Khi người trẻ kiếm tiền sớm

23/02/2022 - 06:14

 - Với sự phát triển của mạng xã hội, số người trẻ tham gia kiếm tiền ngày càng nhiều để phụ giúp gia đình, thậm chí tự trang trải rất tốt cho nhu cầu bản thân. Trong đó, nhiều bạn đã biết tận dụng tối đa công nghệ để phát huy sở trường, khả năng kết nối rộng rãi để làm các công việc trên môi trường mạng.

Đang học lớp 8 tại một Trường THCS của huyện Châu Phú (tỉnh An Giang). Hàng tháng, công việc bán hàng (mỹ phẩm và đồ ăn vặt) qua mạng xã hội Zalo, Facebook giúp B.N kiếm được khoảng 8 triệu đồng. B.N cho biết, công việc này không cần vốn, với vai trò là cộng tác viên, đại lý cho nhiều cửa hàng lớn từ xa, em trực tiếp hưởng hoa hồng trên mỗi đơn hàng bán thành công.

“Đa số mỹ phẩm có giá “học sinh”. Đồ ăn vặt càng dễ bán. Em được hướng dẫn, hình ảnh và thông tin có sẵn, chỉ tham gia vào các nhóm mua bán, nhóm đánh giá về sản phẩm, kết bạn nhiều nhất có thể… và tìm bán món hàng đa số mọi người thích. Mấy tháng do dịch bệnh, ai cũng gặp khó khăn khi mua sắm, riêng đồ ăn vặt em bán rất chạy. Kinh tế gia đình đủ sống, không đến nỗi ba mẹ bắt đi làm để kiếm tiền sớm. Em thích làm vì có thu nhập, lúc cần chi tiêu những nhu cầu riêng đều tự lo được, không phải xin người lớn” - B.N chia sẻ.

Nhiều học sinh tự kiếm tiền nhờ các công việc trên mạng xã hội

Cùng công việc với B.N và có mức thu nhập tương đương, T.Q mới học lớp 7 và đã có kỹ năng bán hàng trực tuyến (online) rất thành thạo. Mỗi sản phẩm T.Q nhận bán chỉ từ 15.000-50.000 đồng, nhờ bán số lượng nhiều nên thù lao khá. So với bạn bè đồng trang lứa, việc kiếm được vài triệu đồng mỗi tháng khiến bạn bè ngưỡng mộ.

Ngoài bán hàng online, nhiều bạn trẻ hiện nay đã tiếp cận mạng xã hội để làm nhiều công việc theo tiêu chí kiếm tiền tại nhà, không cần vốn, dễ làm. Một số học sinh, sinh viên có kỹ năng tốt còn thử sức làm quản trị Fanpage, tiếp thị liên kết, kiếm tiền với các ví điện tử, tạo kênh YouTube, TikTok… Nhiều bạn còn tham gia vào những công việc đòi hỏi khả năng sáng tạo, sự siêng năng, có nghiên cứu. Nghiêm túc đầu tư với những việc làm này cũng là cách để các bạn phát triển tư duy, năng lực bản thân.

Ở độ tuổi còn ăn học, việc các bạn trẻ tìm việc làm trang trải một phần thu nhập giúp gia đình hoặc để rèn các kỹ năng cần thiết là nhu cầu tất yếu. Điều cần quan tâm là tránh để các em bị lạm dụng hay quá mải mê kiếm tiền, nhìn nhận phiến diện giữa việc học với các công việc khác có thể “đào” ra tiền tức thời.

Thầy M.T (giáo viên dạy tiểu học) kể: “Tôi gặp một cô bé đứng ngoài lớp học, tóc nhuộm vàng, tô son ra vẻ chững chạc. Em chủ động chào thì tôi mới nhận ra học trò cũ của mình. Tính theo độ tuổi, giờ em đã học THCS, nhưng em cho biết đã nghỉ học, ra ngoài kiếm tiền. Phụ huynh của em này còn quan niệm, học nhiều hay ít thì sớm muộn cũng ra đời kiếm tiền, đỡ đần ba mẹ sớm ngày nào thì khỏe ngày đó. Tôi không ý kiến, nhưng thấy học trò của mình vội vã trưởng thành để lao vào đời kiếm tiền, mang vẻ ngoài người lớn “chín ép” thì có chút chạnh lòng”.

Chuyện nên hay không nên, đồng tình hay phản đối con cái kiếm tiền sớm phụ thuộc vào quan điểm của phụ huynh, hoàn cảnh gia đình, khả năng và mong muốn của bản thân các em. Trong khi một số người quan niệm học mới là quan trọng nhất thì số khác cho rằng, kiếm tiền sớm cũng là cách rèn kỹ năng sống giúp các em trân trọng đồng tiền và sức lao động. Bà Kim Ngân (ngụ TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) cho biết, trước đây có nhiều gia đình người Hoa thường gửi con đến các cửa hàng, tiệm buôn để học việc, tích lũy kinh nghiệm và để hiểu giá trị đồng tiền. Tuy nhiên, bây giờ môi trường học tập, rèn kỹ năng cho trẻ nhỏ đã phát triển khá tốt. Suy nghĩ tự đào tạo cho con cái tiến bộ như thế nào tùy thuộc vào cha mẹ. Ở mức độ phù hợp, để chia sẻ với gia đình hoặc đơn giản để phát triển các mối quan hệ, kỹ năng giao tiếp… phụ huynh có thể cho phép con mình làm một số công việc nhỏ.

Nhìn ở góc độ thoáng hơn, trẻ học kiếm tiền, tự trau dồi khả năng là một điều tích cực. Đối với trẻ nhỏ tuổi, nhiều bậc phụ huynh hay nhờ con làm việc và “trả công” bằng tiền, gợi ý các con bỏ ống để sử dụng mục đích lớn hơn. Những em có năng khiếu làm sản phẩm, sáng tác được khuyến khích phát huy một cách phù hợp, vừa sức. Trẻ càng lớn dần thì việc quản lý, giáo dục càng khó, đòi hỏi người lớn phải có định hướng khéo léo để các em có động cơ trong sáng, sử dụng tiền chính đáng, biết cân đối các việc khác một cách hợp lý. Dù ở độ tuổi nào, những việc làm chính đáng theo mong muốn của các em đều có 2 mặt cần được phụ huynh chia sẻ, uốn nắn. Quan trọng là tránh sa đà vào kiếm tiền mà quên học tập, bởi điều đó đồng nghĩa với việc thời gian vui chơi, giải trí, phát triển tinh thần của các em sẽ phải chia nhỏ lại.

MỸ HẠNH