“Giết người trong mộng”
Nguyễn Văn Bích (sinh năm 1993, ngụ phường Châu Phú A, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) chỉ học đến… lớp 1. Năm 23 tuổi, anh ta bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 15 tháng về hành vi “Sử dụng trái phép chất ma túy”. Đến giữa năm 2020, Bích tiếp tục bị Tòa án nhân dân huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) xử phạt 8 tháng tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tháng 10/2020, anh ta được thả, trở về địa phương sinh sống.
Trước khi ở tù, Bích gặp Nguyễn Thị Cẩm T. (sinh năm 2003) tại một quán cà-phê. Trúng “tiếng sét ái tình”, 1 tháng sau, cả hai dọn về nhà T., chung sống như vợ chồng, nhưng không đăng ký kết hôn. Ít lâu sau, một bé gái chào đời. Chưa được bao lâu, Bích đi tù, để T. chăm sóc con nhỏ. Họ hàn gắn lại tình cảm khi Bích ra tù. Tháng 9/2021, cả hai dọn ra nhà trọ ở. Bích đi giao nước đá, làm phụ hồ kiếm thu nhập, còn T. ở nhà trông con.
Hạnh phúc của cặp “vợ chồng hờ” một lần nữa đối mặt với sóng gió, khi trong lòng Bích nghi ngờ vợ phát sinh tình cảm với em ruột mình, thời điểm anh ta đi tù. Mỗi lần như thế, anh ta nổi cơn ghen, cự cãi lớn tiếng. T. phản kháng bằng cách ôm con bỏ về nhà cha mẹ. Điều này càng làm tăng nỗi nghi ngờ trong lòng Bích. Đồng thời, gia đình T. càng khắc sâu ấn tượng xấu về “chàng rể” lười lao động, không có đạo đức. Mỗi lần anh ta đến nhà, gia đình T. tỏ thái độ chán ghét, đôi lúc xảy ra mâu thuẫn.
Bị cáo Nguyễn Văn Bích
“Bị cáo rất thương vợ, nhưng cha mẹ vợ không cho đến thăm. Hôm xảy ra vụ việc, bị cáo đi làm hồ, nhưng chưa có vật liệu. Thấy có thời gian rảnh rỗi, bị cáo về nhà trọ uống rượu, rồi đi thăm vợ con. Trước khi đi, sợ anh rể “kiếm chuyện”, bị cáo lấy dao Thái Lan trong bếp, bỏ vào túi quần phòng thân. T. đang sử dụng điện thoại, bị cáo đến gần nói chuyện thì T. không nói chuyện, đi vào nhà vệ sinh khóa cửa bên trong. Bị cáo leo qua cửa nhà vệ sinh, nhưng bị vợ phản ứng, xô mạnh ra. Đang có rượu trong người, bị cáo không kiềm chế được, rút dao đâm vợ 4-5 nhát…” - Bích khai tại tòa.
Những nhát dao oan nghiệt đã tước đi mạng sống của T., khi mới 19 tuổi và đem lại 20 năm tù cho Bích. Nhưng chẳng có bất kỳ phép màu nào trả mẹ lại cho đứa con thơ dại, trả con cho cha mẹ nạn nhân, trả lại nỗi thanh thản cho chính hung thủ…
Vấn nạn đáng lo
Rất nhiều vụ án “giết người trong mộng” xảy ra trong những năm gần đây, khắp cả nước. Khi khai nhận hành vi, kẻ gây án thường đổ lỗi do ghen tuông, do muốn “giết người quên tình nghĩa phu thê”.
Ngày 15/9/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) tạm giữ hình sự Thái Xuân Bình, khi đối tượng được cho là dùng dao chém đứt lìa 2 tay của vợ vì mâu thuẫn ghen tuông. Vụ án làm dư luận phẫn nộ, gây ám ảnh khôn nguôi. Gần đây, Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế tuyên phạt Nguyễn Hữu Ánh (sinh năm 1986) 16 năm tù về tội danh “Giết người”. Nghi ngờ vợ có quan hệ tình cảm với người khác, thường xuyên đi làm về muộn, Ánh quyết định dùng xăng đốt chết vợ vào khuya 4/12/2021.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vấn nạn bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, hành vi xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương; thậm chí có xu hướng gia tăng. Giai đoạn 2009-2021, cả nước phát hiện 324.641 vụ bạo lực gia đình.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định: “Vấn nạn bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng hơn, đa dạng hơn, phức tạp hơn, đã và đang để lại hậu quả thương tâm, đau xót cho nhiều gia đình, tạo ra thiệt hại to lớn cho toàn xã hội. Nếu không được giải quyết kịp thời, bạo lực gia đình sẽ đe dọa đến sự phát triển bền vững của gia đình, làm xói mòn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm suy yếu động lực phát triển và là rào cản đối với tiến trình phát triển bền vững của đất nước”.
Hiện nay, dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, chỉnh lý, báo cáo giải trình, tiếp thu, chuẩn bị trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022). Dự thảo đề ra nhiều quy định mang tính đột phá trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó ưu tiên đến nhóm người bị bạo lực gia đình là phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em, người cao tuổi... Tuy nhiên, luật được ban hành là một chuyện, chuyện còn lại là huy động sự tham gia của toàn xã hội vào công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Có như thế, mới mong giảm bớt được những vụ án đau lòng tương tự.
KHÁNH HƯNG