Khen thưởng sản xuất lúa gạo bền vững

18/04/2024 - 06:24

 - Trong 6 vụ sản xuất tới, Ban Quản lý Dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực ĐBSCL” (TRVC) dành nguồn kinh phí lên đến 57 tỷ đồng để khen thưởng cho những doanh nghiệp (DN) liên kết hợp tác xã (HTX) xây dựng vùng nguyên liệu, áp dụng công nghệ sản xuất đáp ứng yêu cầu dự án. Từ đó, đóng góp trực tiếp vào nỗ lực xây dựng vùng chuyên canh 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, tăng trưởng xanh và bền vững.

Lợi ích cho ngành hàng lúa gạo

Dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại khu vực ĐBSCL” (TRVC) do Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cùng Sở NN&PTNT 3 tỉnh: An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang triển khai thực hiện. Được tài trợ của Chính phủ Úc với trị giá khoảng 17 triệu AUD (đô-la Úc), dự án đặt mục tiêu chuyển đổi sản xuất bền vững 200.000ha lúa vùng ĐBSCL, tương đương với hơn 200.000 hộ trồng lúa, cùng nhiều DN, HTX được hưởng lợi.

Sau khi công bố dự án vào đầu năm 2024 tại TP. Cần Thơ, SNV lần lượt phối hợp Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang triển khai dự án vào thực tế. Mới đây, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Tôn Thất Thịnh (Giám đốc Ban Quản lý Dự án TRVC tại An Giang) và Giám đốc Dự án TRVC - SNV Trần Thu Hà chủ trì Hội thảo giới thiệu Dự án TRVC cho các DN đang đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu tại An Giang, cùng các HTX tiêu biểu.

 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin về Dự án TRVC

Ông Tôn Thất Thịnh cho biết, An Giang là tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn ở ĐBSCL, với tổng diện tích gieo trồng 630.000ha/năm, sản lượng khoảng 4 triệu tấn, đứng thứ hai cả nước (sau tỉnh Kiên Giang). Lúa gạo là ngành hàng chủ lực của tỉnh, được ngành nông nghiệp chú trọng áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiến bộ, tổ chức sản xuất, nâng cao giá trị ngành hàng. Tuy nhiên, do nhiều nông dân chưa sử dụng hợp lý vật tư đầu vào, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới... ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Đến nay, diện tích liên kết tiêu thụ với DN đạt khoảng 100.000ha/năm, vẫn còn khiêm tốn so diện tích canh tác.

“Trước tác động của biến đổi khí hậu, thị trường ảnh hưởng đến ngành hàng lúa gạo, tỉnh đang triển khai các giải pháp thích ứng. Việc An Giang là một trong 3 tỉnh được chọn tham gia Dự án TRVC là lợi thế lớn cho tỉnh. Các DN cần tích cực tham gia, nhằm xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, cải thiện sinh kế cho người trồng lúa.

Dự án được triển khai mở ra hướng đi mới cho ngành hàng lúa gạo của An Giang, đóng góp vào diện tích 150.000ha tỉnh đăng ký tham gia đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” đến năm 2030” - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tôn Thất Thịnh nhấn mạnh.

Cơ hội cho doanh nghiệp

Trực tiếp điều hành Dự án TRVC tại Việt Nam, bà Trần Thu Hà cho biết, dự án không đặt thêm tiêu chí cho DN mà dựa trên công nghệ canh tác được Bộ NN&PTNT triển khai, đạt hiệu quả trên thực tế. “Công nghệ canh tác lúa bền vững theo Dự án TRVC cũng chỉ xoay quanh các quy trình kỹ thuật: “1 phải, 5 giảm”, tưới ngập khô xen kẽ (AWD), tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững (SRP) và quản lý rơm rạ sau thu hoạch. Trong đó, đặc biệt lưu ý việc quản lý rơm rạ để tái sử dụng theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Rơm phải được thu gom ra khỏi ruộng càng nhiều càng tốt, không đốt hay cày vùi rơm ướt” - bà Hà lưu ý.

Theo tính toán của Ban Quản lý Dự án TRVC, khi chuyển đổi sản xuất lúa bền vững, trước nhất mang đến những lợi ích thiết thực, như: Giảm 20 - 30% lượng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học; giảm 20 - 40% lượng nước tiêu thụ; giảm ít nhất 15% chi phí đầu vào; giảm 200.000 tấn CO2; đảm bảo ít nhất 30% lợi nhuận cho nông dân. Toàn bộ kết quả của dự án đóng góp trực tiếp vào đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”.

“Sau khi đăng ý tham gia, vùng liên kết canh tác lúa của DN sẽ được các tổ chức chuyên môn thẩm định độc lập kết quả. Nếu đạt các yêu cầu của dự án, DN sẽ được xem xét trao giải thưởng theo vụ (6 vụ) và giải thưởng chung kết cuộc thi, với tổng giá trị giải thưởng tiền mặt 3,65 triệu AUD (tương đương 57 tỷ đồng).

Như vậy, DN liên kết sản xuất theo tiêu chí bền vững vừa tiết kiệm được chi phí, tăng hiệu quả, nâng cao giá trị sản phẩm, đạt yêu cầu giảm phát thải, tăng trưởng xanh, vừa được dự án tặng giải thưởng tiền mặt để tái đầu tư” - Giám đốc Dự án TRVC - SNV Trần Thu Hà nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tôn Thất Thịnh cho biết, Ban Quản lý Dự án TRVC tại An Giang cùng các đơn vị chuyên môn thuộc sở sẽ hướng dẫn, hỗ trợ các DN đăng ký tham gia Dự án TRVC; tạo điều kiện cho DN liên kết với HTX để xây dựng vùng nguyên liệu, đáp ứng các tiêu chỉ của dự án. Trong số hơn 220 HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, có 129 HTX sẵn sàng hợp tác với DN.

NGÔ CHUẨN