Đại, xã Bình Giã, huyện Châu Đức, phun khử khuẩn, sát trùng chuồng trại để phòng dịch tả lợn Châu Phi.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đến nay, tổng đàn lợn toàn tỉnh là hơn 398.000 con, tăng 3,8% so cùng kỳ.
Theo ông Nguyễn Xuân Trung, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, chi cục đã tăng cường tuyên truyền, vận động người chăn nuôi gia súc, gia cầm thường xuyên vệ sinh chuồng trại, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tiêm ngừa đầy đủ các loại vaccine trên đàn vật nuôi để phòng, chống các loại dịch bệnh. Chi cục cũng khuyến cáo người chăn nuôi, khi tái nhập đàn, con giống cần được mua tại những cơ sở có uy tín, rõ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được kiểm tra, kiểm dịch.
Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng yêu cầu các Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành địa phương kiểm tra tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, các điểm tập trung lợn, nhằm sớm phát hiện các trường hợp lợn có biểu hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi và xử lý các vi phạm theo quy định.
Chi cục cũng đã phân công lực lượng phụ trách chính tại các cơ sở giết mổ. Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành quy trình kiểm soát giết mổ động vật của nhân viên thú y thực hiện trực tiếp tại cơ sở giết mổ. Đồng thời, yêu cầu thú y viên thực hiện nghiêm việc kiểm tra động vật trước khi nhập vào cơ sở giết mổ, chỉ được phép đưa lợn khỏe mạnh, bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y và có nguồn gốc rõ ràng vào giết mổ. Nếu thấy lợn có dấu hiệu lâm sàng, nghi dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi phải báo ngay cho Trạm Chăn nuôi và Thú y địa phương và chính quyền địa phương.
Đối với các Trạm Kiểm dịch đầu mối giao thông, phân công kiểm dịch viên làm việc 24/24 giờ kể cả ngày nghỉ. Kiểm soát chặt chẽ tất cả gia súc, gia cầm nhập vào tỉnh, kiểm tra kỹ đối với những trường hợp vận chuyển lợn với mục đích để giết mổ. Lập biên bản tạm giữ và báo ngay về chi cục các trường hợp vận chuyển lợn trái phép và nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng chỉ đạo các phòng nghiệp vụ khẩn trương rà soát, chuẩn bị sẵn sàng vaccine, vật tư, hóa chất phòng chống dịch và kịp thời báo cáo, đề xuất xem xét, sử dụng vật tư, hoá chất, thuốc sát trùng để cung cấp và hướng dẫn các địa phương triển khai ngay phòng chống dịch khẩn cấp khi cần thiết.
Theo TTXVN