Duy trì sức khỏe cho người cao tuổi

24/07/2025 - 07:14

 - Người cao tuổi có sức đề kháng suy giảm, khả năng chống đỡ bệnh tật kém, dễ mắc bệnh, nhất là các bệnh mạn tính. Muốn duy trì sức khỏe, người cao tuổi cần có lối sống, sinh hoạt lành mạnh; thường xuyên tập thể dục, thể thao phù hợp và khám sức khỏe đình kỳ để tầm soát các bệnh.

Nếu thời tiết thuận lợi, khoảng 17 giờ mỗi ngày bà Phạm Thị Thuyến (65 tuổi), ngụ phường Rạch Giá cùng nhóm người cao tuổi trên địa bàn tham gia chơi môn bóng chuyền hơi hoặc múa dưỡng sinh, có khi luyện tập múa dân vũ… Vào những dịp hè, nhóm tổ chức các chuyến du lịch hoặc các buổi tiệc ăn uống, giao lưu văn nghệ… Đó là cách để bà Thuyến và nhiều người cao tuổi tạo niềm vui cho mình và duy trì sức khỏe. “Các con đều đi làm và có cuộc sống riêng, chăm lo cho con nên ít có thời gian dành cho người cao tuổi trong gia đình. Chúng tôi tập hợp lại và tạo các hoạt động thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí phù hợp… vừa giúp duy trì sức khỏe thể chất vừa giúp tinh thần thoải mái. Thường xuyên gặp gỡ, chúng tôi có thể chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống và giúp nhau khi khó khăn”, bà Thuyến nói.

Cùng ngụ phường Rạch Giá, ông Nguyễn Trọng Hưng (71 tuổi) thay đổi thói quen sinh hoạt không lành mạnh để nâng cao sức khỏe. Ông Hưng chia sẻ: “Thời còn trẻ tôi hút thuốc khá nhiều, đến khi lớn tuổi đi khám bệnh, bác sĩ khuyên bỏ nên tôi quyết tâm bỏ hút thuốc hơn 10 năm nay. Tôi ăn uống thanh đạm, hạn chế ăn muối, đường và duy trì thói quen đi bộ. Hiện tôi mắc bệnh cao huyết áp, hàng tháng đến cơ sở y tế tái khám, lấy thuốc uống nên sức khỏe vẫn ổn định, đầu óc vẫn minh mẫn”.

Người cao tuổi khám bệnh tại Phòng khám ưu tiên, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang

Theo Bộ Y tế, ở Việt Nam có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, phần lớn trong số này mắc nhiều bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành... Trung bình người Việt Nam trên 60 tuổi có 2,6 bệnh; trên 80 tuổi có 6,8 bệnh. Nhằm nâng cao sức khỏe, duy trì tuổi thọ cho người cao tuổi, Bộ Y tế xây dựng đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025, trong đó phấn đấu đến năm 2025, 80% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm và được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe; 90% người cao tuổi khi bị bệnh được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe…

Thực hiện đề án này, Sở Y tế tập trung triển khai các nội dung như thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi ít nhất 1 lần/năm và lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp kiến thức, kỹ năng để người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe; khuyến khích các cơ sở y tế tổ chức khám sàng lọc, kịp thời phát hiện các bệnh ở người cao tuổi, vận động tài trợ phát thuốc miễn phí cho người dân…

Từ năm 2005 đến nay, các đơn vị trực thuộc của ngành y tế tổ chức chương trình khám sàng lọc và quản lý bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp cho người cao tuổi, người có nguy cơ cao, qua đó phát hiện hàng ngàn người cao tuổi mắc bệnh và tiền sử bệnh, lập danh sách để trạm y tế theo dõi, quản lý, chăm sóc sức khỏe. “Kinh tế gia đình khó khăn, khi nào bệnh tôi mới đi khám. Nhờ khám bệnh không tốn tiền, tôi phát hiện mắc bệnh tăng huyết áp, phải uống thuốc thường xuyên. Tôi có sổ bảo hiểm y tế của Nhà nước cấp, tháng nào cũng đến trạm y tế lãnh thuốc uống. Từ ngày uống thuốc, sức khỏe tôi tốt hơn, không chóng mặt, nhức đầu như trước”, ông Danh Kiểm (72 tuổi), ngụ phường Vĩnh Thông nói.

Tạo thuận lợi cho người cao tuổi tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang bố trí các phòng khám ưu tiên dành cho người từ 70 tuổi trở lên. Bác sĩ Phạm Thị Như Hạnh - Phòng khám ưu tiên, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang cho biết: “Trung bình mỗi ngày phòng khám tiếp nhận khoảng 65 bệnh nhân đến tái khám các bệnh mạn tính như cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Đa số bệnh nhân đều thực hiện tốt việc tái khám, lãnh thuốc uống định kỳ nên sức khỏe thường ổn định”.

Bác sĩ Phạm Thị Như Hạnh khuyến cáo người cao tuổi muốn duy trì sức khỏe, nâng cao tuổi thọ cần quản lý tốt các bệnh mạn tính, tái khám định kỳ đúng hẹn, uống thuốc theo toa của bác sĩ. Người cao tuổi sức đề kháng suy giảm cần giữ ấm cơ thể, tránh để ướt, đi mưa; mặc áo ấm khi lạnh để tránh các bệnh hô hấp như cảm cúm, viêm phế quản, viêm phổi... Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý như ăn đủ chất, tăng cường rau xanh, trái cây để tăng sức đề kháng, uống đủ nước, ưu tiên nước ấm, hạn chế uống nước lạnh. Giữ vệ sinh cá nhân như thường xuyên rửa tay trước và sau khi ăn, sau khi tiếp xúc đồ dùng không sạch; giữ nhà ở, phòng ở khô ráo, sạch sẽ, tránh ẩm mốc. Đồng thời, vận động thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga, dưỡng sinh và tập thói quen chế độ ăn uống, ngủ nghỉ đúng giờ.

Bài và ảnh: MI NI