Kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, năm 2021 nền kinh tế nước ta tiếp tục chịu nhiều tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19. Đảng, Quốc hội đã kịp thời ban hành nhiều chính sách quan trọng, trong đó có các chính sách tài chính nhằm bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua đại dịch.
Đặc biệt, việc ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội có ý nghĩa rất quan trọng, đã tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi trong việc khẩn trương xây dựng, ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết thể hiện quyết tâm tập trung nguồn lực NSNN cho phòng chống dịch; nhiều cơ chế, chính sách về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, chi hỗ trợ trực tiếp người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đời sống nhân dân.
Nêu rõ tình hình thực hiện dự toán NSNN 2021 cũng nổi lên một số vấn đề cần lưu ý, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân chủ quan để có giải pháp khắc phục trong các năm tiếp theo.
Theo Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, tính từ thời điểm dịch bùng phát đến nay, tổng số kinh phí đã cấp cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 là 30,85 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, việc sử dụng nguồn NSNN chi cho phòng chống dịch có một số điểm cần lưu ý như: về đánh giá toàn diện hiệu quả của chính sách; cần báo cáo cụ thể về việc mua, tiếp nhận vaccine, về chi mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch.
Đối với dự toán NSNN năm 2022, để bảo đảm cân đối ngân sách vững chắc, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, dự toán thu NSNN xây dựng theo dự kiến mức tăng trưởng kinh tế 6-6,5%, lạm phát khoảng 4% song dự kiến tốc độ tăng thu chỉ tăng 3,4% là chưa thực sự phù hợp. Ngoài ra, việc dự kiến tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,1% GDP thấp hơn so với mức bình quân theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội (không thấp hơn 16% GDP).
Bên cạnh đó, việc dự toán 3 khoản thu từ các khu vực sản xuất kinh doanh chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, đối với nguồn thu từ doanh nghiệp nhà nước chỉ tương đương với số thực hiện năm 2021 là mức dự kiến còn thấp.
Ngoài ra, trong dự toán thu NSNN năm 2022 cần tính đến số giảm thu do có thể tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí trong trường hợp dịch bệnh còn ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh.
Quang cảnh phiên làm việc tại hội trường chiều 20-10. Ảnh: Duy Linh
Cần gói kích thích đủ lớn để phục hồi kinh tế
Đáng chú ý, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, với tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19 tới phát triển thì mục tiêu phục hồi kinh tế, tạo nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh GDP quý III giảm mạnh. Vì vậy, việc quyết tâm, chủ động, khẩn trương triển khai gói kích thích, phục hồi nền kinh tế, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng là rất cần thiết.
Do đó, cần nghiên cứu toàn diện, có phương án cân đối xây dựng gói kích thích kinh tế với quy mô đủ lớn để tạo hiệu ứng sâu rộng, tính lan tỏa cao, bảo đảm mục tiêu phục hồi nền kinh tế, an sinh xã hội. Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị nghiên cứu, sử dụng đồng bộ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; nghiên cứu, lựa chọn đối tượng phù hợp, cần thiết để bổ sung gói hỗ trợ cấp bù lãi suất; có chính sách thu phù hợp, tính đến việc miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí; cân nhắc giảm mức nộp BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đào tạo và đào tạo lại lao động
Bên cạnh đó, đối với đề xuất cải cách tiền lương, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, căn cứ tình hình dịch bệnh hiện nay, việc thực hiện cải cách tiền lương từ 1-7-2022 là khó khả thi. Theo đó, Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhất trí với phương án Chính phủ trình. Tuy nhiên, để có điều kiện cho việc triển khai trong những năm tiếp theo, đề nghị Chính phủ tính toán, chú trọng hơn nữa việc cân đối nguồn lực để bảo đảm thực hiện Nghị quyết 27, góp phần bảo đảm đời sống người hưởng lương, nhất là đối tượng có mức lương thấp.
Ngoài ra, để bảo đảm hỗ trợ nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế của một số địa phương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của đại dịch Covid-19, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ điều chỉnh tỷ lệ điều tiết trong năm 2022 ở mức hợp lý.
Theo TRỊNH DŨNG (Nhân dân)